Friday, March 29, 2024
Trang chủQuân sựĐằng sau cái bắt tay lịch sử Tập Cận Bình - Mã...

Đằng sau cái bắt tay lịch sử Tập Cận Bình – Mã Anh Cửu

Lập trường mềm mại của Chủ tịch Tập Cận Bình với Đài Loan chỉ là chiến thuật, nhưng ít nhất Trung Quốc đã tìm thấy một sự thay thế cho chiến lược thể hiện sức mạnh vốn quá lỗi thời nhằm gây áp lực lên các nước láng giềng của mình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay lãnh đạo chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) Mã Anh Cửu (trái). Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ “The Australian” ngày 9/11 đã đăng bài viết của nhà bình luận quốc tế Greg Sheridan về cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu hôm 7/11 tại Singapore.

Bài viết nhận định: Mặc dù hai bên không đạt được bước đột phá lớn nào ngoài việc đồng ý thiết lập một đường dây nóng để quản lý khủng hoảng giữa hai bờ Eo biển Đài Loan, song đây vẫn là một cuộc gặp thượng đỉnh mang tính lịch sử vì kể từ sau năm 1949, lãnh đạo của Trung Quốc và Đài Loan chưa từng gặp mặt hay bắt tay nhau.

Theo nhà bình luận quốc tế Greg Sheridan, cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình-Mã Anh Cửu dường như là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hậu thuẫn Quốc Dân đảng thu hút phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống và viện lập pháp ở Đài Loan vào đầu năm 2016. Ngoài việc đồng ý rằng Đài Loan có thể tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á do Bắc Kinh khởi xướng thành lập, ông Tập Cận Bình còn có một số nhượng bộ với ông Mã Anh Cửu.

Nhà bình luận quốc tế Greg Sheridan nhận định: cuộc gặp thượng đỉnh này cho thấy những dịch chuyển lớn về quyền lực ở châu Á: Một là, căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan đang ở điểm thấp chưa từng có và khu vực hài lòng với việc này. Hai là, Trung Quốc – chứ không phải Mỹ – hiện là nhân tố bên ngoài tham gia đáng kể vào nền chính trị của Đài Loan. Ảnh hưởng của Mỹ tại Đài Loan đã suy giảm.

Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, bình luận về cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mã Anh Cửu, báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây đã đăng bài xã luận có tựa đề “Trung Quốc-Đài Loan xích lại gần nhau” với nhận định: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng minh sự tự tin ngày càng tăng khi thể hiện là nhà lãnh đạo ưa mạo hiểm, đặc biệt là trong vấn đề đối ngoại. Quyết định gặp Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu của ông Tập Cận Bình là ví dụ mới nhất về quyết tâm của nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ can dự vào các quyết định chính trị quan trọng. Các nước láng giềng của Trung Quốc, bao gồm cả các nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đang theo dõi chặt chẽ các bước đi của ông Tập Cận Bình với Đài Loan bởi cách ông xử lý quan hệ với hòn đảo này sẽ phản ánh cách ông xử lý quan hệ với các nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông.

Báo “Bưu điện Jakarta” cho rằng nhìn chung, nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đã “tự hạ thấp mình” khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mã Anh Cửu ở một nước thứ ba. Có thể, ông Tập Cận Bình biết rõ rằng không nên vội vàng thống nhất hai bờ Eo biển Đài Loan bởi vì về mặt thương mại và đầu tư, quan hệ giữa hai bên đang rất gần gũi. Dường như ông Tập Cận Bình chỉ muốn “cung cấp sức mạnh chính trị” cho ông Mã Anh Cửu để thuyết phục các bên liên quan ở Đài Loan rằng ông Mã Anh Cửu đang có một vị trí bình đẳng với Chủ tịch Trung Quốc. Đây là một nước cờ chiến lược của ông Tập Cận Bình bởi Đài Loan sẽ tổ chức bầu cử tổng thống và viện lập pháp vào tháng 1/2016, trong bối cảnh Quốc Dân đảng của ông Mã Anh Cửu đang bị yếu thế so với các đảng có xu hướng ủng hộ tự do như Đảng Dân Tiến.

Báo “Bưu điện Jakarta” khẳng định: Lập trường mềm mại của Chủ tịch Tập Cận Bình với Đài Loan chỉ là chiến thuật, nhưng ít nhất Trung Quốc đã tìm thấy một sự thay thế cho chiến lược thể hiện sức mạnh vốn quá lỗi thời nhằm gây áp lực lên các nước láng giềng của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới