Monday, September 9, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiLao động Việt và nguy cơ thất nghiệp khi vào TPP

Lao động Việt và nguy cơ thất nghiệp khi vào TPP

Lực lượng lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp,  sức ép cạnh tranh có thể khiến nhiều doanh nghiệp phá sản… là những rủi ro với về việc làm tại Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Lao động và việc làm là một trong những vấn đề nóng khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế – Luật (Đại học quốc gia TP HCM), đây là thách thức lớn với kinh tế Việt Nam

Khi TPP có hiệu lực , cơ hội tiếp cận của hàng hóa có hàng hoá có xuất xử Việt Nam đứng trước cơ hội tiếp cận các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Canada… với thuế nhập khẩu bằng 0%. Kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, TPP sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là từ các tập đoàn lớn.

Nếu biết tận dụng thời cơ này, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu.

TPP cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực như: may mặc, giầy da, thủy hải sản, lắp ráp thiết bị điện tử …

Trong xu thế hội nhập và chiều hướng phát triển hiện nay, khi gia nhập TPP, với tầm nhìn lâu dài và tổng thể, tiền lương và thu nhập của người lao động có xu hướng được cải thiện tốt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên cũng có không ít thách thức. Trong số các hiệp định thương mại tự do, TPP có chứa đựng nhiều nội dung không trực tiếp, nhưng có liên quan đến thương mại như quyền của người lao động, các tổ chức xã hội, tiêu chuẩn lao động, tự do thành lập và hoạt động của hiệp hội – công đoàn …

Đây là hiệp định đòi hỏi các quốc gia khi tham gia phải có những điều chỉnh chính sách phù hợp, đặc biệt là sửa đổi hệ thống pháp luật lao động – công đoàn trong nước. Những yêu cầu này về cơ bản, có điểm hiện chưa hoàn toàn phù hợp với thực trạng ở Việt Nam.

Thứ nhất là vấn đề việc làm và thu nhập của người lao động. Bên cạnh những tác động tích cực thì vấn đề tự do hóa thương mại của TPP cũng sẽ làm cho một bộ phận lao động mất việc do các doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh, dẫn đến phải thu hẹp sản xuất thậm chí giải thể, phá sản. Vì vậy, trước mắt khi tham gia TPP, lao động Việt Nam có thể phải chịu những bất lợi sau đây.

Đầu tiên là cùng với mở cửa thị trường, hàng hóa của các nước đặc biệt là hàng tiêu dùng sẽ nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng ngày càng lớn và đa dạng. Hàng nhập khẩu với nhiều ưu thế về chất lượng, giá cả và tâm lý thích dùng hàng ngoại của người Việt sẽ rất dễ chiếm lĩnh thị trường. Tình trạng này khiến doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, phải thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại, thu hẹp sản xuất, phá sản dẫn đến lao động trong các doanh nghiệp đó bị mất việc làm.

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tham gia TPP sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ di chuyển lao động từ nông thôn tới thành phố và các khu công nghiệp. Sức ép về việc làm ở các khu đô thị sẽ tăng lên. Vấn đề mất cân bằng giữa cung và cầu lao động có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng cao.

Ngoài ra, nguồn nhân lực của Việt Nam trẻ và dồi dào nhưng trình độ chuyên môn
kỹ thuật thấp. Năm 2013, lực lượng lao động qua đào tạo chiếm gần 18%. Năm 2015, tỷ lệ này là 19,5%. Điều này có thể gây thất nghiệp cao khi các ngành nghề phát triển mạnh nhờ TPP và đồi hỏi yêu cầu cao về chất lượng lao động. Bên cạnh đó, lao động từ các nước láng giềng có thể là sự cạnh tranh gay gắt cho Việt Nam khi mà Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành.

Thứ hai, về thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về lao động. Khi tham gia TPP, ngoài việc phải áp dụng các tiêu chuẩn về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các quốc gia thuộc TPP sẽ phải áp dụng nhiều tiêu chuẩn cao hơn nữa. Trong đó, đáng lưu ý là “đảm bảo các điều kiện lao động chấp nhận được” gồm tiền công tối thiểu, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em.

Về cơ bản, pháp luật Việt Nam hiện nay đã có những quy định cụ thể về tiền công tối thiểu, thời gian làm việc và an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em. Nhưng hiệu quả thực tế của những chuẩn mực này vẫn còn nhiều điểm chưa đáp ứng được yêu cầu theo TPP. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% từ các nước thành viên nếu không cải thiện các tiêu chuẩn này.

Thu nhập của người lao động Việt Nam nhìn chung còn thấp; lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tối thiểu và khoảng 80% lao động Việt Nam không có tích lũy hoặc chỉ có mức tích lũy dưới 2 triệu đồng một người mỗi tháng.

Tính chung 9 tháng năm 2015, cả nước có gần 228.000 lượt hộ thiếu đói, tương ứng với gần 939.000 lượt nhân khẩu thiếu đói. Mức lương tối thiểu tại Việt Nam hiện nay theo nhiều đánh giá vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu và tích lũy tiết kiệm tối thiểu.

Thời gian làm việc tại một số doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề tăng ca quá mức tại các doanh nghiệp dệt may và trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn thường xuyên diễn ra. Trong khi dệt may và nông nghiệp là những lĩnh vực dự báo sẽ được hưởng lợi rất lớn khi Việt Nam tham gia vào TPP.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nước khi gia công hay hợp tác sản xuất với nước ngoài đã đáp ứng tiêu chuẩn lao động cao (như tiêu chuẩn sạch, xanh, trách nhiệm xã hội). Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại đa số các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa được đảm bảo. Các trang thiết bị, công cụ bảo hộ an toàn cho người lao động còn thiếu thốn, chế tài xử phạt của nhà nước đối với các doanh nghiệp vi phạm an toàn, vệ sinh lao động chưa có tính răn đe cao.

Để có được thành công từ TPP, Việt Nam sẽ phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Theo đó, nước ta cần có những điều chỉnh cần thiết và chủ động hơn trong việc đẩy mạnh chất lượng nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất khi TPP có tác động thúc đẩy xuất khẩu.

RELATED ARTICLES

Tin mới