Friday, April 19, 2024
Trang chủĐiểm tinTàu ngầm thế giới tuần qua: Nga dừng sản xuất Kilo, chuyển...

Tàu ngầm thế giới tuần qua: Nga dừng sản xuất Kilo, chuyển sang AIP

Pháp tiếp thị tàu ngầm AIP cho Ba Lan, Mỹ sắp hoàn thành USS Washington, Nhật thúc đẩy bán tàu ngầm AIP ở miền nam Australia, Đài Loan tự chế tàu ngầm.

Nga sẽ dừng sản xuất tàu ngầm lớp Kilo, chuyển sang tàu ngầm AIP

Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 7 tháng 9 đưa tin, Nga sẽ dừng chế tạo tàu ngầm diesel-điện Type 636 (NATO gọi là lớp Kilo), trong khi đó, tàu ngầm AIP lớp Kalina dự tính sau năm 2020 sẽ đưa vào sản xuất.

Chiếc đầu tiên của tàu ngầm phiên bản cải tiến Type 636.3 mang tên Novorossiysk được khởi công chế tạo vào tháng 8 năm 2010, chiếc thứ hai tên là Rostov-on-Don, khởi công chế tạo vào tháng 11 năm 2011, chiếc thứ ba tên là Stary Oskol bắt đầu chế tạo vào trung tuần tháng 8 năm 2012,

chiếc thứ tư tên là Krasnodar bắt đầu chế tạo vào tháng 2 năm 2014, chiếc thứ năm là Nizhny Novgorod và chiếc thứ sáu mang tên Kolpino khởi công chế tạo vào tháng 10 năm 2014.

6 chiếc tàu ngầm phiên bản cải tiến Type 636.3 này do Cục thiết kế Trung ương Rubin Nga nghiên cứu phát triển, được nhiều lần cải tiến trên nền tảng Type 663. Hiện nay, Cục thiết kế trung ương Rubin hiện nay đang nghiên cứu chế tạo loại tàu ngầm AIP lớp Kalina mới, dự tính sau năm 2020 sẽ đưa vào sản xuất.

Liên quan đến tàu ngầm Nga, trang mạng “Jane’s Defense Weekly” Anh ngày 1 tháng 9 cho biết, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Alexander Nevsky lớp Borey sẽ bàn giao cho Hạm đội Thái Bình Dương Nga vào đầu tháng 9. Sau đó, tàu ngầm này sẽ tiến hành tuần tra răn đe hạt nhân chiến lược ở Thái Bình Dương.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Vladimir Monomakh lớp Borey Hải quân Nga

Hãng tin TASS Nga trước đó cho biết, tàu ngầm Alexander Nevsky vào trung tuần tháng 8 đã rời Hạm đội Phương Bắc, sẽ đi qua biển Pechora, quần đảo Novosibirsk, đảo Wrangel, đến bán đảo Kamchatka.

Tàu ngầm Alexander Nevsky đi vào hoạt động từ tháng 12 năm 2013, trang bị 16 quả tên lửa đạn đạo SS-N-32 Bulava, là chiếc tàu ngầm lớp Borey thứ hai. Trước khi chuyển giao cho Hạm đội Thái Bình Dương, tàu ngầm này luôn hoạt động ở căn cứ Gadzhiyevo của Hạm đội Phương Bắc.

Cuối năm 2013, Nga cho biết, tàu ngầm Alexander Nevsky và chiếc tàu ngầm lớp Borey thứ ba mang tên Vladimir Monomakh đều sẽ chuyển giao cho Hạm đội Thái Bình Dương vào năm 2014.

Hiện nay, tàu ngầm Vladimir Monomakh đang tiến hành huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, sau đó sẽ trang bị vũ khí. Được biết, cuối năm 2015, tàu ngầm Vladimir Monomakh sẽ bắn một quả tên lửa Bulava, nửa cuối năm 2016 sẽ chuyển giao cho Hạm đội Thái Bình Dương.

Được biết, Hải quân Nga có kế hoạch triển khai 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey ở Thái Bình Dương. 

