Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngBộ trưởng Quốc phòng Mỹ tham gia tuần tra Biển Đông?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tham gia tuần tra Biển Đông?

Một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng nhiệm Malaysia, ông Hishammuddin Hussein, sẽ lên một chiến hạm của Mỹ đến Biển Đông vào 5/11, giữa lúc tình hình tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp.

Theo đó, lãnh đạo quốc phòng của Malaysia – nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và Mỹ – nước không trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông, nhưng tuyên bố có lợi ích chiến lược và đang tích cực can dự vào vùng biển này để bảo vệ quyền tự do hàng hải, bay ngang, sẽ lên tàu sân bay USS Theodore Rossevelt của Hải quân Mỹ khi tàu này lên đường đến vùng Biển Đông ở ngoài khơi Malaysia.

Chuyến đi chớp nhoáng của hai ông Carter và Hussein sẽ diễn ra vài ngày sau sự kiện Mỹ hiện thực hóa tuyên bố tuần tra Biển Đông bằng cách cho tàu khu trục USS Lassen lượn vào vùng 12 hải lý quanh bãi đá Su Bi – một trong các thực thể ngập nước đã bị Trung Quốc chiếm đóng và đảo hóa trái phép ở quần đảo Trường Sa.

Bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố việc điều động chiến hạm này là một cuộc diễn tập thường kỳ nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế.

Vụ tranh chấp này đã làm lu mờ các cuộc họp trong 2 ngày vừa qua (3-4/11) tại Kuala Lumpur, Malaysia, giữa các bộ trưởng quốc phòng ASEAN với sự tham dự của ông Carter và các đối tác của Trung Quốc, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Các vị bộ trưởng đã không đưa ra được một Tuyên bố chung như thường lệ vào cuối diễn đàn, do bất đồng về ngôn từ được sử dụng để đề cập đến vấn đề Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố: “Tôi không trông đợi là tất cả mọi người sẽ đồng ý về Biển Đông hay bất cứ vấn đề nào khác. Đó là lý do để diễn đàn này thảo luận các vấn đề, vì thế tôi không trông đợi sẽ có thỏa thuận ở đó. Còn về Tuyên bố chung, đó là điều mà các thành viên ASEAN phải thảo luận. Rõ ràng họ đã không đi đến được sự đồng thuận và điều đó phản ánh trong cuộc đối thoại về các hoạt động ở Biển Đông.”

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng họ cảm thấy tiếc về việc không có tuyên bố chung được đưa ra. Tuy nhiên, Bắc Kinh đổ lỗi cho “một số nước” bên ngoài Ðông Nam Á phải chịu trách nhiệm về việc hủy văn kiện đó.

Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc ngưng hoạt động xây dựng, cải tạo trên Biển Đông và mô tả hoạt động đó là gây bất ổn trong khu vực.  Trong khi đó, Bắc Kinh bao biện rằng việc xây dựng là một nỗ lực hòa bình, nhằm hỗ trợ cho tàu bè qua lại tuyến đường biển huyết mạch này.

RELATED ARTICLES

Tin mới