Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngBay thử nghiệm ra đá Chữ Thập, Trung Quốc khởi động tiến...

Bay thử nghiệm ra đá Chữ Thập, Trung Quốc khởi động tiến trình sử dụng các công trình xây dựng ở Trường Sa cho việc khống chế thực tế Biển Đông

Ngày 2/01/2016, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin phản đối việc Trung Quốc thực hiện bay thực nghiệm ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, trích lời người phát ngôn Lê Hải Bình cho hành động nêu trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao Việt – Trung, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tinh thần của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; ảnh hưởng hòa bình, ổn định ở Biển Đông; giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tác động tiêu cực đến quan hệ láng giềng và tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Báo chí Việt Nam cũng cho biết người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”. Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã gặp và trao kháng thư cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.

Đá Chữ Thập là rạn san hô ngập nước thuộc cụm đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa có diện tích trên 110km2 (1). Đá Chữ Thập có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng do nằm ở cực Tây của quần đảo Trường Sa, án ngữ vùng biển phía Nam của Việt Nam. Chính vì lẽ đó, cùng với quá trình chiếm đóng bằng vũ lực đá Chữ Thập năm 1988, từ tháng 8/2014, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo, bồi đắp quy mô lớn trên Chữ Thập cùng với 6 thực thể khác ở Trường Sa. Theo thống kê, cho đến nay, diện tích bồi đắp ở Chữ Thập đã đạt mức 2,7 triệu m2 và Trung Quốc cũng đã hoàn thành 01 sân bay với đường băng dài trên 3.100m tại đây (2).

Việc Trung Quốc tiến hành việc bay thử nghiệm ra Chữ Thập, cho dù báo chí Việt Nam không cho biết chi tiết loại máy bay được sử dụng, cho thấy một bước phát triển mới hết sức nguy hiểm ở Biển Đông. Với việc bay thử nghiệm này, một mặt Trung Quốc muốn kiểm nghiệm năng lực khai thác, tiếp nhận các phương tiện bay, nhất là các máy bay chiến đấu tại đường băng vừa được xây dựng trên vùng biển được bồi đắp, mặt khác, Trung Quốc cũng muốn kiểm tra khả năng tác chiến xa, nhất là tác chiến biển của lực lượng không quân nước này. Sau bước thử nghiệm ra Chữ Thập, Trung Quốc có thể tiếp tục việc bay thử nghiệm ra các thực thể khác ở Trường Sa mà Trung Quốc cũng vừa xây dựng đường băng như ở Vành Khăn, Xu Bi.

Đồng thời, việc đưa vào khai thác, sử dụng đường băng ở Chữ Thập đã mang lại nhiều ưu thế về mặt chiến lược cho Trung Quốc so với các nước trong và ngoài khu vực. Từ nay, khoảng cách từ các điểm Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa đến lãnh thổ lục địa của Trung Quốc không còn là vấn đề. Song nguy hiểm hơn, nó đã giúp Trung Quốc rút ngắn thời gian từ các điểm Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa tới các nước trong khu vực Biển Đông. Đồng thời, đây còn là bước chuẩn bị về cơ sở vật chất để Trung Quốc có thể thiết lập vùng nhận diện phòng không ở khu vực Biển Đông. Lời mà một số học giả và quan chức Trung Quốc thường nói “từ Chữ Thập của Việt Nam, máy bay chiến đấu Trung Quốc chỉ mất một tiếng đồng hồ để tấn công thủ đô Hà Nội và chỉ cần 1 tiếng để tấn công thành phố Hồ Chí Minh” không chỉ còn là lời đe dọa mà nay đã trở thành hiện thực.

Dưới đây là phỏng đoán của nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn về vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông mà Trung Quốc có thể lập trong thời gian tới.

Trong bối cảnh này, Việt Nam và các nước trong khu vực, nhất là các nước cùng có tranh chấp ở Trường Sa cần lên tiếng mạnh mẽ, kêu gọi các nước lớn trong và ngoài khu vực cần có các hành động kiên quyết trên thực tế để ngăn ngừa các bước đi phiêu lưu tiếp theo của Trung Quốc. Nếu không, việc Trung Quốc lập ra vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông và tận dụng lợi thế của các sân bay mới xây dựng trái phép ở Biển Đông để khống chế Biển Đông chỉ là câu chuyện ngày một ngày hai.

(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A1_Ch%E1%BB%AF_Th%E1%BA%ADp

(2) http://amti.csis.org/fiery-cross-reef-tracker/

RELATED ARTICLES

Tin mới