Saturday, April 20, 2024
Trang chủThâm cung bí sửGiải mã thế cờ của Tập Cận Bình ở Hội nghị Bộ...

Giải mã thế cờ của Tập Cận Bình ở Hội nghị Bộ chính trị TQ

Thêm những tín hiệu từ Bắc Kinh cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phá được cục diện quyền lực tồn tại hàng chục năm qua ở Bộ chính trị nước này.

Ủy ban thường vụ Bộ chính trị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã triệu tập cuộc họp trong cả ngày 7/1 vừa qua, dưới sự chủ trì của ông Tập Cận Bình, để nghe báo cáo từ Ban bí thư trung ương và 5 cơ quan tổ đảng lớn nhất nước này.

Trang Đa Chiều (Mỹ) cho rằng thông báo “không bình thường” của các cơ quan thông tấn Trung Quốc về Hội nghị này đã phản ánh tình hình quyền lực trong giới lãnh đạo Trung Nam Hải thời điểm hiện tại.

Theo Đa Chiều, sau khi trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc, rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, ông Tập vừa thiết lập lại các tiểu ban quyết sách, đồng thời thông qua chiến dịch chống tham nhũng để cải tổ cơ cáu quyền lực.

Phá thế “cửu long trị thủy”

Tại Hội nghị 7/1, ông Tập đã nghe báo cáo công tác của Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Quốc vụ viện, Chính hiệp toàn quốc, Pháp viện (tòa án) nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Loại hình hội nghị báo cáo thế này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, tuy nhiên năm ngoái hội nghị không bao gồm phần báo cáo của Ban bí thư trung ương.

Năm nay, Bí thư thứ nhất Ban bí thư trung ương đảng CSTQ Lưu Vân Sơn là người báo cáo với ông Tập.

Đa Chiều phân tích, có khả năng hình thức này đã được Tập Cận Bình xây dựng thành hoạt động mang tính cơ chế. Bên cạnh đó, trong thông báo của truyền thông Trung Quốc cũng ẩn chứa nhiều tín hiệu đáng chú ý.

Giới quan sát chỉ ra, trong 5 cơ quan tổ đảng phải báo cáo với ông Tập, bên cạnh 2 trường hợp phổ thông là Viện trưởng Pháp viện tối cao Châu Cường và Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Tào Kiện Minh, thì 3 trường hợp còn lại đều là các Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, tức thuộc nhóm 7 người quyền lực nhất Trung Quốc.

3 người này gồm Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, Chủ tịch Nhân đại Trương Đức Giang và Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh.

Như vậy, bên cạnh 2 ông Tào, Châu, đã có 4/7 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị phải đứng ra báo cáo công tác.

3 trường hợp không báo cáo ở Hội nghị này là Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Vương Kỳ Sơn và Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, cùng với… chính ông Tập Cận Bình.


7 Ủy viên thường trực Bộ chính trị Trung Quốc tại lễ bế mạc Hội nghị Nhân đại toàn quốc lần 3 khóa XII hôm 15/3/2015 tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Ảnh: THX

7 Ủy viên thường trực Bộ chính trị Trung Quốc tại lễ bế mạc Hội nghị Nhân đại toàn quốc lần 3 khóa XII hôm 15/3/2015 tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Ảnh: THX

Trong các thông tin sau Hội nghị, Bắc Kinh cũng nhấn mạnh việc thực hiện quy phạm hóa và chế độ hóa đối với cơ chế “lãnh đạo trung ương tập trung thống nhất”.

Cơ chế các Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc phải báo cáo với lãnh đạo tối cao cũng trở thành động thái xác định rõ vai trò cấp trên-cấp dưới giữa ông Tập và 6 nhân vật quyền lực còn lại.

Tại hội nghị báo cáo đầu năm tháng 1/2015, Trung Nam Hải đã nhấn mạnh “quy củ chính trị”. Đây cũng trở thành “từ khóa” của hội nghị này.

Đa Chiều bình luận, từ “quy củ chính trị” năm ngoái cho đến sự nhấn mạnh “chế độ hóa và quy phạm hóa” năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình trên thực tế gần như đã đặt “dấu chấm hết” cho cục diện chính trị “cửu long trị thủy” dưới thời ông Hồ Cẩm Đào.

“Cửu long trị thủy” là khái niệm được truyền thông quốc tế đề cập, chỉ cơ chế lãnh đạo mà 9 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc như dưới thời ông Hồ Cẩm Đào được phân chia quyền lực tương đối đồng đều và mỗi người gần như trở thành “quyền lực tuyệt đối” trong hệ thống mình kiểm soát.

Giới lãnh đạo Trung Nam Hải hiện nay tin rằng chính sự tiêu cực của cơ chế trên đã tạo ra những “con hổ” như cựu Bí thư Ủy ban chính pháp trung ương Chu Vĩnh Khang, nhân vật một thời được gọi là “trùm an ninh” Trung Quốc.


Quyền lực của hổ béo Chu Vĩnh Khang được Bắc Kinh cho là hệ quả của cơ chế phân bổ quyền lực trong Bộ chính trị Trung Quốc dưới thời ông Hồ Cẩm Đào.

Quyền lực của “hổ béo” Chu Vĩnh Khang được Bắc Kinh cho là hệ quả của cơ chế phân bổ quyền lực trong Bộ chính trị Trung Quốc dưới thời ông Hồ Cẩm Đào.

“Lãnh đạo cốt lõi”

Đa Chiều cho hay, sự kiện Tập Cận Bình tiếp xúc lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tháng 11/2015 được thông báo trong nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc với mức độ bảo mật gia tăng.

Theo đó, ông Tập đã trao cho Chánh văn phòng Trung ương Lật Chiến Thư quyền đại diện trung ương, Quốc vụ viện và Quân ủy trung ương Trung Quốc để thông báo tới các lãnh đạo cấp 1 của các Bộ, tỉnh, quân đội nước này.

Hành động của Tập Cận Bình bên cạnh thể hiện sự tín nhiệm và vị thế chính trị của Lật Chiến Thư, còn cho thấy ông Tập đã nắm được quyền lực chắc chắn ở cả các vấn đề trong và ngoài đảng.

Tại một cuộc tọa đàm hồi tháng 5/2015, giáo sư Đại học quốc phòng Trung Quốc Mã Tuấn bình luận:”Nếu 10 năm sau Trung Quốc mới lại chống tham nhũng thì có 10 Tập Cận Bình cũng không cứu vãn được.

Ông Tập xuất hiện lúc này là phù hợp, có thể xem là ‘lãnh đạo cốt lõi thế hệ thứ 3’ thực thụ.”

Đánh giá của ông Mã thời điểm đó khiến dư luận Trung Quốc rất quan tâm, bởi khái niệm “lãnh đạo cốt lõi” thế hệ thứ nhất và thứ hai của Trung Quốc được dùng cho hai nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình.

Trong khi đó, “lãnh đạo cốt lõi thế hệ thứ ba” cho đến nay vẫn thường được hiểu là Giang Trạch Dân cùng đội ngũ lãnh đạo của ông này.

Với những hành động chấn chỉnh mạnh mẽ kỷ cương trong đảng CSTQ Trung Quốc, dẹp bỏ dần nguy cơ phân quyền như ông Hồ Cẩm Đào cùng cuộc cải cách quân đội đang diễn ra, giới phân tích tin rằng Tập Cận Bình đang có nhiều không gian để thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng và các kế hoạch cải cách kinh tế-xã hội để tạo dấu ấn riêng trong thời kỳ nắm quyền của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới