Wednesday, April 24, 2024
Trang chủĐiểm tinTriều Tiên phóng vệ tinh: Răn đe hay kinh doanh tên lửa?

Triều Tiên phóng vệ tinh: Răn đe hay kinh doanh tên lửa?

Đài Sputnik cho rằng việc Triều Tiên phóng vệ tinh vừa nhằm mục đích răn đe vừa để kinh doanh công nghệ tên lửa, trong bối cảnh bị bao vây cấm vận.

 

Tên lửa Unha-3 đưa một vệ tinh lên quĩ đạo.

Chương trình tên lửa hạt nhân của CHDCND Triều Tiên một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý trên thế giới.

Hãng thông tấn KCNA cho biết tất cả các thiết bị của tổ hợp hạt nhân Yongbyon đã được “nâng cấp, hoàn thiện” và làm việc ở chế độ bình thường, nhờ đó “CHDCND Triều Tiên ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao và luôn sẵn sàng đáp lại các hành động của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân”.

Trước đó, giám đốc Ủy ban quốc gia phát triển nghiên cứu không gian CHDCND Triều Tiên đã thông báo về việc hoàn thành chế tạo vệ tinh chuyên quan sát bề mặt trái đất, dự kiến sẽ được phóng lên quĩ đạo “để phục vụ lợi ích phát triển kinh tế của đất nước”.
Phản ứng với tuyên bố này, một phát ngôn viên Bộ Thống nhất của Hàn Quốc nói tại cuộc họp báo ở Seoul rằng kế hoạch phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên là mối đe dọa lớn về an ninh và vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Vậy Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa hay ra mắt vệ tinh khoa học?
Chuyên gia Vasily Kashin của Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ (Nga) nói với phóng viên đài Sputnik:  “Không thể coi việc phóng một vật thể lên vũ trụ là một thử nghiệm tên lửa đạn đạo có giá trị. Đầu đạn là yếu tố quan trọng của tên lửa đạn đạo. Ở chặng cuối của quĩ đạo, đầu đạn quay trở lại tầng khí quyển dày nhưng không kích nổ mà tiếp tục đường bay. Nói cách khác, khi phóng một vật thể lên vũ trụ, Bắc Triều Tiên khẳng định rằng họ chế tạo được tên lửa vận tải tầm xa. Nhưng đến nay, Bình Nhưỡng chưa thực hiện thành công một thử nghiệm đầu đạn nào. Đây là vấn đề then chốt. Vì vậy, có thể nói Bắc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo nếu họ phóng vệ tinh lên quỹ đạo, nhưng cáo buộc này không hoàn toàn đúng”.
Trả lời câu hỏi việc phóng vệ tinh vào không gian đem lại cho Bắc Triều Tiên điều gì? Ông Kashin nói: “Đối với Bắc Triều Tiên, xuất khẩu công nghệ tên lửa là một trong số không nhiều nguồn thu ngoại tệ. Chương trình tên lửa Iran và cả một phần chương trình tên lửa Pakistan đều dựa trên công nghệ và thậm chí linh kiện từ Bắc Triều Tiên. Đối với Bình Nhưỡng, hoạt động xuất khẩu công nghệ cao đặc biệt có lợi nhuận, với chi phí vật liệu thấp và giá lao động chuyên gia rẻ so với trên thế giới”.
Về kế hoạch đưa người lên vũ trụ của Triều Tiên, chuyên gia Kashin nhận định: “Thực tế, người Bắc Triều Tiên còn rất xa mới vươn tới mục tiêu này. Hoạt động này không chỉ đòi hỏi những chi phí khổng lồ, mà cần nhớ rằng Bắc Triều Tiên có diện tích rất hạn chế, thiếu mặt bằng phóng, địa bàn hạ cánh. Trong khi đó, Iran thực hiện chương trình không gian với sự giúp đỡ của Bắc Triều Tiên và đã đưa được động vật lên vũ trụ, thậm chí sở hữu dự án tàu đổ bộ và dự định thử nghiệm cùng với động vật. Biết đâu, bằng cách nào đó Bắc Triều Tiên cũng được tham gia”.
“Trên thực tế, Bắc Triều Tiên không hoàn toàn bị cô lập. Bình Nhưỡng có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến tương quan lực lượng trên thế giới thông qua hoạt động phổ biến công nghệ tên lửa. Công nghệ của Bắc Triều Tiên ngày càng phức tạp và họ có thể tiếp tục bán lại cho Iran, Pakistan, thậm chí một số nước muốn bước theo dấu chân các cường quốc dù trình độ phạt triển tụt hậu khoảng ba mươi năm. Rất ít khả năng các cường quốc chịu chia sẻ công nghệ tên lửa và đó là thứ mà Bắc Triều Tiên có thể bán”.

Vì vậy, theo Sputnik, CHDCND Triều Tiên không thể đe dọa Hàn Quốc hay Mỹ bằng vụ phóng vệ tinh không gian sắp tới. Điều mà Bình Nhưỡng mong muốn là tăng cường uy tín công nghệ có khả năng đem lại lợi nhuận cho đất nước trong điều kiện bị phương Tây phong tỏa kinh tế.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới