Saturday, October 5, 2024
Trang chủĐiểm tinHàng nhái từ TQ ồ ạt vào Việt Nam

Hàng nhái từ TQ ồ ạt vào Việt Nam

Theo ông Nguyễn Công San – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản thị trường Hà Nội, hiện tượng hàng giả, hàng nhái vẫn đang hoành hành trên thị trường. Nhiều vụ hàng giả sản xuất tại Trung Quốc, nhái các thương hiệu nổi tiếng như quần áo, giày dép Nilke, Adidas; đồ thời trang LV, Gucci, điện thoại di động Samsung, Apple… đã bị bắt giữ.

Hàng nhái, hàng giả từ TQ tràn vào Việt Nam không kiểm soát nổi

Đối tượng buôn hàng giả, hàng nhái vô cùng tinh vi

Tại Hội thảo “Chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu trong hội nhập AFTA và TPP”, ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường – Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan, Cục Quản lý thị trường cả nước đã tổ chức kiểm tra, xử lý nhiều vụ vi phạm về Sở hữu trí tuệ, tuy nhiên tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống người dân.

Theo ông Lam, các mặt hàng làm giả nổi cộm là những hàng hoá thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng như thực phẩm mì chính, bánh mứt kẹo, đồ uống, thực phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm chức năng, vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi), dược phẩm, hàng hoá tiêu dùng, đồ điện gia dụng, vật liệu xây dựng… Thậm chí, các đối tượng vi phạm thường làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng hoặc làm theo đơn đặt hàng, sản xuất với số lượng nhỏ và làm đến đâu tiêu thụ đến đó. “Vấn đề nhức nhối hiện này là cứ một mặt hàng có thương hiệu được đưa ra thị trường, thì ngay ngày hôm sau đã có hàng giả, nhái y như thật” – ông Lam nói.

Chia sẻ về phương thức, thủ đoạn của đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường cho biết, sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được tổ chức khép kín, ngụy trang hàng giả, hàng nhái trong bao bì hàng thật nên khó phát hiện. Thậm chí, tại khu vực nông thôn, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nhà ở, trong thôn xóm để dễ tẩu tán tang vật nếu bị phát hiện, kiểm tra. Nếu có đoàn kiểm tra thì dừng sản xuất, dừng kinh doanh để chống đối.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Công San – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản thị trường Hà Nội cho biết, hiện tượng “nội địa hoá” bằng phương thức nhập linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, rồi gắn nhãn mác thành phẩm xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đang diễn ra khá phổ biến.

Dẫn chứng về vấn đề này, ông San cho biết, thời gian vừa qua, Quản lý thị trường Hà Nội đã bắt được nhiều vụ hàng giả được sản xuất tại Trung Quốc làm nhái các thương hiệu nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng như quần áo, giày dép Nilke, Adidas, đồ thời trang LV, Gucci, nước hoa, thậm chí cả điện thoại di động Samsung, Apple…  thẩm lậu vào Việt Nam bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch.

Chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe

Mặc dù hàng giả, hàng nhái đang được xem là vấn nạn của toàn xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, cũng như nguồn thu ngân sách, tuy nhiên, chế tài xử phạt tình trạng này vẫn khá lỏng lẽo và chưa đủ sức răn đe.

Ông Trần Hùng – Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến và địa bàn cả nước đang có nhiều diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn, mức độ vi phạm ngày càng tinh vi. Đặc biệt, các đối tượng, đường dây ổ nhóm liên quan đến buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên tuyến biên giới phía Bắc. Trong đó nổi trội là các mặt hàng cấm, có thuế suất tiêu thụ đặc biệt cao hoặc các mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm, ma túy, pháp lậu, thuốc nổ…

“Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên của tất cả các Bộ, Ngành, chính quyền địa phương các cấp và phải tập trung đấu tranh trên cả ba lĩnh vực gồm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này”, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Thanh Lam, vấn đề khó khăn và vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc đẩy lùi hàng giả, hàng nhái là các chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa đủ răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính. Đáng chú ý, chức năng nhiệm vụ có chỗ giao thoa chồng chéo, cơ chế phối hợp có lúc, có nơi vẫn chưa được đồng bộ, chặt chẽ, lực lượng phân tán, hoạt động rời rạc.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Lam cho rằng, trong thời gian tới cần xây dựng các đơn vị chuyên trách phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ trung ương tới địa phương. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế chính sách. Đặc biệt, cần có chính sách phân bổ ngân sách để các lực lượng thực thi có kinh phí để trang trải chi phí, trang thiết bị trong công tác thực thi phòng chống hàng giả.

RELATED ARTICLES

Tin mới