Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự thật về mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc (Kỳ...

Sự thật về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc (Kỳ 1)

Những hành động thù địch công khai của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam, mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh xâm lược của họ ngày 17 tháng 2 năm 1979, đã làm cho dư luận thế giới ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột về chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Đặng Tiểu Bình – nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979

Lời tựa: Đất nước không chọn được vị trí, càng không chọn được hàng xóm và hàng xóm “bất di bất dịch” của nước Việt Nam ta là Trung Quốc – cường quốc mang trong mình “căn bệnh thâm căn cố đế” bá quyền, bành trướng nước lớn, đã ăn sâu, bén rễ từ thời phong kiến. Trải qua hàng nghìn năm qua, mối quan hệ Việt – Trung đã trải qua rất nhiều thăng trầm, đã từng có những lúc “môi hở răng lạnh”, nhưng cũng có những lúc “động binh, động đao”. Nhưng ngay cả khi “kề vai sát cánh” cùng Việt Nam, Bắc Kinh vẫn luôn che giấu những toan tính, vụ lợi riêng, thậm chí sẵn sàng phản bội.

Những sự thật được tiết lộ trong cuốn sách “Sự thật về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua”, do Nhà xuất bản Sự Thật phát hành tháng 10 năm 1979 sẽ giúp chúng ta thấu hiểu được phần nào bộ mặt thật, cũng như mưu đồ của chính quyền Bắc Kinh đối với nước ta trong suốt một thời gian dài, từ trước khi Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra năm 1979.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuốn sách này. Tiêu đề của mỗi phần do tòa soạn đặt lại.

Sự trở mặt mang tính “lô-gích” của Trung Quốc

Sự thay đổi đó không phải là điều bất ngờ, mà là sự phát triển lô-gích của chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của những người lãnh đạo Trung Quốc trong 30 năm qua.

Trên thế giới chưa có những người lãnh đạo một nước nào về mặt chiến lược đã lật ngược chính sách liên minh, đổi bạn thành thù, đổi thù thành bạn nhanh chóng và toàn diện như những người lãnh đạo Trung Quốc.

Từ chỗ coi Liên Xô là đồng minh lớn nhất, họ đi đến chỗ coi Liên Xô là kẻ thù nguy hiểm nhất.

Từ chỗ coi đế quốc Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất mà bản chất không bao giờ thay đổi, họ đi đến chỗ coi đế quốc Mỹ là đồng minh tin cậy, câu kết với đế quốc Mỹ và trắng trợn tuyên bố Trung Quốc là NATO ở phương đông.

“Rồng” Trung Quốc và mục tiêu chinh phục Trái đất

Từ chỗ coi phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ la tinh là “bão táp cách mạng” trực tiếp đánh vào chủ nghĩa đế quốc và cho rằng rốt cuộc sự nghiệp cách mạng của toàn bộ giai cấp vô sản quốc tế sẽ tuỳ thuộc vào cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ở khu vực này, họ đi đến chỗ cùng với đế quốc chống lại và phá hoại phong trào giải phóng dân tộc, ủng hộ những lực lượng phản động, như tên độc tài Pinôchê ở Chilê, các tổ chức FNLA và UNITA do Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) giật dây ở Angôla, vua Palêvi ở Iran, nuôi dưỡng bè lũ diệt chủng PônPốt-Iêngxary v..v…Họ ngang nhiên xuyên tạc nguyên nhân và tính chất của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới hiện nay, coi các cuộc đấu tranh này là sản phẩm của sự tranh giành bá quyền giữa các nước lớn, chứ không phải là sự nghiệp cách mạng của nhân dân các nước.

Cùng với sự lật ngược chính sách liên minh của họ trên thế giới là những cuộc thanh trừng tàn bạo và đẫm máu ở trong nước, đàn áp những người chống đối, làm đảo lộn nhiều lần vai trò của những người trong giới cầm quyền. Có người hôm nay được coi là nhà lãnh đạo cách mạng chân chính, ngày mai trở thành kẻ thù, kẻ phản bội của cách mạng Trung Quốc; có người trong vòng mấy năm lần lượt bị đổ và được phục hồi đến hai ba lần.

Chiến lược của những người lãnh đạo Trung Quốc có những thay đổi rất lớn. Nhưng có một điều không thay đổi: đó là mục tiêu chiến lược muốn nhanh chóng đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc bậc nhất thế giới và thực hiện mưu đồ bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của họ đối với các nước khác.

Tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1956, Chủ tich Mao Trạch Đông đã nói:

“Chúng ta phải trở thành quốc gia hàng đầu về phát triển văn hoá, khoa học kỹ thuật và công nghiệp…Không thể chấp nhận rằng sau một vài chục năm, chúng ta vẫn chưa trở thành cường quốc số một trên thế giới”

Sau đó, tháng 9  năm 1959, tại Hội nghị của Quân uỷ trung ương, chủ tịch Mao Trạch Đông lại nói:

“Chúng ta phải chinh phục trái đất. Đó là mục tiêu của chúng ta”

Ngay từ khi thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tháng 10 năm 1949, những người cầm quyền ở Bắc Kinh đã bắt tay đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu chiến lược của họ. Mặc dầu nền kinh tế của Trung Quốc còn lạc hậu, từ cuối những năm 1950 họ đã ra sức xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược và hiện nay đang đẩy mạnh việc thực hiện “hiện đại hoá” về quân sự, về sản xuất và tích trữ vũ khí hạt nhân. Trong lĩnh vực kinh tế, điều giống nhau giữa “đại nhảy vọt” năm 1958 và “bốn hiện đại hoá” mới nêu ra vài ba năm nay là cả hai kế hoạch đó đều nhằm mục tiêu chiến lược bành trướng và bá quyền của những người lãnh đạo Trung Quốc.

(còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới