Thursday, March 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNghịch lý ở Việt Nam: Phí đi đường đắt hơn xăng

Nghịch lý ở Việt Nam: Phí đi đường đắt hơn xăng

Các doanh nghiệp vận tải tại Quảng Bình đang vô cùng lo lắng trước bài toán phí cầu đường đắt gần gấp đôi phí xăng dầu hiện nay.

Dân “vây” trạm thu phí, phản đối tăng giá vé

DN vận tải tìm cách để không tăng giá cước

Trước việc trạm thu phí Quán Hàu (Quốc lộ 1A, tỉnh Quảng Bình) tăng mức giá thu phí từ mức 20 ngàn đồng/lượt lên mức 35 ngàn đồng/lượt, ông Lương Đức Cường – Giám đốc Nhà xe Trung Tín chuyên chạy tuyến Quảng Bình – Đà Nẵng cho rằng các doanh nghiệp đang kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh đều chung một nỗi bức xúc và lo lắng về giá cước vận tải.

Chia sẻ với Đất Việt, ông Cường cho hay: “Hiện nay, xe chúng tôi chạy từ TP Đồng Hới – Đà Nẵng phải đi qua 4 trạm thu phí BOT, mới đây có thêm 2 trạm nữa được đặt tại Huế và Quảng Trị, như vậy tổng là 6 trạm thu phí.

Để đi lại có hiệu quả, chúng tôi vẫn đang tiến hành mua vé tháng cho tất cả các xe. Cụ thể, đối với xe 16 chỗ, giá vé 1 tháng là 1.500.000đ/trạm; đối với xe 47 chỗ thì giá vé 1 tháng là 2.250.000đ. Như vậy, đi qua 6 trạm, 1 tháng thì xe 16 chỗ sẽ phải bỏ ra 9.000.000đ/tháng; xe 47 chỗ sẽ phải bỏ ra 13.500.000đ/tháng”.

Thế nhưng, nhà xe không được tăng giá cước, thậm chí còn phải giảm giá. Trong khi, phí cầu đường hiện nay đắt hơn giá xăng dầu, vì với xe 16 chỗ giá xăng đi chỉ 800.000đ/lượt, xe 47 chỗ thì 2.000.000đ/lượt.

“Nếu như hiện nay, mức giá thu phí lại tăng lên gần gấp 2 lần như vậy thì là quá cao, các doanh nghiệp vận tải như chúng tôi vô cùng bức xúc”, ông Cường cho hay.

Cùng chung bức xúc với các doanh nghiệp vận tải khác, theo ông Cường, trạm thu phí Quán Hàu được xây dựng để thu phí cho tuyến đường tránh TP Đồng Hới, nhưng các nhà xe chỉ sử dụng Quốc lộ 1A, đi qua trạm vẫn phải nộp phí, không sử dụng vẫn phải nộp tiền, quá bất hợp lý.

Một nghịch lý khác hiện nay, phí cầu đường tăng, cộng thêm phí bảo trì đường bộ, phí bến bãi…đủ các loại phí, nhưng đối với giá vé nhà nước lại bắt buộc các doanh nghiệp giảm đồng loạt.

“Chúng tôi hiện nay là phải chấp nhận, ví dụ như hiện tại có 10 chiếc xe, thì chỉ đưa vào hoạt động 8 chiếc, dừng hoạt động 2 chiếc, dồn hàng lại, không thể chạy hết 1 lượt.

Ngày xưa thuế phí ít thì mình chạy đủ xe, giờ thì phải dồn lại, để giảm bớt tiền phải chi trả cho phí cầu đường. Xe khách thì dồn khách, xe hàng thì dồn hàng, nên cũng hên xui với cảnh sát giao thông. Bên cạnh đó, giảm lương tài xế, giảm lương nhân viên, cắt giảm mọi chi phí”, ông Cường chia sẻ khó khăn.

Sẽ lắng nghe mọi ý kiến của doanh nghiệp

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Lâm – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Quảng Bình cho biết: “Việc các doanh nghiệp vận tải bức xúc là chuyện tất yếu vì nó ảnh hưởng đến giá cước vận tải cả hàng hóa và hành khách trên địa bàn”.

Hơn nữa, theo ông Lân, nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp không được tăng giá cước, nên chắc chắn các doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn. Vừa qua, một số doanh nghiệp cũng đã phản ánh rất nhiều về việc phí cầu đường tăng nên rất khó khăn trong việc giảm giá cước dù giá xăng dầu giảm.

“Chúng tôi cũng đang tổng hợp lại phản ánh của các doanh nghiệp vận tải, để có văn bản trình lên Hiệp hội vận tải Việt Nam cũng như Sở GTVT địa phương”, ông Lâm nhấn mạnh.

Về phía quản lý, ông Phạm Quang Hải – Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho rằng, chúng ta không thể làm khác quan điểm của Bộ Tài chính, phải thực hiện đúng thông tư về mức thu phí của Bộ.

Còn lại, việc tăng giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả vận tải nhưng cũng phải thực hiện theo đúng đề án tài chính của nhà đầu tư, được các Bộ ngành trung ương phê duyệt.

Riêng về sự việc dân chặn trạm xe thu phí, theo ông Hải, xảy ra rất nhanh từ 7h-9h, sau khi đơn vị quản lý BOT giải thích, thì đã giải quyết được, tất nhiên sẽ có những người chưa đồng ý.

Thế nhưng, các doanh nghiệp đi lại thường xuyên thì nên mua vé tháng thì sẽ rẻ hơn được rất nhiều.

“Trước những kiến nghị của người dân, Sở GTVT không thể xử lý được về vấn đề mức thu phí, đó là trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ GTVT và nhà đầu tư. Nhưng Sở sẽ tiếp nhận ý kiến của người dân, các DN vận tải nếu thấy cơ chế chính sách có gì đó chưa hoàn thiện, hợp lý sẽ báo cáo UBND tỉnh, Bộ GTVT để có phương án xử lý.

Sẽ tiếp nhận, sàng lọc dư luận, nếu ý kiến bất hợp lý, thì sẽ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền cao hơn để đáp ứng nguyện vọng của dân”, ông Hải cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới