Sunday, October 13, 2024
Trang chủĐiểm tinMất sử là mất nước

Mất sử là mất nước

Dư luận xã hội, báo chí và cư dân mạng đang bàn tán xôn xao việc sắp tới ngành giáo dục sẽ tích hợp môn Sử như là môn tự chọn thay vì độc lập.

 
Hầu hết ý kiến đều bày tỏ sự hoài nghi, lo lắng. Đang là môn độc lập, bắt buộc nhưng chất lượng dạy và học môn Sử đã báo động đỏ. Hàng ngàn sinh viên bị điểm liệt môn Sử trong các kỳ thi vẫn chưa đủ cảnh tỉnh những ai, cả vô tình và cố ý, đang xem thường môn Sử.
 
Có ý kiến đồng tình và so sánh với giáo dục Mỹ và Singapore. Xin thưa, nước Mỹ mới hình thành 239 năm (1776) còn Singapore mới 50 năm (1965) thì họ học thế nào chẳng được. Còn Việt Nam chí ít cũng trên dưới 2.000 năm. Một sự so sánh khập khiễng đến buồn cười. Sao không so sánh với Pháp? Sinh viên, cả trong nước lẫn nước ngoài; muốn theo học ngành y của Pháp, bắt buộc phải vượt qua môn “Lịch sử và văn minh nước Pháp”. Nhiều sinh viên nước ngoài, trong đó có Việt Nam, rất trầy trật mới vượt qua được cửa ải này, thậm chí phải chuyển ngành học.
 
Năm 1986, Thành đoàn đón đoàn con tàu Hòa Bình (Peace Boat) của Nhật Bản với nhiều hoạt động, trong đó có tham quan địa đạo Củ Chi, gặp gỡ và giao lưu với các du kích năm xưa. Phần giao lưu sôi nổi với những hỏi đáp thú vị. Ông Mười Nguyên, chỉ huy du kích năm xưa kể chuyện chiến đấu cực kỳ gian khổ. Tất cả phải chui xuống đất sống như giun dế. Mọi sinh hoạt đều thiếu thốn, kể cả không khí để thở, nhưng ai cũng tin vào thắng lợi cuối cùng. Vẫn yêu nhau, sinh con đẻ cái và học hành dưới lòng đất. “Trong điều kiện ngặt nghèo như vậy, các ông dạy những gì cho học sinh?”. Một giáo sư khả kính tò mò. “Gọi là trường chứ thật ra chỉ những lớp nhỏ, luân phiên. Chúng tôi chỉ có thể dạy con cháu mình 3 môn. Văn để học làm người. Toán để biết khoa học. Và Sử để hiểu nguồn cội, để truyền cho nhau và cho con cháu niềm tin sắt đá – Bất cứ kẻ thù nào, dù hung bạo tàn độc đến đâu, tới xâm lược đất nước này; trước sau cũng thảm bại. Nhờ niềm tin đó, chúng tôi đã chiến thắng như cha ông mình từng chiến thắng”. Cả hội trường vỗ tay vang dội. Các giáo sư Nhật gật gù, tâm đắc, còn tôi mắt cay xè.
 
Năm 1987, tôi được Thành đoàn cử đi tu nghiệp, nghiên cứu về Giáo dục của Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức). Tôi đã phát hoảng thật sự khi phát hiện ra “Đông Đức gần như không dạy lịch sử nước Đức. Chỉ dạy lịch sử nước Đức cách mạng từ 1945”. Trong khi Cộng hòa Liên bang Đức dạy lịch sử rất căn cơ, từ thời cổ đại. Đây là khiếm khuyết chết người của Đông Âu và cả hệ thống Xã hội Chủ nghĩa trước đây, rất xem thường lịch sử. Cái chết đã được báo trước. Hai năm sau, Đông Đức và cả Đông Âu sụp đổ, sau đó là Liên bang Xô Viết tan rã. Trong nhiều nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống, chắc chắn có việc phủ nhận lịch sử của cha ông.
Trở về từ Đông Đức, tôi và các đồng nghiệp đã lập tức khởi xướng phong trào “Về nguồn”. Sau đó còn nhấn mạnh thêm “Về với cội nguồn dân tộc” cho thanh thiếu nhi thành phố. May mắn là đất nước kịp đổi mới. Việc dạy và học môn Sử có nhiều chấn chỉnh và sửa đổi nhưng vẫn chưa đủ. Bao nhiêu bài học tuyệt vời về đối nhân xử thế, về cách dùng người, về bang giao quốc tế… đều được cha ông tinh tế truyền lại trong môn Sử. Khi quân dân Đại Việt đánh bại 3 cuộc xâm lược của đế quốc Mông Cổ (1258, 1285, 1288), cả thế giới rúng động. Thiên hạ có kẻ cảm thán “Nếu Đại Việt ở phương Bắc thì vó ngựa Mông Cổ không thể giẫm nát châu Âu. Nếu Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sinh ra ở nhà Tống, thì người Trung Quốc không bị quân Nguyên đô hộ cả trăm năm”.
 
Xã hội hỗn loạn, đạo đức nhiễu nhương, nhiều người Việt đớn hèn làm nhục quốc tế phải chăng có một phần nguyên nhân từ việc dạy và học sử? Không phải tự nhiên mà quân Minh khi xâm lược Việt Nam (1406 – 1427) đã thực hiện triệt để việc diệt chủng văn hóa, xóa bỏ lịch sử Đại Việt. Lịch sử nhá nhem thì dễ bề cai trị. Lịch sử không còn thì đất nước trước sau cũng hư vô. Bài học nhãn tiền bằng máu của rất nhiều dân tộc – MẤT SỬ LÀ MẤT NƯỚC.
RELATED ARTICLES

Tin mới