Wednesday, April 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTrung Quốc xả lũ, Việt Nam bị động: Điều cần làm ngay

Trung Quốc xả lũ, Việt Nam bị động: Điều cần làm ngay

Chúng ta còn thiếu thông tin về hoạt động của các thủy điện ở thượng nguồn sông Hồng. Đây là nội dung cần đặt ra cơ chế phối hợp.

Những ngày qua Trung Quốc xả lũ khiến cho đoạn sông Hồng qua địa phận tỉnh Lào Cai bị lũ. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng xảy ra tình trạng tương tự khi mùa nước của người dân phụ thuộc vào sự điều tiết của các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong.

Trước thực trạng này, chia sẻ với Đất Việt, ngày 12/10, TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết: “Riêng với sông Hồng, thì cơ quan khí tượng tỉnh Vân Nam đã thông báo xả lũ trên thượng nguồn sông Hồng, cách Lào Cai 200km với lưu lượng 2.500 m3/s, bắt đầu từ 1h sáng ngày 11/10. Đây là lưu lượng xả lũ khá lớn.

Như vậy, phía Trung Quốc có thông báo cho VN, cho địa phương cụ thể là trạm thủy văn khí tượng Lào Cai. Vấn đề ở đây là lũ lớn chúng ta không xử lý kịp. Trong khi, hiện nay chúng ta và Trung Quốc không có cơ chế hợp tác cố định, chỉ có trao đổi thông tin bình thường”.

TS Tứ cũng cho biết thêm trên thượng nguồn sông Hồng (phía Trung Quốc) có hai nhà máy thủy điện lớn: Namsa – với chiều cao của đập lên đến 80m và có sức chứa đến 260 triệu m3 nước và Nhà máy thủy điện Mađusan với chiều cao thân đập là 105m và chứa khoảng 551 triệu m3 nước.

Ngoài ra, trên lưu vực sông này còn có khoảng 20 đập nước lớn nhỏ khác nhau. Với số lượng thủy điện và các hồ đập phía thượng nguồn sông Hồng chứa một lượng nước lớn như thế (với khoảng 49% tổng lượng nước trên sông Hồng), nếu phải đồng loạt xả lũ thì sẽ gây nhiều khó khăn cho phía hạ lưu tại Việt Nam.

Để có thể kịp thời ứng phó khi có sự cố hoặc việc xả lũ xảy ra thì các cơ quan bên phía Việt Nam cũng như Trung Quốc cần trao đổi và nắm bắt thông tin kịp thời.

Ông Tứ còn nói mặc dù Trung Quốc là nước có thượng nguồn sông Hồng nhưng mọi hoạt động, quy trình vận hành của các thủy điện ở Trung Quốc thuộc khu vực thượng nguồn sông Hồng rất ít được chia sẻ.

“Gần như chúng ta còn thiếu thông tin về hoạt động của các thủy điện ở thượng nguồn sông Hồng. Đây là nội dung cần đặt ra cơ chế phối hợp”, ông Tứ nói.

Mặt khác, theo ông Tứ, câu chuyện VN phụ thuộc nguồn nước là điều nhìn thấy rõ, vì bản thân VN phải cùng chia sẻ nguồn nước với nhiều nước, nhưng lại nằm phía hạ lưu, nên hoàn toàn bị phụ thuộc.

Vì thế, nên VN cần cố gắng bàn bạc để tìm đến cơ chế hợp tác với nhau: trao đổi thông tin, thông báo, vừa qua đã có thông báo nhưng chúng ta không chủ động được.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Nhân Quảng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Quản lý Tổng hợp Tài nguyên Nước (CIWAREM), nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam cho hay: “Thực trạng VN thụ động đón lũ, tôi không bất ngờ.

Theo ông Quảng, sông Hồng có độ dốc dòng sông rất lớn, độ dốc lớn, nên khi Trung Quốc xả lũ thì lượng nước chảy nhanh.

Đối với ĐBSCL thì cần lo mùa hạn hơn mùa lũ, nếu như các nước thượng lưu không điều tiết, chặn dòng nước, sẽ bị khô hạn. Hiện nay đang tiến hành nghiên cứu tác động của đập thủy điện Trung Quốc xuống vùng ĐBSCL. Cuối năm nay khi tiến hành xong nghiên cứu, thì mới có thể đưa ra đầy đủ các kịch bản, sự cố vỡ đập.

“Tuy vậy, cũng có thể kết luận, cả sông Hồng và sông Mê Kông đều bị phụ thuộc vào nguồn nước thượng lưu đổ xuống, lượng nước thay đổi như thế nào. Vì vậy, phải có cơ chế hợp tác, thống nhất quy chế hoạt động” – ông Quảng nói.

Cũng đưa ra quan điểm về việc này, TS Đào Trọng Tứ cho rằng, việc Trung Quốc tiến hành xây các đập trên sông Mê kông sẽ vô cùng nguy hiểm cho VN, khi nước này không tham gia vào Ủy ban sông Mê Kông.

“Cho nên việc cần làm hiện nay là có một cơ chế cụ thể, ổn định giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc xử lý lũ” – ông Tứ nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới