Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngTQ phải cải tiến tàu ngầm để thoát "lưới trời lồng lộng"...

TQ phải cải tiến tàu ngầm để thoát “lưới trời lồng lộng” Mỹ-Nhật

Mỹ-Nhật xây hệ thống nghe lén chặt chẽ, có thể phân biệt quốc tịch, chủng loại, số hiệu tàu ngầm địch, sẵn sàng cho chiến tranh.

Tờ “Tin tức bình luận Trung Quốc” Hồng Kông ngày 17 tháng 9 dẫn báo chí Nhật Bản gần đây đưa tin, để ứng phó với Hải quân Trung Quốc ngày càng hung hăng hăm dọa trên biển, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Hải quân Mỹ lấy Okinawa làm cứ điểm

để triển khai hệ thống nghe lén sóng âm dưới nước mới nhất ở phía Thái Bình Dương ở các đảo tây nam, bao quát phạm vi lớn, nhằm đối phó với tàu ngầm Trung Quốc. Hệ thống này do Mỹ-Nhật cùng sử dụng.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Hiểu Quân cho rằng, Mỹ-Nhật triển khai “thiên la địa võng” (lưới trời lồng lộng) chặt chẽ như vậy sẽ thúc đẩy Trung Quốc tiến hành cải tiến mạnh mẽ đối với tàu ngầm.

Theo bài báo, hệ thống nghe lén sóng âm tàu ngầm dưới nước mới nhất ở Thái Bình Dương có cứ điểm là trạm quan trắc biển Okinawa của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản ở căn cứ White Beach của Quân đội Mỹ, thành phố Uruma, tỉnh Okinawa.

Hai dây cáp từ đây kéo dài vài trăm mét tới đáy biển, lần lượt mở rộng đến phía nam Kyushu và vùng biển Đài Loan. Cứ vài chục km bố trí một máy nghe lén dưới nước.

Theo bài viết, hệ thống này có thể dò tìm được tàu ngầm Trung Quốc từ biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải đi ra Thái Bình Dương.

Mặc dù trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản và Mỹ đều đã triển khai hệ thống nghe lén sóng âm tàu ngầm dưới nước kiểu cũ ở Tsugaru, eo biển Tsushima, nhưng đây là lần đầu tiên có hệ thống nghe lén mới nhằm vào Trung Quốc.

Tàu ngầm thông thường Type 039B, Hải quân Trung Quốc

Mỹ-Nhật muốn xây dựng kho dữ liệu tàu ngầm

Nói đến lý do Mỹ-Nhật triển khai hệ thống nghe lén tàu ngầm này, theo chuyên gia quân sự Đài Loan Kỳ Lạc Nghĩa, Mỹ-Nhật cho rằng, Hải quân Trung Quốc đã gây sức ép, thậm chí tạo ra mối đe dọa đối với họ.

Hơn 10 năm trước, tàu ngầm Hải quân Trung Quốc rất ít vượt qua chuỗi đảo, nhưng từ sau năm 2010, huấn luyện biển ra bắt đầu trở nên thường xuyên, biên đội trên biển nhiều lần chạy xuyên qua các eo biển quan trọng như eo biển Miyako.

Mỹ-Nhật cho rằng, số lần tàu ngầm Trung Quốc chạy ra Thái Bình Dương ngày càng thường xuyên, hơn nữa không dễ dò tìm được, vì vậy Mỹ-Nhật kéo 2 dây cáp dài trăm mét ở bắc và nam của Okinawa để tiến hành nghe lén, hệ thống nghe lén này rất nhạy cảm đối với các mục tiêu dưới nước, cũng có thể tiến hành dò tìm đối với các mục tiêu sóng âm thấp.

Nói tới ảnh hưởng của hệ thống nghe lén Mỹ-Nhật đối với Hải quân Trung Quốc, chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình cho rằng, điều này sẽ tạo ra mối đe dọa rất lớn đối với tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc.

Tàu ngầm thông thường Type 636M lớp Kilo, Hải quân Trung Quốc

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hệ thống nghe lén dưới nước của vùng này nhằm vào tàu ngầm của Liên Xô cũ, bởi vì khi đó cuộc chiến giấu mặt giữa tàu ngầm Mỹ và Liên Xô rất thường xuyên, Mỹ đã triển khai rất nhiều dây cáp ở khu vực Hokkaido, eo biển Tsushima và eo biển Tsugaru, hình thành trận địa nghe lén, theo dõi dưới nước.

Hiện nay, Mỹ và Nhật Bản tiến hành mở rộng hệ thống nghe lén ra hướng nam và bắc.

Sau Chiến tranh Lạnh, để ứng phó khả năng chạy êm và bí mật của tàu ngầm Trung Quốc, Mỹ-Nhật bắt đầu nâng cấp hệ thống nghe lén này: Một mặt tăng cường năng lực dò tìm tiếng ồn, tìm cách thu được tin tức tàu ngầm chạy êm.

