Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiSamsung không được thêm ưu đãi: Xóa tiền lệ xấu

Samsung không được thêm ưu đãi: Xóa tiền lệ xấu

Các chuyên gia kinh tế đều đánh giá cao động thái của Bộ Tài chính khi thẳng thắn từ chối hàng loạt đề xuất ưu đãi vượt khung của Samsung.

Làm đúng

Trong kiến nghị gửi Bộ Tài chính, Samsung đề xuất, các dự án đang thực hiện được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm. Riêng dự án đầu tư tại Bắc Ninh, công ty này đề nghị được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Samsung cũng kiến nghị được áp dụng bổ sung 3 năm giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết những kiến nghị trên vượt khung hoặc không quy định trong luật hiện tại.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, động thái của Bộ Tài chính đã cho thấy một điều rõ ràng rằng, ngân sách Nhà nước bây giờ đã quá eo hẹp, không thể miễn, hoãn thuế quá nhiều cho doanh nghiệp FDI.

“Samsung đã được ưu đãi hết cỡ rồi, thậm chí nhiều người còn nói, chỉ thiếu nước cấp ngân sách cho Samsung để họ trả lương. Việt Nam cũng đã có luật rồi.  Miễn, hoãn gì nữa? Cứ theo luật mà làm. Bây giờ Samsung còn có kiểu nay tỉnh này mai đi tỉnh khác, lại ưu đãi nữa thì là dại dột. Thành tích sản lượng công nghiệp tăng lên nhưng Việt Nam nhận được gì?”.

Trong khi đó, PGS.TS Phương Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM không tỏ ra bất ngờ trước động thái của Bộ Tài chính. Ông cho rằng, Bộ Tài chính bác bỏ những ưu đãi vượt khung của Samsung là đúng, chấp hành đúng quy định trong luật.

“Hiện nay chính sách của Việt Nam ưu đãi đầu tư nước ngoài FDI quá mức, nền kinh tế Việt Nam hiện đang ghi nhận hiện tượng các doanh nghiệp tư nhân nội địa, chịu thiệt thòi hơn các doanh nghiệp FDI”, ông nói.

PGS.TS Phương Ngọc Thạch cũng tin rằng, động thái từ chối của Bộ Tài chính trước đề nghị của Samsung mở ra khả năng đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài trong cạnh tranh.

“Thực tế trên thế giới cho thấy ở các nước đang phát triển thời kỳ đầu trong khi nguồn vốn trong nước hạn chế thì nguồn vốn nước ngoài đóng vai trò quan trọng, sau đó nền kinh tế phải được dẫn dắt bởi những doanh nghiệp nội địa mới đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài. Việt Nam phải đặt ưu tiên việc hình thành và nuôi dưỡng doanh nghiệp nội địa mạnh, vì thế theo tôi hạn chế “quyền mặc cả” của FDI, cụ thể ở đây là Samsung do doanh nghiệp này xin ưu đãi quá nhiều sẽ mở ra khả năng biến đề xuất hạn chế ưu đãi FDI thành hiện thực”.

Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Sĩ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính chỉ ra cái khó khi thực hiện việc hạn chế quyền mặc cả của doanh nghiệp FDI.

Theo đó, khi phân cấp ngân sách cho các địa phương, để tăng thu cho mình các địa phương bao giờ cũng muốn doanh nghiệp đầu tư vào. Vì thế, nhiều khi nó dẫn đến tình trạng “tiền trảm hậu tấu”, các địa phương đã cho ưu đãi doanh nghiệp rồi. Khi doanh nghiệp đã được ưu đãi thì nó sẽ tạo ra tiền lệ xấu và Bộ Tài chính đã làm rất tốt để đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật, cái gì pháp luật cho phép thì doanh nghiệp hưởng, hết mức ưu đãi rồi thì thôi, không có trường hợp ngoại lệ.

“Tôi nghĩ, về dài hạn, vấn đề là ở các địa phương hơn là liên quan đến Trung ương. Bản thân các địa phương phải đối mặt với việc muốn có nguồn thu nhiều hơn, tạo việc làm, tăng trưởng thì sẽ ưu đãi doanh nghiệp nhưng nó có thể cố lợi cho một vài địa phương còn xét về tổng thể nền kinh tế điều đó chưa chắc đã có lợi”, ông Cường chia sẻ.

Đừng nghĩ không ưu đãi nữa doanh nghiệp sẽ bỏ đi

Theo PGS.TS Vũ Sĩ Cường, khi các doanh nghiệp FDI quyết định vào Việt Nam họ đã phải nghiên cứu kỹ càng.

“Họ đã biết kể cả có ưu đãi hay không, khi đã quyết định vào thì không phải chỉ vì cái đó. Ưu đãi thuế chỉ là một phần, còn doanh nghiệp phải nghiên cứu nhiều thứ khác trước khi đưa ra quyết định có đầu tư hay không. Tuy nhiên, khi mặc cả, Việt Nam càng lùi thì họ càng tiến bởi như thế càng có lợi. Việc đàm phán là một câu chuyện đòi hỏi vừa cương quyết vừa khôn khéo. Việt Nam cần có sự khéo léo trong đàm phán, đừng nghĩ rằng nếu chúng ta không ưu đãi thì họ sẽ bỏ đi”.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới