Thursday, March 28, 2024
Trang chủĐiểm tinCựu lãnh đạo TQ muốn "xuất đầu lộ diện" phải xin ai?

Cựu lãnh đạo TQ muốn “xuất đầu lộ diện” phải xin ai?

Tờ Tân Kinh (Trung Quốc) mới đây đã tiết lộ quy trình cũng như cơ quan mà các cựu thành viên Bộ chính trị Trung Quốc phải báo cáo nếu muốn “xuất đầu lộ diện” công khai.

Các cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân (trái) và Hồ Cẩm Đào tại lễ duyệt binh 3/9. Ảnh: Xinhua

Truyền thông Trung Quốc hôm 29/9 đưa tin, cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo mới đây đã tới thăm và phát biểu tại 3 trường trung học ở tỉnh Hà Bắc.

Tân Kinh cho hay, đây không phải là lần đầu trong tháng 9 báo chí Trung Quốc đăng tải thông tin về hoạt động của các cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị đã về hưu của nước này.

Kể từ đầu tháng 9, nhiều cựu lãnh đạo Trung Quốc đã “lộ diện” công khai trên các phương tiện truyền thông, một điều không thường diễn ra trong thời gian trước đó.

Các cựu Thường ủy Bộ chính trị Trung Quốc “lộ diện” nhiều hơn

Theo Tân Kinh, hoạt động của các cựu Thường ủy Bộ chính trị Trung Quốc trong thời gian gần đây được truyền thông đăng tải dày đặc hơn.

Trong đó, đáng chú ý nhất là tại lễ duyệt binh hôm 3/9 vừa qua, nhiều cựu lãnh đạo nước này đã xuất hiện tại quảng trường Thiên An Môn.

Ngoài 2 cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, các cựu lãnh đạo khác như Lý Bằng, Chu Dung Cơ, Ngô Bang Quốc, Ôn Gia Bảo, Giả Khánh Lâm, Tăng Khánh Hồng,… cũng tham gia sự kiện trên.

Bên cạnh các hoạt động lớn, các lãnh đạo về hưu cũng thường xuất hiện đơn lẻ.

Hồi đầu tháng 9, các cựu Thường ủy Bộ chính trị Trung Quốc Ngô Bang Quốc, Giả Khánh Lâm, Lý Trường Xuân và Lý Cảng Thanh cũng lần lượt tham dự triển lãm hội họa của cha con nghệ sĩ Triệu Đan-Triệu Thanh tại Viện bảo tàng quốc gia.


Văn phòng Trung ương Trung Quốc bên trong Trung Nam Hải là cơ quan quản lý hoạt động của các lãnh đạo về hưu của nước này.

Văn phòng Trung ương Trung Quốc bên trong Trung Nam Hải là cơ quan quản lý hoạt động của các lãnh đạo về hưu của nước này.

Ai phê chuẩn hoạt động của lãnh đạo về hưu?

Một quan chức công tại tại Văn phòng Trung ương Trung Quốc nói với Tân Kinh, hoạt động của các Thường ủy Bộ chính trị về hưu của nước này được chia làm 2 loại.

Thứ nhất là hoạt động theo quy định, ví dụ như lễ duyệt binh vừa qua của Bắc Kinh; thứ hai là hoạt động tự chọn như đi khảo sát, du lịch, nghỉ mát… dưới danh nghĩa cá nhân.

“[Hoạt động của lãnh đạo về hưu] chắc chắn phải làm theo trình tự”- quan chức này nói. Theo ông, các cựu lãnh đạo nước này phải thông báo trước cho Văn phòng Trung ương về lịch trình hoạt động của mình.

Giáo sư Học viện hành chính quốc gia Trung Quốc Uông Ngọc Khải cho biết, Văn phòng Trung ương có những quy định cụ thể đối với hoạt động của lãnh đạo về hưu, như cảnh vệ, giao thông, tiếp đón…

Tân Kinh cho hay, Văn phòng Trung ương Trung Quốc có một đơn vị trực thuộc là Cục cựu cán bộ được truyền thông “đoán” là cơ quan quản lý hoạt động của các cựu thành viên Bộ chính trị.

Tuy nhiên, quan chức Văn phòng Trung ương nói trên giải thích, phạm vi nghiệp vụ của Cục nay chỉ là phục vụ các vấn đề sinh hoạt của lãnh đạo về hưu, không tham gia quản lý hoạt động bên ngoài của họ.

Trang Đa Chiều (Mỹ) bình luận, Văn phòng Trung ương Trung Quốc quản lý hoạt động của cựu lãnh đạo nước này đồng nghĩa với “nhất cử nhất động” của họ đều nằm trong tầm kiểm soát của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Cơ quan này hiện nằm dưới sự lãnh đạo của Chánh văn phòng Lật Chiến Thư, nhân vật được đánh giá là thân cận với ông Tập và được ông tin cậy.

Tuy vậy, theo Đa Chiều, dù báo chí không thường xuyên đăng tải thông tin nhưng Bắc Kinh cũng không hạn chế hoạt động bên ngoài của lãnh đạo về hưu.

Hồi tháng 8, Trung Nam Hải từng thông qua báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo để “cảnh tỉnh” các cựu lãnh đạo và quan chức nước này biết “yên phận” khi đã rời khỏi chính trường.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới