Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBuộc người Thổ rút khỏi Iraq, Mỹ lo Baghdad về phe Nga?

Buộc người Thổ rút khỏi Iraq, Mỹ lo Baghdad về phe Nga?

Quan hệ Ankara-Baghdad căng thẳng kể từ khi Ankara gửi binh sĩ đến Iraq khiến nước này phản đối mạnh mẽ, cho rằng Ankara xâm phạm lãnh thổ.

Washington đang đẩy mạnh áp lực để buộc Thổ Nhĩ Kỳ rút binh sĩ triển khai trái phép bên trong lãnh thổ Iraq về nước nhằm xoa dịu căng thẳng giữa 2 đồng minh thân cận đang giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của Mỹ.

Theo đó, trong một cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Iraq, Thủ tướng Haider al-Abadi, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự đồng tình của Washington đối với cáo buộc của Baghdad rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm chủ quyền của nước này khi đưa quân tiếp viện tới một trại huấn luyện ở miền Bắc Iraq.

Theo Nhà Trắng, Phó Tổng thống Joe Biden đã nói với ông Haider al-Abadi rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã vội vàng điều quân mà chưa nhận được sự chấp thuận của chính phủ Iraq. Đồng thời, ông Biden tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ phải rút “bất kỳ lực lượng quân sự nào chưa được chính phủ Baghdad cấp phép ra khỏi lãnh thổ Iraq”.

Cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông al-Abadi diễn ra hai ngày sau khi Phó Tổng thống Mỹ trò chuyện với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu. Washington cam kết tăng cường hợp tác với cả Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS, kêu gọi Ankara tiếp tục đối thoại với Baghdad.

Baghdad đã bày tỏ sự phẫn nộ mạnh mẽ hơn đối với chính quyền Ankara sau khi Thổ Nhĩ Kỳ gửi quân tiếp viện tới một trại huấn luyện tại khu vực Bashiqa, gần thành phố Mosul – thành trì đang bị IS chiếm đóng và cai trị.

Thủ tướng al-Abadi đã yêu cầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải lập tức rút khỏi lãnh thổ Iraq. Tuy nhiên, phía Ankara cự tuyệt và tuyên bố rằng, động thái này là cần thiết để bảo vệ các quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ đang làm nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo tại đây khỏi sự tấn công của IS.

Sự căng thẳng ngày càng leo thang trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ – Iraq là điều mà Mỹ hoàn toàn không mong muốn bởi cả hai nước đều là đồng minh ruột của Mỹ và đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống IS.

Trước đó, Quốc hội Iraq đã dọa hủy bỏ hiệp ước an ninh với Mỹ, điều này cho thấy Baghdad đang lo sợ Washington không kiềm chế Ankara, buộc họ phải tìm kiếm sự bảo vệ từ Nga và Iran. Chuyên gia phân tích Adam Whitcomb của Viện Chính sách Ngoại giao Vùng Vịnh khi ấy cho rằng Iraq đã chuyển hướng sang phía liên minh Nga – Iran.

Tuy nhiên, ông Whitcomb cũng dự đoán Washington sẽ không chịu ngồi yên và từ bỏ hiệp ước an ninh một cách dễ dàng. Mỹ có thể đồng ý một số điều khoản của hiệp ước để duy trì mối quan hệ hiện tại. “Dẫu vậy, Iraq vẫn đang trượt xa khỏi Mỹ về phía các láng giềng phía Đông”, ông Whitcomb nhấn mạnh.

Động thái của Mỹ gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi Iraq có lẽ cũng xuất phát từ việc nước này đang lo ngại Nga lôi kéo Iraq. Bởi sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đến Iraq, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iraq  Ibrahim al-Jaafari với nội dung bàn về “sự xâm nhập trái phép” của quân lính Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Iraq.

Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga xác nhận: “Phía Nga bày tỏ lập trường vững vàng trong ủng hộ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq”.

Bên cạnh đó, dựa vào các cam kết tốt đẹp giữa Nga và Iraq, Baghdad đã quyết tâm đề nghị Moscow tham gia hoạt động không kích IS trên lãnh thổ nước này.

Hôm 10/12,  Nasir Muhammad Nuri đại diện cho Bộ Quốc phòng Iraq cho biết bộ này “đã nhận được 2 trực thăng Mi-28NE trong khuôn khổ hợp đồng phía Nga” và chắc chắn sẽ cải thiện khả năng của Không quân Iraq.

RELATED ARTICLES

Tin mới