Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngIndonesia tuyên bố sẽ kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp...

Indonesia tuyên bố sẽ kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông

Ngày 11/11/2015, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống kiêm Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh của Indonesia, ông Luhut Panjaitan nói với phóng viên là Indonesia có thể kiện Trung Quốc ra một cơ quan tài phán quốc tế nếu yêu sách của Trung Quốc chiếm đa phần Biển Đông và một phần lãnh thổ của Indonesia không được giải quyết thông qua đối thoại.

Theo ông Luhut, “chúng tôi đang làm việc rất tích cực về vấn đề này. Chúng tôi đang tiếp cận với Trung Quốc. Chúng tôi muốn thấy một giải pháp về vấn đề này trong một tương lai gần thông qua đối thoại hoặc chúng tôi có thể đưa vụ việc ra Tòa án hình sự quốc tế”[1]. Hãng Reuters cho rằng mặc dù ông Luhut đề cập trực tiếp đến Tòa án hình sự quốc tế, song có thể ông này muốn nói tới một cơ quan tài phán quốc tế như là Tòa trọng tài thường trực[2].

Tuyên bố của Bộ trưởng đặc trách Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia là lời cảnh tỉnh mới nhất cho các tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tại sao, Indonesia, một quốc gia trong một thời gian dài, đóng vai trò trung lập trong tranh chấp ở khu vực Biển Đông lại phải lên tiếng về việc kiện Trung Quốc vào thời điểm này? Dưới đây chúng ta cùng tìm cách lý giải tuyên bố trên của phía Indonesia.

1. Như chúng ta đã biết, Indonesia là một quốc gia quần đảo với trên 17 nghìn hòn đảo lớn nhỏ và có một phần nằm trong khu vực Biển Đông. Theo quy định của Công ước Luật biển 1982, là quốc gia quần đảo, Indonesia có quyền yêu sách các vùng biển được tính từ đường cơ sở thẳng quần đảo được xác định bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo với những điều kiện nhất định[3].

Natuna là quần đảo cực Bắc của Indonesia, thuộc tỉnh Riau, ở Biển Đông, bao gồm 27 đảo với số dân khoảng 10 nghìn người, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá và nông nghiệp và hoàn toàn thuộc chủ quyền của Indonesia, không có tranh chấp và được xác định là điểm cơ sở của đường cơ sở quốc gia quần đảo của mình[4].

Theo quy định của Công ước Luật Biển 1982, trong khu vực Biển Đông, Indonesia chỉ có vùng biển chồng lấn với Malaysia và Việt Nam. Cho đến nay, Indonesia đã ký Hiệp định phân định vùng thềm lục địa chồng lấn với Malaysia năm 1969 và Việt Nam năm 2003. Ngoài ra, Indonesia cũng ký Hiệp định phân định vùng biển giữa Indonesia và Singapore, cũng như Indonesia và Malaysia trong eo biển Singapore và Malacca. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc tìm mọi cách hiện thực hóa yêu sách theo đường lưỡi bò của mình, quần đảo Natuna đã bị đưa vào phạm vi đường lưỡi bò. Trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal (WSJ), tháng 4/2014, Tư lệnh quân đội Indonesia, tướng Moeldoko tỏ thái độ “Indonesia bất ngờ là Trung Quốc đã gộp các phần của đảo Natuna vào phạm vi đường yêu sách 9 đoạn của mình, do đó, rõ ràng đã yêu sách một phần lãnh thổ của tỉnh Riau làm lãnh thổ của họ”[5]. Còn theo tính toán của Mỹ, đoạn thứ 3 trong đường yêu sách yêu sách lưỡi bò cách điểm gần nhất của đảo Sekatung, thuộc quần đảo Natuna của Indonesia 75 hải lý[6], tức là chồng lấn với vùng biển của Indonesia ở khu vực này.

2. Trong nhiều năm qua, Indonesia đã nhiều lần yêu cầu phía Trung Quốc phải giải thích rõ yêu sách theo đường lưỡi bò, song phía Trung Quốc không đưa ra bất cứ một lời giải thích nào. Đứng trước tình cảnh này, đặc biệt sau khi Trung Quốc chính thức nêu yêu sách đường lưỡi bò tại Liên hợp quốc, ngày 8/7/2010, Indonesia đã cho lưu hành công hàm tại Liên hợp quốc về yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Công hàm của Indonesia khẳng định rõ đường yêu sách của Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý quốc tế rõ ràng và được cho là làm ảnh hưởng tới Công ước Luật Biển 1982.[7] Đồng thời, Indonesia cũng tỏ thái độ dứt khoát, không chấp nhận yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông theo đường lưỡi bò. Tổng thống Joko Widodo, tuyên bố trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 3 vừa qua là “đường chín đoạn mà Trung Quốc nói đánh dấu ranh giới trên biển của mình là không có cơ sử theo bất cứ tiêu chuẩn luật pháp quốc tế nào”.[8] Quan điểm này đã được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Armanatha Nasir khẳng định lại sau phát biểu của Bộ trưởng Luhut “quan điểm của Indonesia vào thời điểm này là rất rõ ràng, chúng tôi không công nhận đường chín đoạn vì nó không phù hợp với luật pháp quốc tế”.[9]

3. Cho dù không phải là một bên tranh chấp trực tiếp ở khu vực Biển Đông, song phát huy vai trò “anh cả” trong ASEAN, Indonesia đã có nhiều đóng góp tích cực vào vấn đề giải quyết vấn đề Biển Đông. Ngay từ những năm 1990 của thế kỷ trước, Indonesia đã khởi xướng và duy trì đều đặn cho tới nay Hội thảo thường niên về khống chế xung đột tiềm tàng ở khu vực Biển Đông (Hội thảo Biển Đông). Hội thảo Biển Đông đề ra nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin, các biện pháp hợp tác, kể cả việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc[10]. Năm 2012, khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, lần đầu tiên không ra được Tuyên bố chung do chủ nhà Campuchia, dưới sức ép của Trung Quốc, tìm cách loại bỏ nội dung về Biển Đông ra khỏi Tuyên bố chung, Ngoại trưởng Indonesia đã thực hiện chiến dịch ngoại giao con thoi, thuyết phục được các nước ASEAN thông qua Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông.

Từ chỗ trung lập, có nhiều đóng góp vào tiến trình giải quyết vấn đề Biển Đông, nay quyền lợi biển của Indonesia đã bị thách thức trực tiếp do đường yêu sách lưỡi bò của Trung Quốc. Do đó, Indonesia không thể khoanh tay đứng nhìn quyền lợi của mình bị xâm hại. Ngay khi Bộ trưởng Indonesia nêu khả năng kiện, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn ngang ngược tuyên bố “Trung Quốc không phản đối lập chủ quyền của Indonesia đối với các đảo Natuna”[11]. Hơn nữa, việc Trung Quốc xây dựng và cải tạo lớn các đảo ở khu vực Trường Sa của Việt Nam sẽ tạo lợi thế cho Trung Quốc trong cuộc tranh chấp với cả Indonesia lẫn Malaysia.

4. Chiến thắng pháp lý bước đầu của Philippine trước Trung Quốc về vụ kiện ở Biển Đông, trong đó có vấn đề yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc đã tạo thêm hiệu ứng tích cực cho các quốc gia trong khu vực Biển Đông, trong đó có Indonesia sử dụng các quy định có liên quan trong Công ước Luật Biển 1982 để tiến hành vụ kiện tương tự như Philippine chống lại Trung Quốc. Hơn nữa, bản thân Indonesia cũng đã có kinh nghiệm trong việc sử dụng cơ quan tài phán quốc tế giải quyết tranh chấp (năm 1998, Indonesia và Malaysia đã sử dụng Tòa án công lý quốc tế để giải quyết tranh chấp đối với 2 đảo Ligitan và Sipadan).

Từ những lý do trên cho thấy quyền lợi biển hợp pháp của Indonesia trong khu vực Biển Đông ngày càng bị thách thức nghiêm trọng và hiện hữu, do đó, nước này cần phải có bước đi nhằm ngăn chặn các bước đi tiếp theo của Trung Quốc. Việc cảnh báo về khả năng có thể đưa Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế là nằm trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Indonesia.

 


[1] http://www.reuters.com/article/2015/11/11/us-southchinasea-china-indonesia-idUSKCN0T00VC20151111#92zg3R6JLm5JFmkV.97

[2] Như trên

[3] Điều 47 Công ước Luật Biển 1982

[4] http://www.un.org/Depts/los/LEGISLATIONANDTREATIES/PDFFILES/MAPS/idn_mzn67_2009.jpg

[5] http://qz.com/547796/indonesia-may-be-the-next-challenger-to-beijing-in-the-south-china-sea/

[6] Xem phân tích của Bộ Ngoại giao Mỹ về yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông.

[7] http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/idn_2010re_mys_vnm_e.pdf

[8] http://jakartaglobe.beritasatu.com/news/joko-says-china-no-legal-claim-south-china-sea/

[9] http://www.forbes.com/sites/timdaiss/2015/11/12/indonesia-ups-the-ante-in-disputed-south-china-sea-oil-and-gas-lurks-in-the-background/

[10] Do có khác biệt về quan điểm, ASEAN và Trung Quốc năm 2002 ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông thay vì Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông như dự định ban đầu.

[11] http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/2511_665403/t1314306.shtml

RELATED ARTICLES

Tin mới