Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngTranh chấp chủ quyền trên Biển Đông: Phải chăng chính sách mua...

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông: Phải chăng chính sách mua chuộc, phân hoá của TQ đã thất bại?

Dựa trên những lập luận không có căn cứ, nhất là việc vạch ra “đường lưỡi bò” phi lý bao gần trọn Biển Đông, Trung Quốc đã kiên quyết khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông, đồng thời còn thực hiện nhiều hoạt động gây căng thẳng tình hình khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế, làm chậm tiến trình đàm phán COC… 

Chính vì vậy, các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động sai trái, Philippines còn dũng cảm kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982. Trước sự phản ứng của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã dùng nhiều biện pháp để đối phó, trong đó bao gồm cả việc mua chuộc Toà trọng tài hay chia rẽ, phân hoá các nước ASEAN để khối này không thể có được tiếng nói thống nhất trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, bất chấp những hành động “đi đêm” của Trung Quốc, một số sự kiện gần đây cho thấy không phải Trung Quốc có thể dễ dàng thành công.

Từ mua chuộc đến phân hoá

Trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, Trung Quốc nêu lập trường phản đối vụ kiện, không tham gia và không chấp nhận phán quyết của Toà. Tuy nhiên,một số học giả quốc tế cho biết, mặc dù ngoài mặt luôn thể hiện sự phản đối vụ kiện, nhưng Trung Quốc lại đang âm thầm “đi đêm” nhằm tránh một phán quyết bất lợi cho mình trước tòa án quốc tế.

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết các nhà ngoại giao và chuyên gia pháp lý của Trung Quốc vẫn theo sát diễn biến vụ kiện và có những hành động không chính thức để xử lý tình hình.

Một số công việc như vậy đã được Đại sứ quán Trung Quốc tại La Hay thực hiện, và các nhân viên Đại sứ quán cũng đã thiết lập một đường dây liên lạc chính thức với tòa án.

Sau khi xem xét các tuyên bố và quy định của Tòa Trọng tài Thường trực, hãng tin Reuters xác nhận Trung Quốc có thể liên lạc với Tòa thông qua Đại sứ ở La Hay, và tòa án này cũng thường xuyên cung cấp cho phía Trung Quốc những diễn biến của quá trình xét xử và những cơ hội để nộp bản phản biện.

Cách làm này của Trung Quốc khiến giới nghiên cứu lo ngại việc phán quyết của Toà sẽ không công bằng. Học giả Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói: “Có vẻ như hội đồng xét xử đang dần ngả về hướng xem xét các lợi ích của Trung Quốc và nhiều khả năng sẽ ra một phán quyết ngang ngửa cho cả Philippines và Trung Quốc”.

Đối với ASEAN, Trung Quốc triệt để tận dụng các mối quan hệ, lợi thế về kinh tế, các gói tài trợ, đại dự án “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”… để mua chuộc, chia rẽ các nước ASEAN, khiến khối này từng không thể ra được tuyên bố chung của các Ngoại trưởng trong một hội nghị năm 2012, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử của khối.

Không dễ thành công

Thực tế cho thấy, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các hành động “không minh bạch” nhằm đạt được lợi thế trong tranh chấp Biển Đông. Nhưng do bản chất các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là không có căn cứ, không phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời Trung Quốc lại liên tục có những hành động gây căng thẳng ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, do đó cho dù Trung Quốc có thể có những kết quả nhất thời nhưng về lâu dài, nỗ lực của Trung Quốc sẽ không thể thành công. Gần đây, đã có những sự kiện cho thấy rõ điều đó.

