Friday, March 29, 2024
Trang chủĐiểm tinNhững hiệu ứng “sốc” bắt đầu xuất hiện sau cuộc hội ngộ...

Những hiệu ứng “sốc” bắt đầu xuất hiện sau cuộc hội ngộ Mã – Tập

Cuộc gặp giữa lãnh đạo Trung Quốc Đại Lục và lãnh đạo Đài Loan ngày 7/11 là tín hiệu mới trong hoạt động ngoại giao của ông Tập Cận Bình, phá bỏ chính sách ngoại giao cứng rắn, đối đầu của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trước đây đối với Đài Loan. Sự kiện này không chỉ thay đổi cục diện ngoại giao của ĐCSTQ mà còn tạo hướng phát triển mới tốt đẹp giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Chưa đầy một tháng sau hội ngộ Mã – Tập, những hiệu ứng “sốc” bắt đầu xuất hiện.

Cuộc gặp giữa lãnh đạo Trung Quốc Đại Lục và Đài Loan ngày 7/11 là tín hiệu mới trong hoạt động ngoại giao của ông Tập Cận Bình. (Ảnh: Internet)

Truyền thông Trung Quốc Đại Lục lật lại sự thật về cuộc chiến chống Nhật

Ngày 25/11 vừa qua, báo mạng ThePaper có bài viết bàn về cuộc chiến kháng Nhật của Trung Quốc, theo đó điểm lại những thắng lợi vĩ đại trên chiến trường chính của quân đội Quốc dân Đảng như đại thắng Đài Nhi Trang, Vạn Gia Lĩnh, Côn Luân Quan. Bài báo điểm lại thời gian từ khi chiến tranh bùng nổ toàn diện cho đến khi quân Nhật đầu hàng, theo đó trên 22 chiến trường mặt chính, quân đội Quốc dân Đảng đã giành chiến thắng trên 5 chiến trường quan trọng.

Trong sách giáo khoa lịch sử của ĐCSTQ ngày nay, lịch sử thường bị bóp méo khi cho rằng ĐCSTQ là “trụ cột lãnh đạo toàn dân kháng chiến”, phủ nhận vai trò chủ đạo của quân Quốc dân Đảng. Sự kiện truyền thông Trung Quốc Đại Lục công khai thừa nhận sự thật lịch sử về Quốc dân Đảng này là tín hiệu vô cùng đặc biệt trong mối quan hệ với Đài Loan.

Đưa tin về hoạt động kỷ niệm tướng quân Tôn Lập Nhân

Ngày 30/11, báo mạng ThePaper có bài viết đưa thông tin hoạt động kỷ niệm sinh nhật lần thứ 115 của tướng quân Tôn Lập Nhân ở Đài Loan. Bài báo hồi tưởng lại cuộc đời của tướng quân Tôn Lập Nhân với nhiều lời ca ngợi.

Đây là lần đầu xảy ra sự kiện truyền thông chính thống của ĐCSTQ đưa tin ca ngợi một vị tướng của Quốc dân Đảng.

Kể lại những thất bại của quân đội ĐCSTQ

Ngày 30/11, báo ThePaper có bài viết nhắc về cuốn sách «Sự thật về chiến dịch Kim Môn» sắp tới sẽ được Nhà xuất bản Thanh Niên Trung Quốc cho ấn hành, chính thức đưa ra thị trường vào tháng 1/2016. Bài báo bàn về sự thất bại nặng nề của quân giải phóng trong chiến dịch này và kết luận, việc xuất bản sách công bố sự thật về chiến dịch Kim Môn cung cấp bài học quý báu trong lịch sử chiến tranh trên biển của Trung Quốc hiện đại, qua đó có thể bắc chiếc cầu nối cho kế hoạch thống nhất giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Đây là tín hiệu đặc biệt thú vị sau cuộc gặp giữa lãnh đạo Đài Loan và Trung Quốc Đại Lục.

Đài Loan và Trung Quốc Đại Lục lần đầu trao đổi gián điệp

Ngày 30/11, Bộ Quốc phòng Đài Loan có thông báo, hai điệp viên của Đài Loan là Chu Cung Huấn (Zhu Gongxun) và Từ Chương Quốc (Xu Zhangguo) bị bắt bỏ tù ở Trung Quốc Đại Lục suốt 9 năm, hiện đã trở về Đài Loan an toàn, còn điệp viên của Trung Quốc Đại Lục là Lý Chí Hào (Li Zhihao) bị nhốt ở Đài Loan cũng đã được trả về Trung Quốc Đại Lục hồi tháng 10 vừa qua. Đây là lần đầu họ trao đổi gián điệp sau khi quan hệ hai bờ ấm lên trong gần một năm qua.

Ông Trần Dĩ Tín (Chen Yixin) người phát ngôn của Tổng thống Đài Loan nhấn mạnh, đây là thành quả tốt đẹp giữa hai bờ sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu hồi đầu tháng 11 vừa qua tại Singapore, đồng thời hy vọng sẽ có thêm nhiều thành quả nữa trong thời gian tới. Truyền thông Đài Loan gọi việc “trao đổi tù binh” là hòn đá thử vàng không chỉ trong quan hệ chính trị mà còn cả về quân sự giữa hai bờ.

Những sự kiện nêu trên có thể nói là hiệu ứng “sốc” sau cuộc hội ngộ Mã – Tập, cho thấy quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đang có những triển vọng tốt đẹp. Những tín hiệu đã khẳng định lại phát biểu của ông Tập Cận Bình khi gặp ông Mã Anh Cửu trước đây: “Không có bất cứ sức mạnh nào có thể chia rẽ được chúng ta, vì chúng ta là anh em đồng bào chung dòng máu, là người cùng một nhà”, “củng cố nền tảng chính trị chung, kiên định hướng tới con đường hòa bình và phát triển, đưa quan hệ giữa hai bờ tiến về phía trước để phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại, để đồng bào hai bờ được tận hưởng niềm vinh quang vĩ đại của sự phục hưng dân tộc”.

Có thể thấy, ông Tập Cận Bình đang từng bước đi ra khỏi cái khuôn ứng xử cố hữu của các lãnh đạo ĐCSTQ tiền nhiệm. Hiện nay, những hiệu ứng sau cuộc gặp Mã – Tập đang dần lộ rõ, một cục diện mới trong quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng như của thế giới đang bắt đầu hình thành.

RELATED ARTICLES

Tin mới