Saturday, October 5, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiHệ sinh thái Biển Đông ở gần mức thảm họa do TQ

Hệ sinh thái Biển Đông ở gần mức thảm họa do TQ

Tại ngày điều trần thứ 3 vụ kiện tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, đoàn Philippines tố Trung Quốc xây đảo nhân tạo gây hại nghiêm trọng cho môi trường ở vùng biển này.

Ngoại trưởng Philippines, ông Albert del Rosario trò chuyện với Giáo sư Clive Schofield chuyên nghiên cứu An ninh và Tài nguyên biển của Đại học Wollongong (Australia) hôm 26/11. Ảnh: Phil Star

Vào ngày cuối cùng của vòng đầu phiên điều trần thứ hai vụ Manila kiện Trung Quốc về yêu sách phi lý ở Biển Đông, đoàn Philippines gồm luật sư Paul Reichler, giáo sư Clive Schofield của Đại học Wollongong (Australia) và giáo sư sinh học Ken Carpenter thuộc Đại học Hawaii (Mỹ), đưa ra ý kiến chuyên môn dựa trên các lĩnh vực mà họ nghiên cứu. Vụ kiện diễn ra tại Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague, Hà Lan.

“Ông Carpenter kết luận, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo gây hại nghiêm trọng cho môi trường Biển Đông thiệt hại đối với hệ sinh thái rạn san hô gần mức thảm họa, bà Abigail Valte, phó phát ngôn của tổng thống, nói.

Chuyên gia luật quốc tế Alan Boyle từ trường luật Edinburgh (Anh) ủng hộ ý kiến của giáo sư Carpenter. Ông cũng trình bày mức độ ảnh hưởng tại Biển Đông từ các hoạt động phi pháp.

Ông Boyle khẳng định hành vi của Trung Quốc sẽ tiếp tục đe dọa nghiêm trọng tới môi trường hàng hải ở Biển Đông nếu các quốc gia quanh khu vực không có biện pháp đối phó.

“Các hoạt động ‘nguy hại’ của Trung Quốc như đánh cá bằng thuốc nổ hay cyanide, đánh bắt sò tai tượng, bạch tuộc và nhiều sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng khác đang vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), vốn bảo vệ và duy trì hệ sinh thái biển”, chuyên gia Boyle nói.

Bà Valte nhấn mạnh rằng: “Trung Quốc, với tư cách là quốc gia dẫn đầu, phải chịu trách nhiệm khi không ngăn chặn được các ngư dân và tàu thực hiện đánh bắt bất hợp pháp”.

Trong khi đó, giáo sư Schofield trình bày quá trình nghiên cứu 47 thực thể tại Biển Đông theo yêu cầu của Tòa để xem những thực thể mà Trung Quốc gọi là “đảo” có tạo ra vùng đặc quyền kinh tế theo UNCLOS hay không. Ông cũng chiếu ảnh vệ tinh chụp thực trạng bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

‘Trung Quốc gây hấn’

Bằng chứng và những tính toán của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp cũng được các luật sư Philippines đề cập tại Tòa án Liên Hợp Quốc.

Giáo sư luật Bernard Oxman của Đại học Miami (Mỹ) thuộc đoàn luật sư của Philippines nói rằng, Trung Quốc “làm trầm trọng thêm và kéo dài” để trì hoãn quá trình xét xử vụ kiện do Manila khởi xướng.

Ông Oxman dẫn việc nhân viên giám sát Trung Quốc từng cản trở binh lính của Philippines khi họ hỗ trợ thủy quân lục chiến đang đồn trú tại một tàu hải quân yếu thế hơn, ở bãi cạn Thomas (tức bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Trong khi đó, luật sư Boyle đề cập tới hàng loạt sự cố suýt va chạm giữa tàu Hải quân Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough, Trung Quốc gọi là Hoàng Nham, hồi tháng 5/2015 và 5/2012. “Theo ông Boyle, những hành động như vậy cho thấy Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế trong việc giữ an toàn cho các tàu hải quân”, bà Valte nói.

Đoàn tranh tụng của Philippines do Ngoại trưởng Albert del Rosario dẫn đầu tham dự phiên điều trần từ ngày 24 đến 30/11. Đoàn có 48 người, gồm đại diện từ các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp cùng các bộ ngành chính phủ Philippines. Vòng đầu của phiên điều trần về vụ kiện đã kết thúc. Đoàn tranh tụng sẽ tiếp tục vòng hai vào thứ hai tuần sau.

Cuối tháng 10, tòa Trọng tài ra phán quyết có quyền xét xử vụ kiện Trung Quốc do Manila đề xướng về “đường lưỡi bò” phi lý mà Bắc Kinh vẽ nên. Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố nước này sẽ không tham gia vụ kiện và nói tòa Trọng tài Thường trực không có thẩm quyền xét xử vấn đề liên quan tới cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới