Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngTrung Quốc có thật tâm muốn chấm dứt hoạt động cải tạo...

Trung Quốc có thật tâm muốn chấm dứt hoạt động cải tạo đảo tại Biển Đông?

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 48 (AMM48) ngày 5/8/2015 tại Malaysia, dưới áp lực và sự chỉ trích của Mỹ, ASEAN và cộng đồng quốc tế, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, bên lề cuộc họp đã trả lời với báo chí rằng Trung Quốc đã dừng các hoạt động cải tạo đảo tại Biển Đông, không tin các quốc gia có thể bay tàu bay qua các đảo để kiểm tra, và hãy xem không phải là Trung Quốc đang cải tạo đảo mà các nước khác cũng đang làm như vậy[1].

Trước đó, vào tháng 6/2015, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã từng tuyên bố là hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc đối với một số đảo và đá ở Trường Sa sẽ được hoàn tất trong một vài ngày tới[2]. Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc có thực tâm chấm dứt các hoạt động cải tạo đảo như tuyên bố hay đây chỉ là cách nói chơi chữ đánh lừa dư luận cần phải được xem xét kỹ quá trình diễn ra sau đó đối với các đảo nhân tạo này.

Trong tuyên bố tháng 6 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nếu để ý kỹ câu chữ thì Trung Quốc nói rằng nước này sẽ sớm hoàn thành cải tạo đảo đối với một số đảo trong vài ngày tới chứ không phải toàn bộ các đảo ở Biển Đông và do đó nước này vẫn tiếp tục các hoạt động cải tạo đảo, nạo vét xây dựng ở các thực thể khác còn lại khác. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng không nêu rõ các đảo nào sẽ được hoàn thiện, không cải tạo bồi đắp nữa và các đảo nào chưa được hoàn thiện và sẽ còn tiếp tục được bồi đắp. Cách nói này chỉ để làm xoa dịu tâm lý và sự chỉ trích của dư luận, và thêm vào đó cũng gây ra sự mập mờ về thông tin khiến cho các độc giả từ các nước quan tâm đến tình hình hình ở Biển Đông sẽ không hiểu được các đảo nào đã dừng cải tạo và các đảo nào chưa dừng cải tạo. Người đọc sẽ nghĩ rằng Trung Quốc sẽ dừng cải tạo đảo, tuy nhiên trên thực tế nước này vẫn cải tạo và các đảo này và nó sẽ luôn thuộc vào nhóm các đảo chưa hoàn thiện.

Tuyên bố lần thứ hai của Ngoại trưởng Vương Nghị rằng Trung Quốc đã dừng các hoạt động cải tạo đảo ở Biển Đông tại AMM 48. Đây cũng lại là cách Trung Quốc tiếp tục nói để xoa dịu và đánh lừa dư luận thế giới về các hành động của mình trên Biển Đông. Theo cách nói này, nếu như bị các nước chất vấn về các hoạt động đang diễn ra trên Biển Đông, Trung Quốc cũng có thể tìm cách diễn dịch xuyên tạc ra rằng Trung Quốc chỉ dừng các hoạt động lớn như nạo vét, bồi đắp, xây dựng phần khung xương của các đảo còn nước này vẫn tiếp tục các hoạt động củng cố cơ sở hạ tầng khác ở trên đảo. Đây cũng là cách nói mập mờ về thông tin đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Cách nói này làm nhiều nước nghi ngờ về lời nói và hoạt động thật sự của Trung Quốc, ngay cả bản thân của trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear cũng nói rằng Mỹ cũng không rõ Trung Quốc nói đã ngừng công việc cải tạo đảo lại hay là nước này đang hoàn thành công việc cải tạo đảo[3]. Ông Shear còn nói rằng Mỹ sẽ triển khai tàu hải quân để thăm dò, giám sát các hoạt động Trung Quốc làm trên biển. Trên thực tế, kể từ khi Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố đã ngừng công việc cải tạo đảo tại AMM 48 đến nay, nước này vẫn tiến hành các hoạt động xây dựng lắp đặt trang thiết bị bên trong đảo. Theo hình ảnh vệ tinh mới gần đây nhất đăng trên website của báo Washington Post trích lấy lại hình ảnh từ website amti.csis.org, các đảo đá vẫn đang được tiến hành cải tạo với quy mô lớn như đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Subi. Trên các đảo nhân tạo này các hoạt động xây dựng đường băng, chỗ đỗ cho trực thăng, hệ thống radar và thông tin liên lạc đang được triển khai[4]. Nhìn từ hình ảnh chụp vệ tinh trên website thì đều thấy rõ sự biến đổi của các đảo theo thời gian trước đó. Hình ảnh tháng 9 của đảo Vành Khăn, Chữ Thập, Subi đều cho thấy sự biến đổi rõ rệt về các công trình xây dựng tại các đảo này[5].

Như vậy, có thể thấy rằng cách nói và làm của Trung Quốc luôn luôn khác nhau, nói một đằng làm một nẻo. Trung Quốc có chiến thuật chiến tranh thông tin và chiến tranh tâm lý (trong ‘3 cuộc chiến’ (3 warfares)) để đánh vào tâm lý người đọc từ các nước. Trung Quốc luôn tìm cách sử dụng các kênh thông tin khác nhau từ chính thức đến không chính thức để làm cho những người quan tâm đến tình hình Biển Đông bị hiểu sai lệch về vấn đề. Trước đó, Trung Quốc đã từng tìm cách đổ tội cho các nước khác cũng đã thực hiện hoạt động cải tạo đảo còn nhiều hơn cả Trung Quốc đang làm. Tuy nhiên trên thực tế, các hoạt động cải tạo đảo của các nước chỉ nhằm mục đích đảm bảo điều kiện sinh sống và hoạt động cải tạo của các nước này trong mấy chục năm qua chỉ bằng mấy phần trăm hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc trong hơn 1 năm lại đây. Hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc làm thay đổi hoàn toàn nguyên trạng địa lý của các thực thể tại Biển Đông. Là một nước lớn, cách hành xử như vậy của Trung Quốc luôn không đàng hoàng khi nói một đằng làm một nẻo và cung cấp thông tin sai lệch để đánh lừa dư luận. Hơn thế nữa việc mình làm sai và còn tìm cách đổ lỗi giống như vậy cho các nước khác làm cho hình ảnh của Trung Quốc bị hạ thấp. Là một bên chính trong tranh chấp và một nước lớn, lẽ ra Trung Quốc nên tuân theo luật pháp quốc tế, tôn trọng ý kiến kêu gọi của cộng đồng quốc tế về các hoạt động trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế chứ không phải đi tìm cách bóp méo thông tin để tiếp tục các hoạt động sai trái của mình.

BDN

 


[1] Xem thêm tại http://globalnation.inquirer.net/127019/china-says-it-has-stopped-reclamation-work-in-south-china-sea

[2] Như trên, trích từ website Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

[3] Xem thêm tại http://www.executivegov.com/2015/08/david-shear-navy-to-rotate-lcs-through-singapore-to-patrol-south-china-sea/

[4] https://www.washingtonpost.com/graphics/world/south-china-sea/

[5] Xem kỹ hình ảnh theo trích dẫn số 4.

RELATED ARTICLES

Tin mới