Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTham vọng của TQ không chỉ là độc chiếm Biển Đông

Tham vọng của TQ không chỉ là độc chiếm Biển Đông

Kể từ cuối năm 2013, Trung Quốc đã liên tục xây dựng các đảo nhân tạo cũng như các cơ sở quân sự tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, nơi lượng hàng hóa có tổng giá trị 5,3 nghìn tỉ USD đi qua đây mỗi năm.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông mà không vấp phải bất kỳ sự ngăn chặn nào.

Theo trang tin Project Syndicate, chừng nào Trung Quốc tiếp tục các hoạt động trên Biển Đông mà không bị ngăn chặn, họ vẫn sẽ tiếp tục làm, qua đó căng thẳng với các nước lân cận sẽ ngày càng trở nên trầm trọng.

Một phần trong chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông là nạo vét các vùng nước nông để xây dựng đảo nhân tạo ở những khu vực mà Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin thừa nhận là “cách xa lãnh thổ Trung Quốc”.

Bắc Kinh cho rằng vị trí các đảo này là cần thiết để thiết lập “căn cứ quân sự” và 3 trong số 7 đảo nhân tạo đã có đường băng, cho phép máy bay chiến đấu Trung Quốc có thể thách thức tàu chiến của Mỹ hoạt động ở gần đó.

Nhiều thông tin cho rằng Trung Quốc đang có kế hoạch thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông giống như những gì họ đã làm ở Biển Hoa Đông vào năm 2013.

Trung Quốc hiểu rằng, theo luật pháp quốc tế, quan điểm phần lớn Biển Đông thuộc về Trung Quốc dựa trên “yếu tố lịch sử” là rất yếu về lôgic, do đó họ không bao giờ tham gia các phiên tòa quốc tế về Biển Đông.

Thay vào đó, Bắc Kinh hướng đến việc giành “kiểm soát kéo dài” ở các đảo nhân tạo, qua đó nâng cao tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền của một quốc gia theo luật pháp quốc tế.

Tuy vậy, tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Biển Đông mà họ có ý định tạo ra một châu Á chịu ảnh hưởng lớn từ Bắc Kinh.

Mới đây Bắc Kinh thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti ở châu Phi và Hải quân nước này đã nhiều lần đưa tàu ngầm đến Ấn Độ Dương.

Thêm vào đó, Trung Quốc tham gia vào các dự án kinh tế lớn, cụ thể là sáng kiến “Một con đường, Một vành đai”, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối châu Á với châu Âu, qua đó củng cố và nâng cao tầm ảnh hưởng địa chính trị của mình đối với nhiều quốc gia.

Trong khi đó, chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn tỏ ra dè dặt thực hiện những bước đi có ý nghĩa quan trọng đối với châu Á, đặc biệt là với Trung Quốc.

Thay vì áp đặt lệnh cấm vận hoặc gây sức ép về mặt quân sự, Mỹ đẩy trách nhiệm cho nước khác.

Cụ thể, họ đẩy mạnh hợp tác quân sự với các nước Châu Á – Thái Bình Dương, khuyến khích các quốc gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nâng cao năng lực quốc phòng và hỗ trợ các nước đồng minh trong khu vực như Úc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ đã tiến đến gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ đã tiến đến gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.

Những động thái này là chưa đủ.

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, không như các đảo tự nhiên, Trung Quốc không được phép coi vùng biển có phạm vi 12 hải lý bao quanh các đảo nhân tạo là hải phận của nước này.

Chỉ mới gần đây, Mỹ đưa một tàu chiến tiến vào trong khu vực 12 hải lý, nhưng Mỹ chỉ dừng lại ở đó.

Washington không hề trực tiếp ngăn chặn Trung Quốc hay yêu cầu nước này ngừng các hoạt động xây dựng đảo.

Ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục nạo vét để xây dựng đảo, các quan chức Mỹ vẫn tin rằng quan hệ ngoại giao Trung – Mỹ không nên để bị ảnh hưởng bởi vấn đề Biển Đông.

Những bước đi như vậy đang khiến các nước nhỏ trong khu vực quan ngại sâu sắc. Họ hiểu rằng khi hai cường quốc đang thỏa hiệp với nhau, chính họ là những bên thiệt thòi.

Thật vậy, đã có quốc gia phải chấp nhận chịu thiệt. Năm 2012, Trung Quốc chiếm bãi Scarborough nằm trong vùng đặc khu kinh tế của Philippines.

Ngoài việc làm trung gian giúp Trung Quốc và Philippines rút tàu chiến khỏi khu vực này, Mỹ án binh bất động, mặc dù họ và Philippines đã có cam kết hợp tác quốc phòng.

Các nước nhỏ ở Châu Á sẽ không phải là những nước duy nhất phải lo lắng. Với tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông, xung đột ở đây có thể khiến toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương điêu đứng.

Hơn nữa, Trung Quốc còn có thể có những bước đi mạnh bạo ở Ấn Độ Dương cũng như phía Tây Thái Bình Dương.

Nếu Trung Quốc tiếp tục được phép có những động thái như hiện tại, nó sẽ trở thành tiền lệ xấu và là điều không một quốc gia nào trên thế giới mong muốn.

RELATED ARTICLES

Tin mới