Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐiểm tinTiết lộ những cơ sở tra tấn bí mật của CIA khắp...

Tiết lộ những cơ sở tra tấn bí mật của CIA khắp thế giới

Dựa trên những thông tin ghi chép về các chuyến bay, biên bản các phiên tòa, và lời khai của các tù nhân trong nhiều tài liệu khác, các nhà báo cho biết đã thu thập được nhiều chi tiết trong bản báo cáo dầy 500 trang của Thượng viện Mỹ về chiến thuật tra tấn tù nhân của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) sau sự kiện 11/9.

Chỉ trong 3 năm, từ 2002-2005 đã có 119 phạm nhân bị CIA giam giữ tại các nhà tù nước ngoài (Ảnh: Reuters)

Báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện đã sử dụng nhiều màu sắc để làm mật mã, đặt tên cho các nhà tù bí mật của CIA. Các nhà nghiên cứu của Cục điều tra báo chí và dự án “The Rendition Project” đã mất 9 tháng để giải mã và tìm ra những vị trí cụ thể của các nhà tù nơi những phạm nhân bị đưa đến. Những chuyên gia này cũng xác định được thời hạn giam giữ tù nhân và những gì xảy ra sau chấn song sắt của nhà tù.

Nhóm tác giả của bài viết này cũng cho biết trong khuôn khổ chương trình di chuyển, giam giữ và thẩm vấn tù nhân của CIA, đã có khoảng hơn 130 người bị giam giữ và tra tấn trong các nhà tù bí mật. Hành động này được thực hiện trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ  năm 2001 – 2009.

Trong số những nghi phạm bị giam giữ trên, có một phạm nhân người Palestin sống ở Pakistan tên là Abu Zubaydah bị bắt vào cuối tháng 3/2002, từng bị CIA nhầm lẫn là “nhân vật số 3 trong mạng lưới khủng bố Al-Qaeda”.

Abu bị bắt vào giai đoạn đầu của chương trình này nên khi đó CIA vẫn chưa biết nên giam giữ anh ở đâu. Điều này đã dẫn đến những kế hoạch tiếp theo để giữ bí mật cho chương trình cũng như tránh khỏi các cơ quan giám sát như Ủy ban quốc tế của Hội chữ thập đỏ hay thậm chí lực lượng quân đội của Hoa Kỳ.

CIA bắt đầu chương trình di chuyển và tra tấn nghi phạm bằng cách sử dụng một cơ sở được đặt tên là “Green” ở Thái Lan, nơi các quan chức tại đây đồng ý duy trì trại giam này cũng như bảo mật mọi thứ. Tuy nhiên sau đó đã nhanh chóng xuất hiện “các vấn đề với người chịu trách nhiệm ở khu vực này”.

“Các cuộc cải tổ nhân viên của chính quyền Thái Lan đã khiến Đội trưởng CIA phải liên tục tiến hành “vận động hành lang” để giữ cho nhà tù được phép hoạt động. Chưa đầy một tháng sau khi xây dựng cơ sở tại đây, cơ quan này ước tính số lượng quan chức Thái Lan biết đến hoạt động này đã tăng lên gấp đôi. Và các phương tiện truyền thông cũng nhanh chóng phát hiện ra rằng những đối tượng bắt bớ quan trọng nhất của CIA đều bị giam giữ tại Thái Lan”, bài báo cho biết.

Cơ sở giam giữ tại Thái Lan là nơi những cán bộ thẩm vấn của CIA áp dụng những kỹ thuật tra tấn mới nhất, bằng cách liên tục phủ vải tẩm nước lên mặt Abu Zubaydah, không cho ngủ, và Abu luôn bị đặt trong tình trạng căng thẳng và bị nhét vào những chiếc hộp. Anh từng trải qua 11 ngày trong một chiếc hộp hình quan tài và một lần khác bị nhốt 29 giờ trong một chiếc hộp có kích cỡ chưa đầy 3m2.

Thông tin tù nhân bị bắt trong chương trình RDI, trong đó có Abu Zubaydah và Zakariya (Ảnh: therenditionproject.org.uk)

Các nhà nghiên cứu cũng đặt sự chú ý vào một nhân viên y tế, người đã quan sát những lần Abu bị thẩm vấn hồi tháng 8/2002 và ghi chép lại như sau:

“Các hình thức tra tấn được áp dụng liên tiếp, từ phủ vải tẩm nước lên mặt tới nhốt trong hộp lớn và chuyển sang hộp nhỏ. (Abu Zubaydah) dường như rất sợ bị phủ vải ướt vào mặt. Thời gian anh ta bị úp vải tẩm nước lên mặt dài nhất là 17 giây. Vẫn chưa thu được thông tin hữu ích nào… Anh ta đã vài lần nôn ra đậu và cơm trong khi bị phủ vải ướt lên mặt. Anh ta được cho ăn từ 10 tiếng trước nên việc nôn ra thức ăn như vậy thật đáng lo ngại. Chúng tôi có kế hoạch nuôi sống anh ta trong giai đoạn hiện tại. Tôi đang chuẩn bị tiếp tục một phiên tra tấn phủ vải ướt lên mặt khác”.

Nhóm các chuyên gia cũng chỉ ra rằng CIA đã thực hiện các kế hoạch xây dựng một trung tâm giam giữ “Cobalt” ở Afghanistan, một nơi “hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát (của CIA)” và chi phí xây dựng ban đầu là 200.000 đô la Mỹ. Dự toán này đã được phê duyệt vào tháng 6/2002 mặc dù không rõ nguồn tiền này đến từ đâu và chỉ 3 tháng sau đó, đến giữa tháng 9, trung tâm này đã sẵn sàng để giam giữ phạm nhân.

Abu đã bị giam giữ tại đây cho đến khi được chuyển tới một khu khác có tên “Blue” ở Masuria, phía bắc Ba Lan, trên máy bay phản lực Gulfstream vào tháng 12/2002. Anh bị giam cầm ở đó trong 9 tháng và sau đó được chuyển tiếp tới 2 trại giam khác (“Maroon” và “Indigo”) ở vịnh Guantanamo, trước khi tiếp tục bị đưa tới Morocco và Litva. Cuối cùng Abu bị đưa trở lại Guantanamo và hiện vẫn đang bị giam giữ tại đây.

Cũng theo những phát hiện của các chuyên gia, CIA cũng xây dựng một cơ sở khác ở Afghanistan với tên gọi “Orange” và đã có rất đông tù nhân được chuyển tới đây vào tháng 4/2004, từ một cơ sở giam giữ khác ở Cobalt, Afghanistan. Ngoài ra CIA còn xây dựng một cơ sở giam giữ mới ở Litva có tên “Violet” và sử dụng Morocco như một cơ sở giam giữ tạm thời. Còn cơ sở tại Rumania được sử dụng để giam giữ “nhiều tù nhân bị CIA nhận định là “có giá trị cao”, bao gồm Khaled Sheikh Mohammed và Abd Al-Rhaim al-Nashiri.

Trong một văn kiện được gửi cho các nhà chức trách Hoa Kỳ vào tháng 12/2003, Ủy ban quốc tế của Hội chữ thập đỏ đã đưa ra “một danh sách khá đầy đủ các tù nhân của CIA”, và thông báo về những phát hiện của họ về việc những tù nhân của CIA ở Afghanistan bị giam giữ “biệt lập với thời gian bị kéo dài hơn, và phải chịu những điều kiện sống và trị bệnh không thể chấp nhận được trong trại giam, và bị tra tấn”.

Trong bài viết của mình, nhóm các tác giả cho biết: “nước chủ nhà (Afghanistan) không có lý do gì để giam giữ những cá nhân này cũng như hành động theo sự chỉ đạo của CIA”.

Ngoài ra, họ cũng chỉ ra rằng chính quyền CIA đã vận hành các nhà tù dựa trên một tài liệu được gọi là “bản ghi nhớ về thông báo các hành động bí mật” (MON) – một mật lệnh được ký bởi cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush, 1 tuần sau khi xảy ra vụ tấn công ngày 11/9. MON đã cho phép CIA không chỉ được quyền bắt giữ phạm nhân mà còn có thể ra quyết định giam giữ ai đó, với lý do gì và trong bao lâu.

Trong số 119 tù nhân bị CIA bắt giữ, có 42 người đã được phóng thích, 30 người khác vẫn đang bị giam giữ và 7 người đã bị chết. Số người còn lại, “một vài người vẫn đang bị giam giữ ở nước ngoài và những người khác vẫn chưa được tìm thấy”.

RELATED ARTICLES

Tin mới