Tàu ngầm thông thường lớp Ulla của Hải quân Na Uy

Na Uy và Ba Lan triển khai đối thoại về hợp tác tàu ngầm

Tờ “Aerospace Defense” Pháp ngày 6 tháng 9 cho biết, Na Uy đã triển khai đối thoại với Ba Lan, tìm kiếm triển khai hợp tác trong lĩnh vực tàu ngầm.

Năm 2014, Chính phủ Na Uy đã quyết định mua sắm tàu ngầm mới để từng bước thay thế 6 tàu ngầm lớp Ulla cũ vào giữa thập niên 2020.

Theo bài báo, doanh nghiệp Na Uy có công nghệ tàu ngầm tiên tiến thế giới, Chính phủ Na Uy coi mua sắm tàu ngầm mới là cơ hội của công nghiệp quốc phòng Na Uy. Chính phủ Na Uy quyết định hợp đồng chế tạo tàu ngầm mới phải ký kết trước năm 2020.

Dự tính, từ khi ký kết hợp đồng đến khi bàn giao chiếc tàu ngầm đầu tiên sẽ mất thời gian 6 – 7 năm. Chi phí mua tàu ngầm mới sẽ rất đắt đỏ. Na Uy đang triển khai hợp tác mang tính tổng hợp với các nước khác trên lĩnh vực này.

Gần đây, Bộ Quốc phòng Na Uy đã triển khai đối thoại với các nước khác. Để thực hiện hợp tác có hiệu quả, phải có nhiều nhân tố: nước này và Na Uy có hoàn cảnh tương đồng hoặc giống nhau, thời gian biểu mua sắm tàu ngầm của nước này đồng thời với Na Uy.

Đồng thời, các nước tham gia hợp tác sẽ tìm kiếm phương án giải quyết chung về hậu cần và bảo trì trong thời gian tuổi thọ của tàu ngầm.

Hoàn cảnh của Ba Lan rất giống Na Uy, vì vậy, hiện nay, Ba Lan có ý định triển khai hợp tác chặt chẽ hơn với Na Uy trên phương diện mua sắm, vận hành và bảo đảm tàu ngầm. Trong tương lai, Na Uy sẽ tăng cường đối thoại với Ba Lan.

Pháp tiếp thị tàu ngầm AIP cho Ba Lan (ảnh nguồn báo “Nhân Dân” Trung Quốc)

Pháp tiếp thị tàu ngầm AIP mới cho Ba Lan

Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 7 tháng 9 đưa tin, từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 9, tại triển lãm công nghiệp quốc phòng tổ chức ở Ba Lan, Công ty DCNS Pháp đã tập trung trưng bày tàu ngầm lớp Scorpene mới ở triển lãm công nghiệp quốc phòng tổ chức ở Ba Lan.

Công ty DCNS cho biết, tàu ngầm chế tạo cho Ba Lan sẽ có 2 đặc trưng kỹ thuật quan trọng: Thứ nhất là lắp tên lửa hành trình để cung cấp năng lực răn đe. Thứ hai là có hệ thống động lực pin nhiên liệu AIP do Công ty DCNS thiết kế.

Biển Baltic do có đặc điểm đáy biển phức tạp, rất có lợi cho triển khai tàu ngầm, hơn nữa tàu ngầm AIP có khả năng chạy liên tục tương đối dài sẽ trở thành phương tiện hiệu quả nhất lắp tên lửa hành trình hiện đại.

Tàu ngầm lắp tên lửa hành trình do có hệ thống vũ khí tấn công hiệu suất cao và tính năng tàng hình tốt đẹp, có thể cung cấp khả năng răn đe nhất định cho Ba Lan.

Cuối năm 2016, Hải quân Ba Lan có kế hoạch cho nghỉ hưu 4 tàu ngầm Type 207; cuối năm 2022 sẽ cho nghỉ hưu 1 tàu ngầm lớp Kilo.

