Thursday, April 18, 2024
Trang chủBiển nóngTham vọng quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc ngày càng...

Tham vọng quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc ngày càng lộ rõ

Bất chấp những tuyên bố của giới lãnh đạo Trung Quốc, thậm chí cả cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Obama nhân chuyến thăm Mỹ vừa qua về việc Trung Quốc không có ý định quân sự hóa Biển Đông, song trên thực tế, Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động thể hiện việc quân sự hóa đang được tiến hành một cách quyết liệt và việc quân sự hóa Biển Đông nằm trong chiến lược biến Trung Quốc trở thành siêu cường quân sự.

Ngày 02/01/2016, Hãng thông tấn AFP và đài RFI đưa tin Trung Quốc tái cấu trúc quân đội theo tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình về một “lực lượng quân đội hùng mạnh”, cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố “sẽ có những thay đổi lớn trong chính sách để thực hiện giấc mơ siêu cường quân sự”.(1)

Tuyên bố của ông Tập Cận Bình rõ ràng cho thấy Trung Quốc tiếp tục theo đuổi việc cải tổ quân đội nhằm hiện thực hóa mục tiêu hết sức tham vọng là củng cố sức mạnh quân sự áp đảo tại Châu Á và tăng cường khả năng đối phó với các nước phương Tây, mà trên hết là bảo vệ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.(2) Trong báo cáo chiến lược công bố vào tháng 05/2015, Bộ Quốc phòng đã không giấu giếm việc Bắc Kinh đang nuôi tham vọng củng cố và phát triển lực lượng hải quân để “tham gia vào công việc quốc tế´´. Bản báo cáo cũng bộc lộ rõ ý đồ của Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực Châu Á. Cụ thể, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân (Yang Yu Jun) đã nhấn mạnh: vai trò của quân đội là “bảo vệ lãnh thổ, chống lại sự gây hấn của các nước láng giềng gây hấn và sự can thiệp của Mỹ”.(3)

Ngay từ khi mới lên cầm quyền năm 2013, mối quan tâm lớn của ông Tập Cận Bình là tăng cường khả năng chiến đấu và mở rộng quy mô của lực lượng hải quân giải phóng quân Trung Quốc (PLAN). Ông Tập Cận Bình đã chủ động thực hiện một chiến lược dài hơi nhằm canh tân quân đội với hai mục tiêu chính: i) tăng cường kiểm soát chính trị đối với lực lượng vũ trang, chủ yếu là dưới sự lãnh đạo “tập trung và thống nhất” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) (4) và ii) dùng sức mạnh quân sự để tạo ảnh hưởng trên trường quốc tế. (5)

Cụ thể, vào tháng 11/2015, các quan chức Bắc Kinh cho biết quân đội sẽ được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ban lãnh đạo CPC mà nhân vật chỉ huy tuyệt đối là Tập Cận Bình, đồng thời Trung Quốc sẽ chuẩn bị kế hoạch tiết giảm quân số từ 2 triệu xuống 300 ngàn nhằm “nâng cao hiệu quả chiến đấu”.(6)

Nhằm nâng cao khả năng tác chiến và kiện toàn hơn nữa chất lượng của quân đội Trung Quốc, trên cơ sở tập trung quyền lực ở mức độ cao hơn so với các lãnh đạo trước đó, ông Tập đã thể hiện quyết liệt trong chiến dịch bài trừ tham nhũng ngành quân sự, kẻ thù số 1 của quân đội Trung Quốc (PLA). (7) Một mặt, ông đã mạnh tay loại trừ hàng loạt tướng lãnh trong chiến dịch chống tham nhũng và nạn mua quan bán chức trong quân đội; mặt khác cẩn thận chọn ra những lãnh đạo có khả năng diệt tận gốc rễ nạn tham nhũng.(8) Dựa trên các tính toán và đánh giá, nhà phân tích Nghê Lạc Hùng (Ni Le Xiong), Đại học Thượng Hải hoàn toàn tự tin rằng với cuộc cải cách này, khả năng tác chiến của ba binh chủng chủ lực của Trung Quốc sẽ bắt kịp quân đội Tây Âu và Hoa Kỳ.

Trang The Diplomat nhận định, những cuộc cải tổ này tập trung đi vào giải quyết những vấn đề tồn tại trong tổ chức của PLA để hoàn thành mục tiêu lớn nhất là đưa lực lượng này trở thành lực lượng chiến đấu, chiến thắng (9).

