Wednesday, November 13, 2024
Trang chủBiển nóngSự phi lý trong phát biểu của Tập Cận Bình về chủ...

Sự phi lý trong phát biểu của Tập Cận Bình về chủ quyền từ thời cổ đại đối với Trường Sa

Ngày 22/9/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài trả lời phỏng vấn viết đăng trên tạp chí Wall Street Journal trước chuyến thăm Mỹ. Ông Tập nói “quần đảo Nam Sa (Trường Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại”[1]. Cái chủ quyền mà ông Tập nói là nhằm biện minh cho các hoạt động cải tạo và quân sự hóa trên các đảo đá mà nước này đang chiếm đóng trái phép bằng vũ lực ở Trường Sa.

Thật nực cười và phi lý khi ông Tập nói Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc từ cổ đại. Sự phi lý ở chỗ ông ta đã dựa vào cái gì, cơ sở nào để minh chứng cho cái ông gọi là chủ quyền thuộc về Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa?

Lập trường mập mờ thường thấy của Trung Quốc là nước này yêu sách lịch sử ở Biển Đông và chủ quyền có được do khám phá, đặt tên, vẽ bản đồ, tuần tra và kiểm soát, sử dụng, quản lý hành chính… Trong công hàm đệ trình lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc tháng 5/2009, Trung Quốc tuyên bố rằng nước này có cái gọi là chủ quyền không tranh chấp với các đảo đá và vùng nước lân cận và có quyền chủ quyền đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và địa tầng bên dưới. Do đó, nước này có quyền hiện diện cơ hữu, thiết lập các cơ sở quân sự, phi quân sự ở đó và thực hiện hàng loạt các hoạt động gây bất ổn khác.

Mới nghe thì có vẻ lô-gíc nhưng cái chủ quyền của Trung Quốc theo lời ông Tập có được là do xâm lược, không có cơ sở pháp lý chiểu theo các tiêu chuẩn, luật lệ và thông lệ quốc tế.

Thứ nhất, phát hiện ban đầu của Trung Quốc không có giá trị. Ông Tập nói “từ thời cổ đại” nghĩa là đề cập đến cái mà Trung Quốc cho rằng là nước phát hiện đầu tiên từ đời nhà Hán (năm 206 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công nguyên). Trung Quốc đã từng đưa ra hàng hoạt các bằng chứng lịch sử để chứng minh cho yêu sách, đặc biệt là việc ngư dân Trung Quốc khai thác tài nguyên và việc Trung Quốc cho vẽ các bản đồ. Nhưng, chiểu theo các tiêu chuẩn của luật quốc tế, sự tiếp cận của ngư dân Trung Quốc với các đảo ở Trường Sa mang tính rời rạc và nhỏ lẻ. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế đã từng chỉ ra rằng các tư liệu cổ của Trung Quốc về vấn đề này là không vững chắc, thậm chí đã được giải thích sai lệch nhằm phục vụ ý đồ chính trị của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa[2]. Ngoài ra, lập luận này không được minh chứng trong các văn bản lịch sử chính thống của Trung Quốc. Phần lớn được tập hợp từ các báo cáo hải trình, các công trình nghiên cứu và sách hàng hải, trong đó người dân Trung Quốc nhận thấy rằng có sự tồn tại các vùng lãnh thổ không chỉ thuộc về Trung Quốc mà bao gồm cả các nước khác nữa.

Trên thực tế, tổ tiên người Trung Quốc xuất hiện ở Biển Đông còn sau tổ tiên của người Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Ví dụ, Vương quốc Chăm (nay là miền Trung Việt Nam) là vương quốc thống trị buôn bán qua Biển Đông cho tới khi sáp nhập vào Việt Nam thế kỷ 15.

Thứ hai, các yếu tố lịch sử được xem xét để khẳng định yêu sách chủ quyền nếu như quốc gia phải thực thi quyền đối với vùng đất một cách hiệu quả, liên tục và không bị thách thức bởi các bên khác liên quan. Vì Trung Quốc đã không chứng minh được yêu sách phù hợp những nguyên tắc này. Đặc biệt, yêu sách lịch sử của Trung Quốc không tương thích với yêu sách lịch sử được công nhận trong Điều 10 và 15 của UNCLOS, bao gồm những khu vực mà các nước ven biển khác có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ.

