Friday, April 19, 2024
Trang chủĐiểm tin“Xin” 7.000 tỉ đồng vì nộp ngân sách lớn

“Xin” 7.000 tỉ đồng vì nộp ngân sách lớn

Lại rộ lên chuyện UBND TP Hải Phòng sẽ xây dựng hạ tầng khu trung tâm hành chính với số tiền 10.000 tỉ đồng trong đó xin ngân sách gần 7000 tỉ đồng.

Trong khi nguồn ngân sách đang eo hẹp, phải đi vay để trả nợ công đến hạn, mấy ngày qua dư luận cả nước lại rộ lên chuyện UBND TP Hải Phòng trình đề án xây dựng hạ tầng khu trung tâm hành chính – chính trị với số vốn lên đến 10.000 tỉ đồng.

Dự kiến nguồn vốn này sẽ lấy từ đâu? 

Ông Lê Khắc Nam – phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng – khẳng định đây là dự án xây dựng hạ tầng cho toàn bộ khu trung tâm hành chính-chính trị mới Bắc sông Cấm.

Trung tâm hành chính chỉ là một hạng mục

Ông Nam cho biết toàn bộ đề án có vốn gần 10.000 tỉ đồng. Nguồn vốn dự kiến xin ngân sách trung ương 6.854 tỉ đồng, ngân sách TP và các nguồn vốn hợp pháp khác là 3.039 tỉ, hiện UBND TP vừa trình Chính phủ duyệt.

Tổng diện tích toàn bộ dự án khoảng 324ha, trong đó đất xây trụ sở hành chính chính trị hơn 30ha và là một hạng mục nằm trong khu trung tâm hành chính – chính trị Bắc sông Cấm.

“Hiểu cho đúng hơn thì diện tích hơn 300ha để xây khu đô thị, khu nhà trụ sở hành chính công, khu dân cư, khu trung tâm thương mại… nằm trong đề án có tên gọi chung là khu trung tâm hành chính – chính trị Bắc sông Cấm. Và số tiền 10.000 tỉ đồng cho dự án xây dựng hạ tầng mới trong giai đoạn tiền khả thi, TP mới chỉ là đề xuất để Chính phủ và các bộ ngành xem xét” – ông Nam nói.

Theo quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000, khu vực quy hoạch khu trung tâm hành chính – chính trị mới Bắc sông Cấm gồm một phần các xã Tân Dương, Dương Quan và Hoa Động (huyện Thủy Nguyên).

Ông Dương Ngọc Tuấn, giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư TP Hải Phòng, cho biết quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2025 có từ năm 2003, trong đó có mục xây dựng khu đô thị, trung tâm hành chính chính trị tại phía bắc sông Cấm.

Đến năm 2009, điều chỉnh quy hoạch này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo lộ trình, trong năm 2016 sẽ xây dựng hạ tầng, do vậy Hải Phòng có dự án thực hiện các hạng mục chính gồm: đường giao thông; nguồn cấp điện; hệ thống cấp nước, thoát nước mưa, nước thải… “Không ai xây trụ sở mà mất những 10.000 tỉ đồng.

Hiện chưa có đề án riêng cho khu hành chính vì phải làm hạ tầng thì mới có khu đô thị mới và mới có thể di chuyển được trung tâm hành chính.

Đây là dự toán để xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản về giao thông, hệ thống cấp thoát nước… cho toàn bộ khu trung tâm hành chính chứ chưa hề có xây công trình” – ông Tuấn nói.

“Tính cho 
vài trăm năm tới”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Quốc Thái – phó giám đốc Sở Xây dựng TP Hải Phòng – cho rằng quy hoạch khu trung tâm hành chính – chính trị mới Bắc sông Cấm là “cho tương lai phát triển cả vài trăm năm tới”.

Hiện tại, các trụ sở hành chính của Hải Phòng nằm rải rác, theo xu thế phát triển thì sẽ phải nằm tập trung trong một khu vực.

“Việc xây dựng khu đô thị, di chuyển trung tâm hành chính sang phía bắc sông Cấm là cần thiết bởi cơ sở hạ tầng hiện tại sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển, đô thị hóa trong khoảng 10 – 20 năm tới” – ông Thái giải thích.

Theo ông Dương Ngọc Tuấn, hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới trong giai đoạn tiền khả thi, số tiền để thực hiện dự án mới đề xuất để Chính phủ và các bộ ngành xem xét.

Về cơ sở để “xin” ngân sách trung ương số tiền lên đến 6.800 tỉ đồng, ông Tuấn cho rằng Hải Phòng là một trong những địa phương đóng góp ngân sách rất lớn nhưng đầu tư lại quá nhỏ bé. TP đề xuất Chính phủ duyệt mức trên nhưng không phải chi dồn một cục mà sẽ chi trong năm năm theo tiến độ dự án.

“Dự án lớn như vậy, có sự đầu tư từ nguồn lực trung ương thì phải chờ Chính phủ duyệt. Trung ương sẽ dựa trên cơ sở chung cả nước, nhu cầu chi cụ thể rồi mới duyệt” – ông Tuấn nói.

Về số tiền 3.000 tỉ đồng mà Hải Phòng phải bỏ ra, theo ông Tuấn, sẽ lấy chính từ nguồn ngân sách. Số tiền này chủ yếu để chi cho giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống cấp thoát nước…

“TP sẽ có kế hoạch thu và chi trung hạn cụ thể để cân đối, ngoài ra có các nguồn thu hợp pháp khác như xã hội hóa theo hình thức BT (đầu tư – chuyển giao). Theo dự tính, tổng thu nội địa của Hải Phòng năm 2015 vọt lên khoảng 12.000 tỉ đồng và sẽ tăng trong những năm tới, như vậy phương án TP bỏ ra 3.000 tỉ đồng là khả thi” – ông Tuấn phân tích.

Về vấn đề có lãng phí hay không khi các trụ sở hành chính hiện tại vẫn sử dụng được, ông Võ Quốc Thái giải thích: “Các trụ sở hành chính, chính trị của Hải Phòng nằm rải rác như xôi đỗ sẽ không phù hợp cho nhu cầu phát triển. Khi di chuyển sang vị trí mới, các trụ sở cũ sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc bán đi lấy tiền đầu tư cho xây dựng trụ sở mới”.

RELATED ARTICLES

Tin mới