Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngÔng Tập Cận Bình sẽ tiếp cận vấn đề Biển Đông như...

Ông Tập Cận Bình sẽ tiếp cận vấn đề Biển Đông như thế nào khi thăm Việt Nam?

Câu hỏi đặt ra là liệu khi đến Việt Nam, ông Tập Cận Bình có nhắc lại nguyên xi nội dung ông tuyên bố ở Hoa Kỳ và Anh quốc hay không? Hoặc có thể ông …

LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết thể hiện quan điểm, suy tư trăn trở của ông về vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa đang nóng lên bởi những hành động leo thang thay đổi hiện trạng của phía Trung Quốc.

Đặc biệt việc lần đầu tiên Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam tuần này đang được dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi. Ông Tập Cận Bình sẽ nói gì hay im lặng về Biển Đông, Trường Sa và Hoàng Sa? Việt Nam nên phản ứng ra sao trong các tình huống này, xin giới thiệu đến quý bạn đọc phân tích của Tiến sĩ Trần Công Trục.

Biển Đông căng thẳng đã ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến quan hệ Việt – Trung khiến dư luận có không ít quan điểm cho rằng Chủ tịch nước Trung Quốc quyết định chọn thời điểm này để đi thăm Việt Nam là do quan hệ giữa 2 nước đang trong tình trạng bất ổn.

Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng, chừng nào còn ngồi vào bàn nói chuyện được với nhau thì khả năng trên không đáng lo ngại. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để tận dụng cơ hội này trao đổi thẳng thắn lập trường về vấn đề Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa với Trung Quốc trong chuyến thăm này của ông Bình và tìm giải pháp giải quyết vấn đề căn bản, lâu dài và hiệu quả mà hai bên chấp nhận được.

Nếu quan hệ Việt – Trung  “bất ổn” thì ông Tập Cận Bình đã không thăm Việt Nam thời điểm này

Trước hết, có lẽ chúng ta nên cùng nhau đánh giá xem quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đang ở trong tình trạng nào? Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận định rằng quan hệ giữa 2 nước hiện đang ở trong tình trạng bất ổn.

Đây là một nhận định mang nặng màu sắc cảm xúc và bị chi phối bởi các diễn biến ngoài Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa và dễ rơi vào tình trạng “đánh đồng cả nắm”. 

Bởi vì quan hệ giữa 2 nước diễn ra trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, ngoại giao cho đến quân sự, văn hóa, xã hội, biên giới, lãnh thổ…Không phải tất cả các lĩnh vực trong quan hệ giữa 2 nước hiện nay đều đang ở trong tình trạng bất ổn. Ngược lại có thể thấy rằng đa số các lĩnh vực trong quan hệ giữa 2 nước cho đến thời điểm hiện nay vẫn hoàn toàn bình thường. 

Ngay cả trong lĩnh vực biên giới, lãnh thổ vốn đang tồn tại nhiều tranh chấp phức tạp, nhất là những vấn đề trên biển, hải đảo, cũng không thể nói quan hệ Việt – Trung đang ở trong tình trạng bất ổn hoàn toàn. Chúng ta đã biết, hai bên đã giải quyết xong vấn đề biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ, hiện đang triển khai việc bảo vệ, quản lý, hợp tác khai thác khu vực biên giới có liên quan giữa 2 nước, trên cơ sở các thỏa thuận đã và sẽ được ký kết một cách công bằng, hợp tình hợp lý và tôn trọng lẫn nhau.

Tuy nhiên, giữa 2 bên vẫn đang tồn tại những vấn đề trên Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hết sức phức tạp, hiện đang rất nóng bỏng trong quan hệ giữa 2 nước. Nguyên nhân chủ yếu là do tham vọng và hành động của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông thành ao nhà với những hành xử vượt quá các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế cũng như các thỏa thuận chính trị giữa 2 nước và giữa các nước trong khu vực với Trung Quốc. 

Vì vậy nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi thăm Việt Nam đúng vào thời điểm bất ổn trong quan hệ giữa 2 nước là không hoàn toàn chính xác. Theo tôi, đầu tiên có thể thấy đây là chuyến thăm cấp cao đáp lễ, diễn ra theo nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia còn có quan hệ ngoại giao bình thường. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc nếu bất ổn và không bình thường thì khó có thể có các chuyến viếng thăm cấp nguyên thủ diễn ra.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc tháng 4/2015.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa thời điểm được lựa chọn cho chuyến thăm diễn ra hoàn toàn ngẫu nhiên. Thông thường, phía nhận lời đến thăm đều lựa chọn thời điểm thích hợp, thuận tiện nhất có lợi cho những dự tính của họ. Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bính sẽ diễn ra đầu tháng 11 năm 2015 như đã thông báo chính thức có lẽ cũng không nằm ngoài sự lựa chọn, tính toán đó của Trung Quốc. 

Từ nhận xét nói trên, chúng ta thấy rằng khi gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam trong thời điểm hiện nay có lẽ hai phía sẽ cùng nhau đánh giá lại những thành công cũng như chưa thành công, thậm chí có lúc thất bại trên tất cả các lĩnh vực của quan hệ Việt – Trung trong suốt 65 năm kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao cũng như những bài học được rút ra từ những thành công và thất bại đó.

Vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình

Với Trung Quốc, vào thời điểm hiện nay họ không thể không tính đến cái họ gọi là “lợi ích cốt lõi” trong Biển Đông đang có những diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho họ cả về đối nội và đối ngoại. Ông Tập Cận Bình không thể không lên phương án cho mỗi chuyến công du làm sao có thể loại bớt những cản trở trên con đường thực hiện chiến lược khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông làm ao nhà của mình. 

Tất nhiên về mặt đối ngoại, Trung Quốc sẽ áp dụng sách lược rất tinh vi. Tôi tin rằng, hơn ai hết người Việt Nam, đặc biệt là các vị lãnh đạo đất nước sẽ biết cách để ứng xử khôn khéo, thích hợp nhất theo tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế đang quan tâm, theo dõi chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, một vấn đề ông đã từng công khai lên tiếng thẳng thừng trong 2 chuyến thăm Hoa Kỳ và Anh quốc vừa qua với tư cách là một nguyên thủ quốc gia. 

Câu hỏi đặt ra là liệu khi đến Việt Nam, ông Tập Cận Bình có nhắc lại nguyên xi nội dung ông tuyên bố ở Hoa Kỳ và Anh quốc hay không? Hoặc có thể ông Bình sẽ thể hiện tinh thần tuyên bố của mình dưới hình thức nào đó gián tiếp hơn, “nhẹ nhàng” hơn? Thậm chí nếu ông hoàn toàn im lặng, né tránh không nhắc gì đến vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa thì trong những trường hợp này, phía Việt Nam chúng ta cần phản ứng như thế nào? 

Nội dung và cách thức chúng ta phản ứng trước bất kỳ hình thức tiếp cận nào của ông Tập Cận Bình về Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa trong chuyến thăm này như thế nào cho thích hợp, thể hiện rõ lập trường, mong muốn của Việt Nam mới là điều cả dân tộc đang trông đợi.

Cá nhân tôi cho rằng việc ông Tập Cận Bình nhắc lại phát biểu như khi thăm Mỹ, thăm Anh là ít có khả năng xảy ra, bởi lẽ ông và bộ máy tham mưu cho ông thừa hiểu Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông có ý nghĩa thiêng liêng, đau đáu với người Việt như thế nào. Tuy nhiên vì tham vọng muốn chiếm trọn Biển Đông và biến nó thành cái ao nhà cho Trung Quốc, có thể ông Tập Cận Bình sẽ tiếp cận theo cách thứ 2 nhẹ nhàng hơn.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Qua những phát biểu của ông Lưu Chấn Dân – Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và ông Lý Quân, Trợ lý Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc họp báo giới thiệu chuyến công du này của ông Tập Cận Bình thì dường như nhà lãnh đạo Trung Quốc chủ yếu tập trung ca ngợi các thành tựu và triển vọng hợp tác quan hệ song phương trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa, du lịch…

Phía Trung Quốc cũng nhân dịp này để đẩy mạnh ý tưởng chiến lược “Một vành đai, một con đường” hay “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” để hạn chế sự chú ý của dư luận Việt Nam về vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa.

Chúng ta cũng thấy rằng, trong chuyến thăm Hoa Kỳ chính thức lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình đã lựa chọn Seattle làm điểm dừng chân đầu tiên. Ở đây ông đã cho lãnh đạo các bộ ngành và doanh nghiệp tháp tùng ký kết hàng loạt hợp đồng kinh tế – thương mại có thể nói là “béo bở” với Hoa Kỳ.

Những chủ doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ đã có mặt trong buổi tọa đàm với ông Chủ tịch nước Trung Quốc và đều đánh giá cao, chào đón nhiệt liệt chuyến thăm của ông cũng như triển vọng hợp tác kinh tế – thương mại Trung – Mỹ.

Nhưng khi đến Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama đã nêu vấn đề Biển Đông và yêu cầu Trung Quốc phải dừng ngay hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Cả hai nhà lãnh đạo đều bảo lưu quan điểm của mình và cuối cùng không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về Biển Đông. 

Sau cuộc họp, Tổng thống Obama đã quyết định cho phép Hải quân Mỹ thực thi kế hoạch tuần tra tự do hàng không hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh một số đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp trên các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm ở Trường Sa.

Bằng hành động này, Tổng thống Obama không chỉ cho thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương thấy được cam kết thượng tôn pháp luật, bảo vệ tự do hàng không hàng hải, luật pháp và trật tự quốc tế ở Biển Đông mà còn gián tiếp khẳng định, những “miếng mồi kinh tế” ở Seattle không thể lay chuyển được quyết tâm của Tổng thống Obama trong vấn đề Biển Đông.

Thiết nghĩ đây là bài học đáng để người Việt chúng ta suy ngẫm.

Ông Tập Cận Bình thăm nhà máy của tập đoàn Boeing khi sang thăm chính thức Hoa Kỳ tháng trước. Ảnh: AP.

Mặt khác, cũng theo 2 quan chức Trung Quốc này thì ông Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Đây là hoạt động ngoại giao thường gặp trong quan hệ quốc tế và cũng là chuyện bình thường giữa các quốc gia.

Nhưng trong bối cảnh Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa đang căng thẳng và tác động trực tiếp đến tâm lý của mỗi người Việt Nam cũng như quan hệ Việt – Trung, thiết nghĩ nếu hoạt động này diễn ra thì phía Việt Nam chúng ta cũng phải chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án đáp lễ.

Trước là chúng ta đáp lễ cho phải phép chủ nhà, nhưng sau đó chúng ta cũng tỏ rõ lập trường bất di bất dịch về chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông và mong muốn phía Trung Quốc hãy tôn trọng.

Ngay trong phát biểu của ông Lưu Chấn Dân và ông Lý Quân đã cho thấy phía Trung Quốc vẫn đang muốn đánh tráo khái niệm, mập mờ phạm vi khi nói đến Biển Đông, nhất là khi họ nói đến việc “gác tranh chấp, cùng hợp tác”, hoặc cố tình lồng ghép từ “song phương” vào phương châm xử lý mâu thuẫn, bất đồng Việt Nam – Trung Quốc trên Biển Đông thông qua đàm phán bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Thiết nghĩ chúng ta cũng cần đặc biệt chú ý đến những khái niệm pháp lý này hoặc khái niệm tương đương mà Trung Quốc có thể sử dụng để dẫn đến những hiểu lầm trong dư luận.

Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, Dân tộc Việt Nam, rất đỗi thiêng liêng và cao cả. Biển Đông là không gian sinh tồn của đất nước Việt Nam. Việt Nam thiện chí và sẵn sàng lắng nghe các quan điểm của phía Trung Quốc, đồng thời cũng đòi hỏi Trung Quốc lắng nghe quan điểm của Việt Nam, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại hòa bình một cách THIỆN CHÍ – CẦU THỊ trên cơ sở PHÁP LÝ QUỐC TẾ chứ không phải LẬP TRƯỜNG CHÍNH TRỊ hay LỊCH SỬ.

Việt Nam rất trân trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc, mong muốn chung sống hòa bình, cùng phát triển phồn vinh với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng bảo vệ hòa bình và công lý cho khu vực và quốc tế. Đồng thời Việt Nam không thể không nhắc lại chủ quyền hợp pháp của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông. 

Do đó, Việt Nam sẽ không thể vì “cần lấy đại cục làm trọng”, “hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chinh” hay bất cứ điều gì tương tự mà có thể gác lại không nói vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông khi ông Tập Cận Bình sang thăm.

Cá nhân tôi cho rằng câu nói “vừa hợp tác vừa đấu tranh” trong quan hệ với Trung Quốc mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng phát biểu trước Quốc hội Việt Nam hơn lúc nào hết phải là phương châm hành động của tất cả mọi người Việt Nam trong thời điểm này, đặc biệt là khi chúng ta đón ông Tập Cận Bình sang thăm chính thức đất nước mình trên cương vị nguyên thủ quốc gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới