Saturday, October 5, 2024
Trang chủThâm cung bí sửThấy được gì từ phiên toà xét xử học viên Pháp Luân...

Thấy được gì từ phiên toà xét xử học viên Pháp Luân Công ở miền bắc TQ?

Vào tháng 12 năm 1999, khi đó là lần đầu tiên nhiều học viên của môn tu luyện tâm linh Pháp Luân Công diễu hành trước một phiên tòa công khai xét xử lưu động, nhà cầm quyền Trung Quốc] đã dàn dựng phiên tòa này nhằm chính thức hóa chiến dịch đàn áp của nhà nước được khởi xướng từ tháng 7 năm đó. Các luật sư bị cấm không được bào chữa cho 4 học viên. Vụ án này đã bị xử lý một cách nhanh gọn, và họ phải chịu những án tù rất nặng: 18, 16, 12 và 7 năm tù.

Bây giờ, sau 16 năm đàn áp khắc nghiệt, một vụ xét xử khác với qui mô lớn hơn đang được tiến hành, lần này diễn ra ở Hà Bắc, tỉnh này bao quanh hầu hết thủ đô Bắc Kinh. Xét trên bề mặt thì dường như không có nhiều thay đổi, nhưng trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã tích lũy những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn: Vụ án này lộ rõ âm mưu gian xảo của ĐCSTQ, liên quan đến hàng chục luật sư nhân quyền, và các cơ quan tư pháp trung ương đã cử quan sát viên tới để giám sát tiến trình xét xử.

Họ bị bắt chỉ vì trò chuyện với nhau

Một khía cạnh đáng chú ý của vụ án này là 9 cá nhân đang bị xét xử tại Thương Châu bị cáo buộc vì có những hoạt động không gì khác hơn là ngồi trong cùng một phòng và nói chuyện với người khác.

Vào ngày 17 tháng 8 năm 2014, họ nằm trong nhóm 42 học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tu luyện. Ở Trung Quốc, hội nghị này được gọi tên là một “Pháp Hội”. Trước khi xảy ra cuộc đàn áp, có khoảng 70 đến 100 triệu học viên ở Trung Quốc, và những sự kiện Pháp Hội như thế này thì được diễn ra đều đặn trên toàn thế giới.

Cùng nhau quây quần trong những khán phòng, họ chia sẻ thể ngộ trong việc đề cao tâm tính – đây là một quá trình nhằm hoàn thiện cá nhân và liên kết bản thân mình với những giáo lý về Chân, Thiện, Nhẫn.

Các học viên cho biết rằng, những sự kiện như thế này chính là để khuyến khích họ bền bỉ thực hành theo giáo lý Chân, Thiện, Nhẫn khi đối mặt với sự khắc nghiệt của cuộc đàn áp ở Trung Quốc.

Họ [quan tòa] tỏ ra bị áp lực khi có sự bảo vệ mạnh mẽ và chặt chẽ từ các luật sư nhân quyền, bởi vì họ hiếm khi trải qua tình huống như thế này

— Cao Thành Thái, luật sư nhân quyền

Cảnh sát đột nhập vào địa điểm tổ chức Pháp Hội tại Thương Châu, và truy tố 9 trong số 42 học viên vì tội “phá hoại luật pháp” – một thuật ngữ mà ĐCSTQ dùng để chống lại các học viên Pháp Luân Công.

Khi ngày khai mạc phiên tòa được diễn ra vào ngày 9 tháng 11 nhằm buộc tội 9 học viên này, thì 12 luật sư nhân quyền đã có mặt ở đó để bào chữa cho họ.

“Theo sự hiểu biết của tôi, thì thân chủ của tôi thực sự đã không làm [sai] bất cứ điều gì, xét về góc độ pháp lý lẫn góc độ về tính hợp lý”, luật sư Hàn Chí Quang nói. Chín học viên này chỉ tập trung vào một căn phòng để trò chuyện với những người khác.

“Tôi tin rằng họ vô tội”.

Lời bào chữa rất chân thành

Cao Thành Thái, một trong những luật sư bào chữa, đã phát biểu với thời báo Đại Kỷ Nguyên ngay sau khi kết thúc phiên tòa vào ngày 13 tháng 11: Luận cứ được các luật sư đưa ra dường như đã làm cho chủ toạ phiên toà bị “sốc”. Và bản án vẫn chưa được công bố.

“Họ [quan tòa] tỏ ra bị áp lực khi có sự bảo vệ mạnh mẽ và chặt chẽ của các luật sư nhân quyền, bởi vì họ hiếm khi trải qua tình huống như thế này”, luật sư nhân quyền Cao Thành Thái phát biểu.

Nhiều quan chức đứng đầu đến từ các phòng ban khác nhau thuộc một số tỉnh, thành khi đến tham dự phiên tòa cũng đã “rất xúc động” bởi những lời bào chữa rất chân thành của những luật sư này, và họ hoàn toàn thực hiện “theo quy định của pháp luật”, luật sư Cao nói thêm.

Luật sư Hàn Chí Quang cho biết 2 ngày đầu tiên của phiên tòa đã được tiến hành “theo đúng thủ tục pháp luật hình sự”.

Chúng ta đều biết những học viên này hoàn toàn vô tội. Vì vậy, chúng ta phải giúp đỡ họ.

 Một tài xế xe buýt đã ký vào thư thỉnh nguyện để yêu cầu trả tự do cho các học viên Pháp Luân Công ở Thương Châu.

Luật sư Hàn, luật sư Cao và những người khác có liên quan đến vụ án này đều bất chấp những nỗ lực đe dọa từ các cơ quan chức năng. Một số luật sư đã từ bỏ vụ án này, vì không chịu nổi áp lực từ phía các quan chức Thương Châu và những ông trùm của một số công ty luật, dựa theo nguồn tin của Minh Huệ – một trang web của Pháp Luân Công.

Các luật sư chấp nhận đương đầu với vụ án này dù biết rằng một môi trường bạo lực đang ngày càng gia tăng đối với nghề nghiệp của mỗi người trong số họ. Vào ngày 12 tháng 11, Ân xá Quốc tế – một tổ chức phi chính phủ quốc tế – đã công bố một bản báo cáo về chi tiết những hình thức tra tấn gây ra đối với các luật sư vừa bị bắt giữ tại Trung Quốc.

Những người này đã bảo vệ Pháp Luân Công – một chủ đề rất nhạy cảm về mặt chính trị, và vào một giai đoạn lịch sử, nó được liệt vào dạng đặc biệt nguy hiểm. Chiến dịch chống lại việc thực hành môn tu luyện này đã trở thành một trong những cuộc bức hại chính trị tàn khốc nhất từng có ở Trung Quốc. Với hàng chục ngàn người, hoặc nhiều hơn, được cho là đã bị giết thông qua các hình thức giam giữ, tra tấn cũng như thông qua việc mổ cướp nội tạng của các học viên để kiếm lợi nhuận, dựa theo thông tin từ các nhà nghiên cứu.

Cao Trí Thịnh, một trong những luật sư nhân quyền Trung Quốc đầu tiên có những hành động bảo vệ Pháp Luân Công, đã bị tra tấn và cưỡng bức trong nhiều năm liền, và hiện vẫn còn bị quản thúc tại gia. Nhiều luật sư khác, như Vương Vũ và Trương Khải, đang bị giam giữ trong nhà tù.

Các nhà quan sát từ trung ương

Một bối cảnh khác liên quan đến vụ án này chính là khu vực tỉnh Hà Bắc.

Cho đến ngày 24 tháng 7 năm 2014, Hà Bắc vẫn là địa hạt được kiểm soát bởi Bí thư Tỉnh ủy Chu Bản Thuận. Ông này nổi tiếng vì đã thao túng cả ngành tòa án tại Thương Châu; và trước khi Chu bị bắt, những hoạt động bào chữa quyết liệt từ luật sư hiếm khi được cho phép xảy ra.

Việc bắt giữ Chu đã được ghi nhận trên một trang mạng trực tuyến của chính phủ trước khi ông ta bị thanh trừng vào năm ngoái. Trong một thông tin độc quyền, trang tin tức The Paper nói rằng Văn phòng Công an Hà Bắc đã cài đặt camera giám sát ở trên bàn làm việc của thẩm phán trong phòng xử án, chỉ ra rằng ông Chu đang chỉ đạo việc giám sát các thành viên của các cơ quan tư pháp.

Chu cũng nổi tiếng là một người trung thành của cựu chiến lược gia an ninh Chu Vĩnh Khang (cả 2 người không có họ hàng với nhau). Điều đó khiến Chu Bản Thuận trở thành một phần của mạng lưới thuộc phe cánh của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân – người đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Giang nâng đỡ các quan chức này lên vị trí cao hơn trong nấc thang quyền lực, đổi lại họ phải nghiêm khắc tuân thủ đi theo Giang trong chiến dịch đàn áp này.

Luật sư Hàn Chí Quang nói rằng nhân viên “ở cấp độ quản lý” của Sở Tư pháp Bắc Kinh đã tham dự vào quá trình tố tụng trong ngày 9 tháng 11. Họ chỉ thị các luật sư bào chữa phải “đúng theo thủ tục pháp lý thích hợp” và “không gây rắc rối hoặc là khiêu khích”, luật sư cho biết. Những người này xuất hiện nhằm giữ được các nguyên tắc cơ bản, khiến cho các luật sư thể hiện sự bảo vệ mạnh mẽ và chặt chẽ hơn với những thân chủ của họ.

Trần Tự Minh, một nhà báo chuyên viết xã luận cho ấn bản tiếng Hoa của thời báo Đại Kỷ Nguyên, đã gợi ý rằng sự hiện diện của các quan chức tư pháp là để gửi một thông điệp đến chính quyền địa phương với ngụ ý rằng hành vi của họ đã và đang được xem xét một cách kỹ lưỡng.

Cơ quan chức năng của ĐCSTQ tại Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các biện pháp để tập trung kiểm soát hệ thống tòa án kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Đây là một nỗ lực hiển nhiên nhằm kềm hãm các quan chức địa phương như Chu Bản Thuận – không được can thiệp vào phạm vi hoạt động [của ngành tòa án].

Những dấu hiệu bất thường của phiên tòa

Luật sư Nhân Toàn Cầu cho biết rằng, dù đã có sự hiện diện chính thức từ các lực lượng chức năng bên ngoài tỉnh Hà Bắc, nhưng những dấu hiệu bất thường đã bắt đầu lộ diện vào ngày xử thứ ba.

Chủ toạ phiên toà và các thẩm phán khác đã rất vội vàng tiến hành thủ tục xét xử, và chỉ cho phép một luật sư bào chữa cho một bị đơn đối với mỗi một bằng chứng hình sự được đưa ra. Trong khi thủ tục pháp lý chuẩn thì đảm bảo rằng tất cả các luật sư và bị cáo được trình bày nhiều bản tường trình.

Khi các luật sư cố gắng lên tiếng để phản đối, thì thẩm phán dùng cây búa gõ cồm cộp, và quở trách họ “gây rối trật tự tại phiên tòa”.

Luật sư Nhân nói: “Kể từ khi bộ luật hình sự vừa mới được sửa đổi tại Trung Quốc đại lục, thì tội danh ‘gây rối trật tự tại phiên tòa’ đã như một thanh kiếm treo lơ lửng trên đầu những luật sư này”.

Những cảnh sát địa phương, sĩ quan mặc thường phục, và lực lượng cảnh sát chìm đứng bu quanh phòng xử án. Họ phong tỏa việc đi lại và chuyển hướng không cho những người đi bộ dừng lại và nhìn ngó, trong khi đó, các cán bộ địa phương của cục An ninh thì đang nhìn chằm chằm vào những người ủng hộ Pháp Luân Công.

Sự hỗ trợ từ xã hội

Đầu năm nay, các học viên Pháp Luân Công tại địa phương đã khởi xướng một thư thỉnh nguyện tập hợp chữ ký nhằm kêu gọi trả tự do cho 9 học viên này. Việc này đã nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ. Đến giữa tháng 6 năm nay, 4.300 cư dân Thương Châu đã ghi tên và lăn dấu ngón tay của họ bằng mực đỏ trên thư thỉnh nguyện. Việc lăn dấu ngón tay màu đỏ là một hình thức truyền thống của người Hoa để xác nhận một tài liệu quan trọng.

“Chúng ta đều biết những học viên này hoàn toàn vô tội. Vì vậy, chúng ta phải giúp đỡ họ”, một tài xế xe buýt ký vào thư thỉnh nguyện đã phát biểu, theo trang tin Minh Huệ.

Sự ủng hộ rộng rãi từ cư dân Thương Châu dành cho các học viên là điều không tưởng trong khoảng thời gian những năm đầu của cuộc đàn áp, và tại thời điểm đó, cho dù các luật sư có tình nguyện hay không, thì chắc chắn họ cũng sẽ không bao giờ có cơ hội để được bào chữa trong những trường hợp liên quan đến Pháp Luân Công.

Điều gì sẽ tác động đến bản án thì vẫn là câu trả lời còn bỏ ngỏ.

RELATED ARTICLES

Tin mới