Thứ ba, bản đồ “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc gửi kèm Công hàm năm 2009 không có giá trị pháp lý và không làm nên chủ quyền ở Biển Đông vì không cấu thành chủ quyền chiểu theo các tiêu chuẩn của luật quốc tế. Bản đồ dùng trong tranh chấp lãnh thổ quốc tế khi nó đảm bảo hai yêu cầu quan trọng: (i) Có độ chính xác và tin cậy về địa lý; và (ii) Đảm bảo tính trung lập giữa các bên liên quan. Trên thực tế, “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không phải là sản phẩm của hiệp định giữa các bên và cũng không được tạo ra bởi một bên thứ ba có quy tín và trung lập khách quan. Bản đồ “Đường lưỡi bò” không đáng tin cậy vì nó không cung cấp rõ ràng các giới hạn chủ quyền biển của Trung Quốc (không xác định được độ dày của các đoạn đứt khúc; không có tọa độ cụ thể nên không xác định được khu vực bên trong). Đoạn 2, 3 và 8 không chỉ gần với bờ biển của các nước khác mà còn nằm quá xa so với 200 hải lý tính từ bờ biển Trung Quốc và 12 hải lý tính từ các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng.

Thứ tư,sự chiếm đóng bằng vũ lực đối với các đảo đá ở Trường Sa của Trung Quốc không tạo ra quyền sở hữu đối với các đảo này. Trung Hoa dân quốc (nay là Đài Loan) chiếm đóng Đảo Ba Bình năm 1946 và năm 1956 trong khi Trung Quốc chiếm Gạc Ma và sáu đảo đá xung quanh bằng vũ lực vào năm 1988 đã vi phạm Điều 2 (4) Hiến chương Liên hợp quốc: “Tất cả các thành viên Liên hợp quốc sẽ kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của bất cứ quốc gia nào cũng như bằng bất kỳ cách khác nào trái với những mục đích của Liên hợp quốc”.

Do đó, Trung Quốc không có quyền thực hiện bất cứ hoạt động gì trên các đảo đá mà nước này đang chiếm đóng trái phép bằng vũ lực ở Trường Sa. Bất cứ hoạt động nào của Trung Quốc ở đây đều là phi pháp: từ cải tạo đảo cho đến tăng cường hiện diện quân sự, bán quân sự và dân sự với số đông để bắt nạt, cưỡng ép các bên yêu sách khác và đẩy các nước lớn ra xa nhằm mở rộng quyền tài phán và kiểm soát trên thực tế.

Điều đáng nói hơn nữa là hành động của Trung Quốc đã gây quan ngại khắp thế giới nhưng nước này vẫn cố làm bất chấp sự chỉ trích của công luận quốc tế. Trung Quốc đã bỏ ngoài tai ý kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, lãnh đạo các nước G-7 (bao gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Anh), ASEAN, Liên minh Châu Âu (EU) và các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc. Ở nhiều cấp độ khác nhau, họ đã ra tuyên bố về Biển Đông đặc biệt quan ngại về “các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng ở khu vực”, cảnh báo nước này không được “ỷ mạnh hiếp yếu” ở Biển Đông…

Rõ ràng, cả quyền lịch sử và yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông là vô hiệu và không có giá trị pháp lý. Do đó, các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông không phải là để bảo vệ chủ quyền mà là xâm lược. Hành động này không những đối nghịch những gì mà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố về cái gọi là “phát triển hòa bình” mà còn trái với luật pháp quốc tế và đi ngược lại mong muốn của cộng đồng quốc tế.


[1] http://www.wsj.com/articles/full-transcript-interview-with-chinese-president-xi-jinping-1442894700

[2] Phạm Kim Hùng, “Đi tìm sự thật về lịch sử hai quần đảo ở Biển Đông”, Tập san Biên giới Lãnh thổ, số 12/2002

RELATED ARTICLES

Tin mới