Để duy trì năng lực tác chiến dưới nước, Ba Lan đã khởi động chương trình mua sắm tàu ngầm Orka, trong tương lai, Ba Lan sẽ mua 3 tàu ngầm mới, 2 chiếc đầu có kế hoạch biên chế vào năm 2022, chiếc thứ ba có kế hoạch đi vào hoạt động năm 2030.

Năng lực tấn công các mục tiêu chiến lược và quân sự địch có khoảng cách xa và độ chính xác cao đã trở thành then chốt của tác chiến tương lai. Để đáp ứng nhu cầu bắn tên lửa hành trình từ tàu chiến mặt nước và tàu ngầm của Pháp, Công ty MBDA đang tích cực nghiên cứu phát triển tên lửa hành trình hải quân (NCM).

Tháng 12 năm 2006, Cơ quan vũ khí trang bị Pháp đã trao hợp đồng nghiên cứu chế tạo NCM cho Công ty MBDA, tháng 5 năm 2010 tiến hành bắn lần đầu tiên, năm 2015 bắt đầu sản xuất quy mô lớn.

Tên lửa hành trình hải quân NCM có thể bắn bằng hệ thống bắn thẳng đứng Sylver A70 hoặc thiết bị bắn ngư lôi 533 mm, tầm bắn tên lửa lớn hơn 1.000 km.

Căn cứ vào kế hoạch, năm 2015, NCM sẽ triển khai ở tàu hộ vệ FREMM và hình thành năng lực tác chiến ban đầu, sau năm 2018 triển khai ở tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Barracuda thế hệ mới.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia Hải quân Mỹ

Tàu ngầm Mỹ có thể do thám duyên hải Trung Quốc

Ngày 3 tháng 9 năm 2015, Bộ tư lệnh tàu ngầm Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ tổ chức lễ bàn giao giữa tư lệnh cũ và mới ở Trân Châu Cảng, Hawaii, chuẩn đô đốc Frederick Roegge thay thế chuẩn đô đốc Phillip Sawyer trở thành tân tư lệnh Bộ tư lệnh tàu ngầm.

Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương được quan chức cấp cao Hải quân Mỹ cho biết là một bộ phận thực hiện chính sách tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Chính phủ Mỹ, góp phần vào bảo đảm an ninh hàng hải khu vực.

Chuyên gia Mỹ cho rằng, lực lượng này có nhiệm vụ quan trọng nhất là thu thập tin tức tình báo, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi các hoạt động trên biển ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Lực lượng này có thể tiếp cận các đô thị lớn của Trung Quốc như thành phố Thượng Hải.

Đồng thời, lực lượng tàu ngầm Mỹ có thể ngăn chặn nguy cơ mất kiểm soát trong tranh chấp Biển Đông và biển Hoa Đông. Nó có khả năng che giấu tốt, tạo ra mối đe dọa cho đối phương.

Lực lượng tàu ngầm này sẽ hỗ trợ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ các khả năng như tác chiến săn ngầm, tác chiến chống tàu chiến mặt nước, tấn công mặt đất chính xác, thu thập tin tức tình báo, cảnh báo sớm, tác chiến đặc biệt và răn đe chiến lược.

Liên quan đến tàu ngầm Mỹ, theo trang mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc ngày 6 tháng 9, Công ty Huntingtoon Ingalls vừa tuyên bố tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Washington lớp Virginia hoàn thành khoang chịu áp, đánh dấu thân tàu ngầm đã được nối thành một khoang kín.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia Hải quân Mỹ

Tàu ngầm USS Washington là tàu ngầm lớp Virginia thứ 14 của Hải quân Mỹ, đồng thời là chiếc tàu ngầm thứ 7 mà nhà máy Newport News, Công ty Huntington Ingalls sắp bàn giao.

Nhà máy đóng tàu Newport News cho biết, hoàn thành chế tạo khoang chịu áp là một bước đi quan trọng trong quá trình chế tạo tàu ngầm, đánh dấu tàu ngầm cuối cùng thành hình, là cột mốc chế tạo cuối cùng trước khi hạ thủy, đặt tên và bàn giao vào năm 2016.

Tàu ngầm USS Washington là thành quả hợp tác giữa Công ty General Dynamics Electric Boat, nhà máy đóng tàu Newport News, Hải quân Mỹ, nhà cung ứng và đội ngũ thủy thủ tàu ngầm.

Tàu ngầm USS Washington khởi công chế tạo vào tháng 9 năm 2011, do 2 công ty gồm Newport News và General Dynamics Electric Boat hợp tác chế tạo, đánh dấu kế hoạch chế tạo mỗi năm 2 chiếc của tàu ngầm Virginia bắt đầu thực hiện. Hiện nay, tàu ngầm USS Washington đã hoàn thành 83%.  

Nhật mạnh về tàu ngầm là mối đe dọa chí tử đối với Trung Quốc

Ngày 31 tháng 8 năm 2015, đề nghị ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2016 do Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố tăng 2,2%, đạt 509.000 tỷ yên, lập kỷ lục mới. Những chương trình đầu tư chủ yếu phần lớn nhằm đối phó với Trung Quốc.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Trong đó có 2 chương trình tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với Trung Quốc: một là kế hoạch đổi mới phi đội với trọng điểm là mua sắm máy bay chiến đấu tàng hình F-35; hai là kế hoạch phát triển lực lượng trên biển, chủ yếu là tàu ngầm diesel-điện (lớp Soryu) và tàu khu trục Aegis tiên tiến.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, sự phát triển của lực lượng trên biển Nhật Bản nhất là lực lượng tàu ngầm đặc biệt đáng lo ngại, bởi vì, năng lực săn ngầm vẫn là điểm yếu lớn nhất của Hải quân Trung Quốc.

Nhật Bản thúc đẩy bán tàu ngầm ở Adelaide, Australia

Ngày 26 tháng 8, một đoàn đại biểu của Chính phủ Nhật Bản do cố vấn Bộ Quốc phòng Nhật Bản (cựu Tham mưu trưởng liên quân) Takashi Saito dẫn đầu đã đến thành phố Adelaide, miền nam Australia để giới thiệu về công nghiệp quốc phòng Nhật Bản, tập trung tiếp thị tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu cho Australia.

Đáng chú ý, gần đây, Nhật Bản đã đưa ra một cơ chế tiêu thụ tiện cho tiếp nhận đơn đặt hàng, đó là phương án “3 bao”: bao “cung cấp công nghệ”, bao “dịch vụ sau bán hàng”, bao “địa phương được lợi”. Nhật Bản hy vọng thông qua “dịch vụ kiểu Nhật” để giành chiến thắng trong đấu thầu.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Chính phủ Australia có kế hoạch chi 50 tỷ đô la Úc mua sắm hơn 10 tàu ngầm mới, đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay. Chính phủ Nhật Bản đã quyết tâm giành được đơn đặt hàng mua sắm quốc phòng có quy mô lớn nhất này trong lịch sử Australia.

Đài Loan đưa ra kế hoạch tự chế tàu ngầm

Theo các nguồn tin, Đài Loan sẽ cấp 3 tỷ Đài tệ (khoảng 92,55 triệu USD) cho kế hoạch tự chế tàu ngầm trong 4 năm tới, việc khởi động kế hoạch tự chế bắt đầu vào năm 2016, kế hoạch sẽ kéo dài đến năm 2019.

Theo báo Đức, hiện nay, Đài Loan có 4 tàu ngầm cũ, trong đó 2 chiếc là sản phẩm của thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong khi đó, hiện nay Trung Quốc có tới khoảng 70 tàu ngầm, vài chục tàu chiến mặt nước và 1 tàu sân bay cũ.

Việc Mỹ và phương Tây có chuyển nhượng công nghệ tàu ngầm cho Đài Loan hay không còn chờ quan sát. Nhưng việc chuyển nhượng công nghệ và bán vũ khí cho Đài Loan luôn bị Trung Quốc phản đối. 

Tàu ngầm hiện có của Hải quân Đài Loan

 

RELATED ARTICLES

Tin mới