Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐiểm tinViệt Nam mời ông Tập Cận Bình sang làm gì?

Việt Nam mời ông Tập Cận Bình sang làm gì?

Dư luận đang rất quan tâm về chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến vào ngày 5-6/11 tới. Vào thời điểm đó, Đại hội Đảng các cấp của Việt Nam đã hoàn tất và T.Ư Đảng VN đang gấp rút chuẩn bị khâu nhân sự cho Đại hội Đảng sắp tới.

Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc

Trong lịch sử, chưa bao giờ có một thời điểm trước một Đại hội Đảng mà lại mời nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc sang thăm Việt Nam.

Chính vì vậy, dư luận đàm tiếu và cho rằng ông Tập Cận Bình sang Việt Nam lần này là để “nghe Việt Nam trình bày phương án nhân sự”. Và “cho ý kiến chỉ đạo”?

Ngày xưa, trong những năm kháng chiến chống Mỹ thì hình như có việc này. Mỗi khi chuẩn bị cho các kì Đại hội, Việt Nam thường tham khảo ý kiến Trung Quốc, Liên Xô… Nhưng đó là chuyện của những năm tháng “Việt Nam – Trung Hoa, môi hở răng lạnh”.

Còn bây giờ, nói rằng Việt – Trung đang là  “Hữu nghị” thì cũng chả phải mà nếu có bảo rằng đang là “thù địch” thì cũng không quá sai.

Trung Quốc thì đã ngang nhiên xây đắp đảo, ở một số nơi vốn của Việt Nam mà họ đã dùng vũ lực để chiếm; làm đường băng quân sự; dựng hải đăng; rồi công khai tuyên bố đây là đất đai của “tổ tiên để lại”.

Việt Nam thì ngậm đắng nuốt cay, toàn lên tiếng kiểu “gọi là cho có”, chứ chả lẽ lại im lặng? Còn nhiều người thì vội vàng hoan hô việc Mỹ đưa tàu chiến vào các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng… Và cứ làm như Mỹ sẽ “cứu” Biển Đông khỏi bị Trung Quốc xâm chiếm.

Đó là những suy nghĩ ngu xuẩn, và thiếu hiểu biết. Lịch sử đã cho thấy rằng: Việt Nam luôn chỉ là quân cờ trong tay người chơi là các nước lớn, mà cụ thể là Mỹ, Trung Quốc. Chính Mỹ là kẻ giúp Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, làm ngơ cho Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đảo chiếm đóng trái phép. Cho nên, việc Mỹ đưa tàu chiến đến lượn lờ quanh mấy hòn đảo đó, chỉ là động thái khoe mẽ, thậm chí nếu hiểu rằng, chính Mỹ đang giúp Trung Quốc “hợp thức hóa” việc chiếm đóng đó.

Vì thế, nói Việt Nam – Trung Quốc bây giờ là “đối thủ, và cũng là đối tác” thì mới là đúng.

Và như vậy, không hiểu lần này ông Tập sang thì Việt Nam sẽ xưng hô với ông Tập như thế nào?

Có lẽ, họ vẫn gọi nhau bằng đồng chí!

Người ta có câu, lúc “đấu tranh thì gọi nhau bằng đồng chí”. Trong trường hợp này thì có lẽ là đúng.

Tập Cận Bình là kẻ đã công khai tuyên bố với toàn thế giới rằng Biển Đông là của tổ tiên để lại, vậy nên Tập Cận Bình và các thế hệ con cháu phải có trách nhiệm đòi lại. Và không chỉ nói mồm, họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt và mới đây nhất là đổ đá, đổ đất để xây dựng đường băng trên một số đảo tôn tạo trái phép.

Xưa nay người ta hay nhắc tới câu “Nam tử Hán, Đại trượng phu”, thì bây giờ đã lòi ra cái mặt “Nam tử Hán, Đại tiểu nhân”. Khi lãnh đạo Trung Quốc, luôn nói một đằng, làm một nẻo. Và giở rất nhiều trò bẩn, vô nhân đạo.

Thậm chí, khi tàu ngư dân Việt Nam gặp nạn, họ đã chỉ đạo tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn không cho tàu Việt Nam cứu người Việt Nam.

Vậy Việt Nam mời kẻ lá mặt, lá trái, và luôn có hành động côn đồ, đại bá, kèm chất lưu manh đó sang Việt Nam để làm gì?

Với mục đích nhằm xoa dịu tình hình và “năn nỉ” Trung Quốc đừng lấn chiếm nữa, đừng làm căng thẳng nữa? Hay chẳng lẽ Việt Nam muốn xin Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ thi công đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông? Hay mong mỏi Trung Quốc đừng bán hàng giả, hàng kém chất lượng sang Việt Nam?

Quả thật, nghĩ cũng khổ cho đất nước Việt!

Lịch sử cha ông ta từ xưa đến nay đã từng cho thấy rằng, mỗi khi đánh thắng quân xâm lược phương Bắc, ngay lập tức phải sang triều cống và xoa dịu, thậm chí biến báo việc nọ, việc kia kiểu như “quan quân của quý quốc chẳng may bị dân Việt đánh chết”.

Nếu không nhìn thấy rõ dã tâm của Trung Quốc, nếu như vẫn có thái độ nhún nhường và quỵ lụy Trung Quốc thì có lẽ rồi Việt Nam cũng sẽ trở thành phiên thuộc của Trung Quốc.

Gần đây, người ta nói nhiều đến một “thời kì Bắc thuộc” mới. Xem ra điều này không phải là không có lý. Mặc dù kinh tế Việt Nam những năm gần đây đã khởi sắc, nền an ninh quốc phòng đã có những bước củng cố mạnh mẽ, nhưng nếu xảy ra chiến tranh thì Việt Nam rõ ràng chưa phải là đối thủ của Trung Quốc. Chuyện chiến tranh bây giờ không phải là chỉ có lòng dũng cảm, mà phải là khoa học, là vũ khí hiện đại. Điều đó thì dù Việt Nam có mua được vài tàu ngầm, có vài phi đội máy bay Su 30, có được những hệ thống tên lửa S300 cũng chưa phải là đối thủ xứng tầm của Trung Quốc.

Một điều khác nữa là nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu Trung Quốc giở mặt thì sẽ gây không ít khó khăn cho Việt Nam. Chẳng thế mà từ năm ngoái, đã có vị lãnh đạo của Việt Nam hét với báo chí rằng “nếu chống Trung Quốc thì dưa hấu đổ cho ai, mang về ăn trừ cơm được à?”

Đối với Việt Nam hiện nay, cư xử với Trung Quốc như thế nào để giữ được hòa bình, mà không để Trung Quốc lấn tới là một bài toán cực khó.

Nếu tỉnh táo, có lẽ Việt Nam không nên mời ông Tập sang thăm vào thời điểm này.

Cái lợi thì chưa thấy đâu, nhưng cái hại lớn nhất, là người dân Việt thấy sự lãnh đạo thiếu bản lĩnh, vẫn mang nặng tâm lý sợ Tàu thế nào ấy.

RELATED ARTICLES

Tin mới