Friday, March 29, 2024
Trang chủQuân sựCuộc chiến tranh "ủy nhiệm" Nga -Mỹ

Cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” Nga -Mỹ

Tên lửa TOW do Mỹ sản xuất giúp phe nổi dậy Syria phá hủy nhiều xe bọc thép của quân chính phủ, nguy cơ đẩy Washington – Moscow vào cuộc chiến ủy nhiệm.

Phe nổi dậy Syria sử dụng tên lửa chống tăng TOW trên chiến trường. Ảnh:Longwarjournal

Một loại tên lửa chống tăng hiện đại mà Mỹ đang cung cấp cho lực lượng nổi dậy ở Syria đang trở thành một nhân tố bất ngờ làm thay đổi cục diện chiến trường Syria, khiến cuộc xung đột này ngày càng giống một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” giữa Nga và Mỹ, Washington Post ngày 11/10 đưa tin.

Mỹ và các nước đồng minh đã cung cấp các hệ thống tên lửa chống tăng BGM-71 TOW theo một chương trình viện trợ vũ khí ngầm cho lực lượng nổi dậy thuộc Quân đội Syria Tự do (FSA) chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Với việc Nga đang tăng cường chiến dịch không kích và yểm trợ hỏa lực trên không để quân đội Syria mở các chiến dịch tấn công, loại vũ khí này đang ngày càng thể hiện vai trò lớn hơn trên chiến trường.

Tên lửa làm thay đổi chiến trường

BGM-71 TOW là một trong những loại vũ khí chống tăng dẫn đường được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Tên lửa TOW có tầm bắn tối đa khoảng 3.700 mét, và phiên bản cải tiến được trang bị đầu đạn nặng 6,2 kg, đủ sức xuyên thủng lớp giáp dày hoặc các lớp giáp phản ứng nổ của xe tăng.

Thời gian bay của tên lửa từ lúc phóng đến lúc chạm mục tiêu ở khoảng cách tối đa là 20 giây, với vận tốc bay khoảng 187 m/s. Trong thời gian này, xạ thủ dùng kính ngắm quang học để chỉ thị mục tiêu và điều khiển tên lửa bắn trúng vào xe tăng, xe bọc thép đối phương.

Tên lửa chống tăng này đã được sử dụng thành công trong các trận giao tranh ở miền bắc Syria đến mức quân nổi dậy đã gọi nó là “Assad Tamer” – Kẻ thuần Sư tử – một cách chơi chữ với ông Assad, vì tên ông có nghĩa là “sư tử”. Trong những ngày gần đây, tên lửa BGM-71 TOW đã được phe nổi dậy sử dụng rất hiệu quả để ngăn chặn những cuộc phản công của quân đội chính phủ.

Từ hôm thứ tư, khi quân đội chính phủ Syria mở chiến dịch tấn công đầu tiên dưới sự yểm trợ hỏa lực của không quân Nga, quân nổi dậy đã tung lên mạng hàng chục đoạn video quay cảnh tên lửa TOW bắn về phía xe tăng và xe bọc thép của quân chính phủ. Những quả tên lửa bay theo hình dích dắc này phóng nhanh về phía mục tiêu, biến chúng thành những quả cầu lửa khổng lồ.

Video quân nổi dậy Syria phóng tên lửa TOW diệt xe tăng quân chính phủ

Quân nổi dậy Syria tuyên bố đã bắn hạ 24 xe tăng và xe bọc thép của quân đội Syria trong ngày đầu tiên, và con số này tiếp tục tăng lên trong những ngày sau đó. “Đó là loại vũ khí hủy diệt xe tăng”, đại úy Mustafa Moarati thuộc lữ đoàn Tajamu al-Izza tuyên bố. Đơn vị của ông này khẳng định họ đã bắn cháy 7 xe tăng, xe bọc thép của quân đội chính phủ Syria trong hôm thứ tư.

Moarati cho biết đơn vị của ông bắt đầu được nhận các lô tên lửa TOW mới sau khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria, và các đồng minh của phe nổi dậy hứa hẹn sẽ tiếp tục chuyển giao lô hàng tiếp theo trong thời gian sớm nhất. Động thái này khiến người ta liên tưởng đến vai trò của những quả tên lửa phòng không Stinger mà Mỹ đưa vào chiến trường Afghanistan để buộc Hồng quân Liên Xô phải rút về nước vào thập niên 1980.

Chương trình viện trợ tên lửa TOW là một kế hoạch ngầm do CIA thực hiện, khác biệt với chương trình huấn luyện binh sĩ nổi dậy của Lầu Năm Góc. Chương trình của CIA được khởi động sớm hơn, từ đầu năm 2014, với mục đích tăng cường sức mạnh cho quân nổi dậy chống chính phủ bằng cách huấn luyện, trang bị các vũ khí nhỏ, đạn dược cùng các loại tên lửa chống tăng cho họ.

loai-ten-lua-tiem-n-nguy-co-chien-tranh-giau-mat-nga-my-1

Xe tăng của quân đội chính phủ Syria. Ảnh: Military

Theo chuyên gia Jeff White tại Viện Chính sách Cận Đông của Mỹ, điều mà tên lửa TOW làm được là xóa bỏ lợi thế về thiết giáp của quân đội chính phủ, lực lượng sở hữu các loại xe tăng và xe bọc thép hạng nặng, trước lực lượng nổi dậy không có các loại vũ khí lớn. “TOW đã san bằng cách biệt, giống như những gì tên lửa Stinger đã làm ở Afghanistan”, ông nói.

Số tên lửa TOW do Mỹ sản xuất này chủ yếu được lấy từ kho của Arab Saudi, chuyển qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và được CIA tiếp nhận, phê duyệt. Báo cáo Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết vào năm 2013, Mỹ đã bán cho Arab Saudi 13.795 tên lửa TOW do hãng Raytheon sản xuất.

Chiến tranh ủy nhiệm

Chuyên gia về tình hình Trung Đông Liz Sly của tờ Washington Post nhận định rằng động thái viện trợ tên lửa TOW cho quân nổi dậy sẽ đẩy Mỹ vào một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” với Nga, bất chấp lời tuyên bố của Tổng thống Barack Obama đưa ra hồi đầu tháng rằng Mỹ sẽ không biến Syria thành một “chiến trường ủy nhiệm giữa Nga và Mỹ”.

“Chiến tranh ủy nhiệm” là khái niệm để chỉ việc nước ngoài viện trợ vũ khí, trang bị cho các lực lượng đối lập ở một quốc gia khác giao tranh với nhau để phục vụ cho những mục đích, toan tính của riêng mình.

“Những gì đang xảy ra chứng tỏ đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ngoài dự tính”, ông White nhận định. “Phe nổi dậy bỗng nhiên có rất nhiều tên lửa TOW trong kho của mình. Còn quân chính phủ cũng bất ngờ mở đợt tấn công dưới sự yểm trợ của Nga. Tôi không cho rằng đây là cuộc chiến ủy nhiệm đã được quyết định từ trước”.

Việc cuộc chiến Syria có trở thành “chiến tranh ủy nhiệm” hay không đang trở thành một trong những câu hỏi hóc búa đối với chính quyền của ông Obama trong bối cảnh Nga đang ngày càng có những động thái mạnh mẽ hơn để bảo vệ chính quyền của ông Assad và tiêu diệt phiến quân.

Các quan chức Mỹ tính toán rằng những tên lửa chống tăng TOW sẽ gia tăng đáng kể áp lực quân sự lên quân đội chính phủ Syria, và họ sẽ phải thuyết phục tổng thống nhượng bộ, nhưng không đến mức khiến chính phủ sụp đổ hoàn toàn, để lại khoảng trống quyền lực nguy hiểm ở Damascus.

loai-ten-lua-tiem-n-nguy-co-chien-tranh-giau-mat-nga-my-2

Một chiếc xe tăng phát nổ dữ dội sau khi trúng tên lửa TOW. Ảnh: DefenseNews

Thế nhưng chiến dịch can thiệp quân sự của Nga nhằm củng cố sức mạnh cho quân đội chính phủ Syria đã phá vỡ hoàn toàn những tính toán của CIA. “Động lực chính của Nga ở Syria là nhận thức rằng chính quyền của ông Assad đang ngày càng suy yếu về quân sự và đang có nguy cơ mất vùng lãnh thổ phía tây bắc. Tên lửa TOW đóng vai trò rất lớn trong mối đe dọa này”, Oubai Shahbandar, chuyên viên tư vấn ở Dubai từng làm việc với phe nổi dậy Syria, cho biết.

“Tôi cho rằng ngay cả người Mỹ cũng ngạc nhiên với mức độ thành công quá cao của loại tên lửa này”, ông nhấn mạnh.

Các quan chức quân sự và chính quyền Mỹ nói rằng họ không ngạc nhiên khi các mục tiêu không kích đầu tiên của Nga ở Syria là những vị trí được cho là nơi phe nổi dậy đã sử dụng tên lửa TOW để chống lại quân đội chính phủ hay những nơi đang đe dọa trực tiếp đến khả năng bảo vệ Latakia.

Nhưng khi các trực thăng vũ trang của Nga quần đảo trên bầu trời, tên lửa TOW chỉ còn có thể làm chậm bước tiến chứ không còn ngăn chặn được các cuộc tấn công của quân đội chính phủ. Tên lửa TOW không thể bắn hạ được máy bay, trong khi trực thăng Mi-24 của Nga có thể dễ dàng phát hiện và tiêu diệt các vị trí tên lửa TOW dưới mặt đất.

Nhiều nhóm nổi dậy ở Syria đã liên tiếp yêu cầu Mỹ viện trợ tên lửa phòng không Stinger để đối phó với mối đe dọa mới từ trên không, nhưng các quan chức Mỹ cho biết điều này rất khó xảy ra, bởi họ lo ngại tên lửa Stinger có thể lọt vào tay phiến quân Hồi giáo và được sử dụng để chống lại chính máy bay của liên quân.

Tuy nhiên, dưới mặt đất, chương trình viện trợ tên lửa TOW vẫn đang diễn ra và nhiều khả năng sẽ được tiếp tục. Arab Saudi, nước cung cấp phần lớn tên lửa TOW cho phe nổi dậy, đã cam kết sẽ có “biện pháp đáp trả bằng quân sự” đối với động thái can thiệp của Nga ở Syria.

Điều quan trọng là CIA hiện không cần sự cho phép của Nhà Trắng để tiếp tục chương trình viện trợ tên lửa này, theo ông Shahbandar. “Số tên lửa này không cần Mỹ bật đèn xanh, chỉ cần đèn vàng là đủ. Đó là một nỗ lực ngầm và có thể bị phủ nhận về mặt kỹ thuật, nhưng lại là đặc trưng của các cuộc chiến tranh ủy nhiệm”.

RELATED ARTICLES

Tin mới