Mặt khác, bổ sung hệ thống dò tìm từ tính lạ vào toàn bộ hệ thống để tăng cường năng lực dò tìm đối với mục tiêu tàu ngầm, bởi vì tất cả tàu ngầm đều được làm bằng thép đặc chủng, đã là kết cấu kim loại thì sẽ gây ảnh hưởng nhất định đối với từ trường khi chạy,

nếu đã lắp hệ thống dò tìm thiết bị định vị thủy âm, lại có hệ thống dò tìm từ tính lạ, năng lực dò tìm đối với tàu ngầm sẽ mạnh hơn, Nhật Bản hiện nay đang làm công việc này.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093, Hải quân Trung Quốc

Tống Trung Bình cho rằng, Nhật Bản muốn xây dựng kho dữ liệu tàu ngầm khổng lồ, có thể nói là kho dữ liệu về mục tiêu dưới nước, không chỉ có thể phân biệt được tàu ngầm của nước nào và chủng loại gì, thậm chí còn có thể phân biệt được số hiệu của tàu ngầm, thông qua cách làm này để xác định địch hay ta.

Thông qua không ngừng theo dõi, giám sát tàu ngầm nước khác trong thời đại hòa bình để làm tốt chuẩn bị cho các cuộc tấn công trong thời chiến.

Tàu ngầm Trung Quốc phát triển bùng nổ

Nói đến đặc điểm của tàu ngầm Trung Quốc và tàu ngầm Mỹ-Nhật, Kỳ Lạc Nghĩa cho rằng, gần 20 năm qua, tàu ngầm Trung Quốc phát triển rất nhanh, hầu như là phát triển kiểu bùng nổ.

So với Mỹ và Nhật Bản, đặc điểm lớn nhất của tàu ngầm Trung Quốc là có cả hạt nhân và thông thường, tức là có cả tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094, Hải quân Trung Quốc (ảnh nguồn Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc)

Trong khi đó, tất cả tàu ngầm của Hải quân Mỹ đều là tàu ngầm hạt nhân, bao gồm tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tàu ngầm hạt nhân tấn công, không có tàu ngầm thông thường.

Điều này có nghĩa là, những tàu ngầm này của Mỹ không thể tiến vào vùng nước nông, chẳng hạn một phần vùng biển ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Còn tàu ngầm Nhật Bản mặc dù cũng rất mạnh, nhưng lại là tàu ngầm thông thường, không có năng lực thực hiện nhiệm vụ tấn công mang tính chiến lược.

Tuy nhiên, có lẽ Kỳ Lạc Nghĩa quên rằng, Mỹ-Nhật là đồng minh có hiệp ước an ninh bảo vệ lẫn nhau, Nhật Bản cũng đang thúc đẩy thực hiện quyền tự vệ tập thể, sẵn sàng phối hợp với Mỹ nếu có chiến tranh xảy ra. Vì vậy tàu ngầm hạt nhân của Mỹ có thể phối hợp với tàu ngầm thông thường Nhật Bản trong chiến tranh tương lai – PV.

Kỳ Lạc Nghĩa cho rằng, sự phát triển của tàu ngầm Trung Quốc cũng có nghĩa là hệ thống công nghiệp quân sự chế tạo tàu ngầm của Trung Quốc không ngừng hoàn thiện, hơn nữa tiềm năng đầy đủ, trong tương lai nếu có nhu cầu về chiến lược thì có thể phát triển tàu ngầm mới.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia Hải quân Mỹ

Hơn nữa, tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc có tính bí mật “cao”, có cơ hội đột phá thâm nhập phía sau lưng địch, loại tiềm năng tấn công mang tính bất ngờ này cũng là kẻ thù khiến cho Mỹ và Nhật Bản lo sợ.

Trung Quốc có “động lực” cải tiến tàu ngầm

Bài viết đặt câu hỏi: Trung Quốc nên ứng phó thế nào với hệ thống nghe lén dưới nước của Mỹ-Nhật? Chuyên gia Tống Trung Bình cho rằng, Mỹ và Nhật Bản triển khai mạng lưới nghe lén kiểu “lưới trời lồng lộng” chặt chẽ như vậy sẽ thách thức tàu ngầm Trung Quốc.

Điều này sẽ thúc đẩy Trung Quốc tiến hành cải tiến to lớn đối với tàu ngầm. Hiện nay, rất nhiều quốc gia đưa ra tàu ngầm mới, bao gồm tàu ngầm thay đổi từ tính siêu dẫn, loại tàu ngầm này có tốc độ rất nhanh, tiếng ồn rất thấp.

Còn có tàu ngầm phỏng sinh học, bên ngoài rất giống cá voi, không cần vật liệu kim loại, nó sử dụng công nghệ và vật liệu tổng hợp, bao gồm những vật liệu không có khả năng phản xạ như sợi các bon.

Tống Trung Bình cho rằng, Trung Quốc có thể sử dụng các loại thủ đoạn để chống lại hệ thống nghe lén dưới nước của Mỹ-Nhật, tăng cường khả năng sử dụng tàu ngầm về chiến thuật hoặc công nghệ. 

Chuyên gia cho rằng, Nhật Bản có thể điều tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu đến Biển Đông tuần tra

 

RELATED ARTICLES

Tin mới