Tuesday, April 16, 2024
Trang chủQuân sựNga-Mỹ cần gạt bỏ bất đồng, cùng hợp tác trong vấn đề...

Nga-Mỹ cần gạt bỏ bất đồng, cùng hợp tác trong vấn đề Syria

Nga và Mỹ cần phải gạt bỏ bất đồng, khôi phục lại sự tin cậy lẫn nhau để cùng hợp tác với các quốc gia Trung Đông, giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Trong vòng 4 năm qua, chính sách của Mỹ đối với Syria chỉ tập trung nhằm buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức. Để cụ thể hóa điều này, Washington đã hậu thuẫn cho phe đối lập ôn hòa nhằm lật đổ chính phủ.

Kể từ khi Nga chính thức thay đổi cuộc chơi, giới chức Mỹ cùng các chuyên gia mong muốn Washington phải có biện pháp đáp trả cứng rắn. Bởi chỉ đơn giản lên án hành động của Nga không phải là chính sách mà Washington thường áp dụng.

New York Times bình luận, Mỹ và phương Tây có thể không đồng tình với chiến lược của Tổng thống Nga Putin ở Crimea và Ukraine. Nhưng ông Putin rõ ràng có lý do để nói rằng, chỉ có chính quyền Syria ổn định và khôi phục sức mạnh an ninh mới có thể chấm dứt nội chiến, đưa người tị nạn quay trở về nhà.

Thay vì theo đuổi chiến thắng vinh quang, Mỹ cần chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria theo cách ít hoành tráng, hài lòng hơn. Washington nên theo đuổi 2 mục tiêu ở Syria. Đầu tiên, thiết lập lại trật tự ở những vùng đất mà Nhà nước Hồi giáo (IS) chưa chiếm đóng. Thứ hai, xây dựng một liên minh chống IS để cô lập và tiêu diệt tổ chức khủng bố này.

Hành động can thiệp của Nga ở Syria có thể tạo cơ hội để Mỹ đạt được hai mục tiêu này. Bởi Damascus là đồng minh lâu đời với Moscow trong gần 4 thập kỷ qua, giống như việc Mỹ can dự vào Trung Đông trong hơn 60 năm. Nga cũng chỉ có căn cứ quân sự Tartus duy nhất ở Trung Đông, trong khi Mỹ có nhiều bạn bè, căn cứ quân sự trong khu vực.

Ở thời điểm hiện tại, cả Nga và Mỹ đều có lợi ích trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định ở Trung Đông. Thậm chí, Nga mới là quốc gia phải đối mặt với làn sóng khủng bố hơn là Mỹ.

Moscow duy trì những ưu thế ở Syria mà người Mỹ không hề có, bao gồm sự hiện diện quân sự trực tiếp ở Syria, quan hệ với Iran, chính phủ Iraq. Mỹ dù có hàng trăm máy bay, hàng nghìn binh sĩ đóng trong khu vực cũng không tạo nên mối liên kết được với Iran. Trong khi, mối quan hệ với chính quyền Iraq gặp nhiều sóng gió còn chương trình huấn luyện phe đối lập Syria đã thất bại.

Cùng với những biện pháp an toàn và thận trọng, liên minh quân sự Nga-Mỹ sẽ là thứ vũ khí mạnh nhất chống lại IS. Bởi một trong hai bên sẽ không thể tự mình đối đầu, cô lập hay tiêu diệt hoàn toàn phiến quân Hồi giáo.

Hợp tác cùng nhau, Nga-Mỹ có thể tận dụng những thế mạnh của các đồng minh trong khu vực. Điều quan trọng là Washington và Moscow cần lên tiếng mạnh mẽ để các quốc gia trong liên minh tạm gác lại những bất đồng, cùng nỗ lực vào cuộc chiến chống IS.

Theo New York Times, mục tiêu của Nga khi can thiệp vào Syria là nhằm bảo vệ ông Assad. Để củng cố điều này, Moscow đã không kích cả phe đối lập chứ không chỉ nhằm vào IS. Nhưng Syria hiện tại vẫn còn nhiều phe nổi dậy khác không nghe theo mệnh lệnh từ Washington.

Một khi Mỹ đã chấp nhận thực tế rằng, Nga hiện diện trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria thì Moscow cũng nên tính đến tương lai của Tổng thống Assad. Kịch bản Syria bị chia rẽ trở thành nhiều nhà nước nhỏ hơn, duy trì vai trò lãnh đạo của ông Assad như một biện pháp cuối cùng mà Moscow tính đến, cũng không thể chấm dứt mối đe dọa từ IS.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác cũng giúp Nga-Mỹ hiểu nhau hơn, tránh rơi vào cuộc chiến tranh ủy nhiệm, nơi mà các bên cung cấp vũ khí cho lực lượng hậu thuẫn dưới mặt đất để tấn công lẫn nhau, tạo ra những rủi ro nguy hiểm.

Nỗ lực chung Nga-Mỹ không phải là một kịch bản hoàn hảo, khó có khả năng thất bại. Nhưng nó thể hiện một phần trong lợi ích của hai bên, hứa hẹn giải pháp toàn diện hơn.

Để làm được điều đó, các quan chức Mỹ nên chấm dứt những nghi ngờ mỗi khi nhắc đến hành động của Nga ở Syria. Chiến tranh Lạnh đã trôi qua từ lâu và giờ là lúc cần phải ngồi xuống và vận dụng tài năng, nghệ thuật lãnh đạo.

RELATED ARTICLES

Tin mới