Sự kiện đáng kể đầu tiên là bất chấp nỗ lực “đi đêm” với Toà Trọng tài của Trung Quốc, với hy vọng Toà sẽ bác bỏ thẩm quyền xử lý vụ kiện của Philippines, ngày 29/10 vừa qua, Toà đã ra phán quyết chống Trung Quốc và ủng hộ Philippines, theo đó khẳng định có thẩm quyền đối với vụ kiện và đồng ý xem xét vụ kiện Bắc Kinh của Manila liên quan tới Biển Đông. Toà sẽ tổ chức cuộc điều trần vào thời gian tới để tiếp tục nghe các bên liên quan trình bày lập luận trong vụ việc trên. Đây là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Bắc Kinh bác bỏ vụ kiện này, cho thấy Toà đã xem xét theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế để thụ lý vụ kiện của Philippines.

Tiếp sau sự kiện này, đến lượt Indonesia, một nước từ trước vốn giữ vai trò trung lập, không phải là một bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gần đây cũng đã lên tiếng bất lợi cho Trung Quốc. Ông Luhut Panjaitan, Bộ trưởng đặc trách Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh của Indonesia trong một phát biểu trước báo giới ngày 11/11 tại Jakarta cho biết Chính phủ Indonesia đang xem xét khả năng kiện Bắc Kinh trước Tòa án Quốc tế nếu yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông và một phần lãnh thổ Indonesia không sớm được giải quyết thông qua đối thoại. Ông cũng cho biết, Jakarta đang làm việc hết sức chặt chẽ với Bắc Kinh xung quanh vấn đề “đường chín đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường chữ U”) mà Trung Quốc xác định vô căn cứ ở Biển Đông “ăn” vào vùng quần đảo Natuna của Indonesia. Ông Luhut Panjaitan nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn thấy một giải pháp về vấn đề này trong tương lai gần thông qua đối thoại, nếu không thì chúng tôi có thể đưa vấn đề ra Tòa án Hình sự quốc tế”. Đây rất có thể là một phản ứng sau khi Toà Trọng tài ở La Hay tuyên bố có đủ thẩm quyền trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, vốn được xem là nếu thành công sẽ tạo tiền lệ để các nước có tuyên bố chủ quyền dựa vào luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp một cách công khai, minh bạch, không sử dụng vũ lực đe doạ lẫn nhau.

Một vấn đề cũng rất đáng chú ý nữa là cách hành xử của Malaysia trong những tháng gần đây liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Trước đây, dù là một bên tranh chấp nhưng do có quan hệ tốt với Trung Quốc, Malaysia luôn thực thi một chính sách mềm dẻo, tránh đối đầu, tránh chỉ trích trực tiếp Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Vậy mà, ngày 18/10 vừa qua, ngay tại diễn đàn Hương Sơn trên đất Trung Quốc, được Trung Quốc tổ chức để các nước đến tham dự nói tiếng nói ủng hộ Trung Quốc, tướng Zulkefli Mohd Zin, Tư lệnh lực lượng vũ trang Malaysia đã lên tiếng chỉ trích hành vi xây dựng đảo trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông là hành vi “khiêu khích không có lý do xác đáng”. Có thể nói đây là điều hiếm thấy vì như trên đã nói, Malaysia từ trước luôn thể hiện sự kiềm chế, tránh đi đầu, tránh chỉ trích dù là gián tiếp Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Nhưng nay điều đó cho thấy, không phải cứ đưa ra các gói tài trợ, vận động và lôi kéo là Trung Quốc có thể đạt được mục đích, vì rằng những hành động của Trung Quốc thực sự đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, gây đe doạ tới an ninh khu vực mà các nước có chính sách đối ngoại đúng đắn đều không thể làm ngơ.

Các sự kiện vừa qua cho thấy, phải chăng chính sách mua chuộc, lôi kéo, phân hoá của Trung Quốc nhằm giành lợi thế trong tranh chấp Biển Đông đã và sẽ thất bại. Như vậy, phải chăng Trung Quốc cần tìm một cách tiếp cận khác, xử lý các tranh chấp ở Biển Đông với các nước láng giềng một cách hoà bình, tuân thủ luật pháp quốc tế hơn. Đó cũng là điều mà cộng đồng quốc tế mong mỏi ở một cường quốc cần phải có trách nhiệm là Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới