Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKinh tế thế giới trước những nguy cơ bất ổn

Kinh tế thế giới trước những nguy cơ bất ổn

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm trong dài hạn.

 
Phát biểu trên kênh truyền hình CNBC (Mỹ) ngày 30/9, bà Lagarde nhận định kinh tế thế giới đang ở ngã rẽ khó khăn và phức tạp. Tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015 được dự báo sẽ thấp hơn năm ngoái. Các nền kinh tế phát triển chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn, còn các nền kinh tế nới nổi có thể sẽ suy giảm năm thứ 5 liên tiếp. Triển vọng trong trung hạn là không mấy tích cực và kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ tăng trưởng chậm trong dài hạn. Giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng trưởng toàn cầu trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” dự kiến được công bố tại phiên họp thường niên tại Peru trong tuần tới.
Cùng ngày, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu chỉ đạt mức 2,8% trong năm nay và 3,9% trong năm 2016, giảm lần lượt so với mức 3,3% và 4% mà tổ chức này công bố hồi tháng 4 vừa qua. Số liệu cập nhật được đưa ra sau khi khi trao đổi thương mại toàn cầu giảm 0,7% trong hai quý đầu năm nay. Điều này có nghĩa là năm 2015 có thể là năm thứ tư liên tiếp tăng trưởng thương mại thế giới thấp hơn 3%, chỉ bằng một nửa mức trung bình trong giai đoạn 1990-2008.
 
Người đứng đầu IMF cho rằng đà suy giảm kinh tế Trung Quốc và khả năng tăng lãi suất của Mỹ là những nguyên nhân chính làm gia tăng tính bất ổn và biến động trên các thị trường toàn cầu. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ở quá trình chuyển đổi mang tính bước ngoặt, từ mô hình dựa vào xuất khẩu là chính sang tăng tiêu dùng nội địa. Quá trình này sẽ tạo ra “hiệu ứng tràn” về thương mại, tỉ giá, thị trường hàng hóa và sự dịch chuyển của dòng vốn quốc tế. Quyết định của Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) về tăng lãi suất cùng với việc đồng USD mạnh lên sẽ làm gia tăng rủi ro hối đoái, gắn với đó là những mối nguy về bất ổn tài chính, nhất là liên quan đến các khoản nợ nước ngoài.
 
Thách thức đối với các nền kinh tế mới nổi
 
Kinh tế thế giới suy giảm, nhưng ở mức độ không đồng đều – bà Lagarde lưu ý. Theo đó, các dấu hiệu tích cực đã xuất hiện tại các nền kinh tế phát triển. Mỹ và Anh vẫn duy trì được đà tăng trưởng vững chắc. Đà phục hồi kinh tế cũng được ghi nhận tại Nhật Bản và khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Trong khi đó, triển vọng tại các nền kinh tế mới nổi lại khá u ám, ngoại trừ điểm sáng hiếm hoi là Ấn Độ. Tăng trưởng tại Trung Quốc suy giảm; Nga và Brazil hiện phải đối mặt với những khó khăn kinh tế trầm trọng, còn các nước Mỹ Latinh thì suy giảm mạnh. “Chúng tôi nhận thấy hoạt động kinh tế yếu đi tại các nền kinh tế có thu nhập thấp – những nước luôn phải chịu tác động tiêu cực lớn hơn khi môi trường bên ngoài xấu đi”, Tổng Giám đốc IMF bày tỏ.
 
Theo WTO, nếu trước đây trồi sụt kinh tế tại Mỹ và châu Âu là trở ngại chính cho tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu thì nay nhân tố Trung Quốc nổi rõ hơn. Suy giảm tăng trưởng buộc Trung Quốc giảm nhu cầu về tiêu thụ hàng hóa đầu vào sẽ gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên, nhiên liệu thô.
 
Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như hai thập kỉ gần đây hầu như không còn, các nước đang phát triển cần đa dạng hóa nền kinh tế, tăng cường khả năng chịu đựng trước các cú sốc trên thị trường toàn cầu, nhất là “cơn bão tài chính” có thể xuất hiện từ việc Fed tăng lãi suất- bà Lagarde khuyến cáo. Quan trọng nhất là theo dõi chặt chẽ các khoản nợ bằng đồng USD của các doanh nghiệp, cùng với đó là hoạt động của các ngân hàng.
RELATED ARTICLES

Tin mới