Bình luận về việc Trung Quốc thành lập thêm các đơn vị quân đội, đóng thêm hàng không mẫu hạm, AFP cho rằng Bắc Kinh sẽ gây ra những cơn “thịnh nộ” từ phía Mỹ và các quốc gia láng giềng. Bên cạnh đó, sự kiện hải quân và không quân Trung Quốc liên tục can dự vào những cuộc đối đầu tranh chấp biển đảo với Nhật và Philippines, cũng như các hoạt động trên thực địa khác của Trung Quốc trên Biển Đông gây lo ngại sẽ dẫn đến xung đột võ trang. Điều này là hoàn toàn có cơ sở vì các nhà chức trách Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố một cách đanh thép rằng Trung Quốc sẽ không đặt ra ngoài việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, kể cả trong các tranh chấp nhạy cảm với các nước láng giềng, miễn sao có thể đảm bảo mục tiêu bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của mình. Điều này đặt ra các thách thức lớn cho an ninh trong khu vực cũng như trên quy mô toàn cầu.

Ngay từ ngày đầu năm dương lịch 2016, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu thép Trung Quốc (khả năng tàu quân sự Trung Quốc cải trang) nhiều lần tấn công và đâm chìm một cách thô bạo. Trong khi đó, ở Trường Sa, Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự trên các bãi ngầm được tôn tạo, bồi lắp thành đảo nhân tạo. Nghiêm trọng hơn, ngày 02/01/2016, lần đầu tiên Trung Quốc cho một phi cơ dân sự hạ cánh trên đường băng mà họ vừa xây xong trên đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa. Đường băng trên đá Chữ Thập dài hơn 3.100 mét, chiều dài đủ để tiếp nhận các loại oanh tạc cơ tầm xa, phi cơ vận tải và các chiến đấu cơ hiện đại nhất.

Theo điều tra của Sáng kiến Hàng hải Minh bạch Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), một số cấu trúc và cơ sở vật chất trên đá Chữ Thập có thể cho phép cơ sở này trở thành nút giao tiềm lực lớn của Trung Quốc trên Biển Đông. Ý nghĩa chiến lược của đường băng và các cơ sở trên đá Chữ Thập và các đảo nhân tạo khác của Trung Quốc tại Trường Sa rất lớn, chúng cho phép Bắc Kinh hiện diện ngay ở trung tâm vùng biển khu vực Đông Nam Á, điều mà từ trước đến nay Trung Quốc chưa làm được. Các nhà phân tích cũng cho biết, “dù chỉ một phần diện tích nhỏ thôi nhưng khi cần đến, những cơ sở vật chất này sẽ là bệ đỡ cho sự bành trướng của Trung Quốc ra toàn khu vực trong tương lai, và rất có thể cũng hỗ trợ cho một cuộc xung đột ở phạm vi hẹp trong khu vực đầy bất ổn này”(10).

Việc này, theo giới quan sát và chuyên gia phân tích, cho thấy hoạt động xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo trong khu vực tranh chấp đang được Trung Quốc hoàn thành đúng tiến độ. Trong thời gian sắp tới, các chuyến bay quân sự Trung Quốc chắc chắn sẽ đến hiện trường để triển khai quân sự hóa khu vực, bất chấp phản đối của các láng giềng và cộng đồng quốc tế.

Để biện minh cho tất cả những hành động phi pháp và khiêu khích này, Trung Quốc vẫn chỉ tung ra duy nhất một lí do là bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của mình, gắn với “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng nước cận kề – thứ lý do mà chính phía Trung Quốc chưa từng một lần công khai làm rõ. Chưa kể, vào ngày 20/11/2015, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập thủy chiến giả định ở “một số vùng biển” trên Biển Đông, triển khai nhiều tàu trục hạm lớn, tàu khu trục và trực thăng điều khiển từ xa cùng với nhiều loại tàu ngầm mới.(12)

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cho rằng với quốc gia đang trên đà lớn mạnh như Trung Quốc, càng phát triển lên cao lại càng phải đối mặt với nhiều áp lực và tăng cường sức mạnh trên các bình diện là cách duy nhất để đối phó với các áp lực. Thế nhưng cách mà Trung Quốc lựa chọn từ trước đến nay, tăng cường quân sự và chèn ép các nước láng giềng để thực hiện tham vọng phi lý dưới chiêu bài “bảo vệ lợi ích cốt lõi”, đã xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), khiến tình hình căng thẳng ở Biển Đông đã trở nên phức tạp, nghiêm trọng hơn rất nhiều. Những hành động đơn phương đó đang đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, làm gia tăng nguy cơ đối đầu và nguy cơ chạy đua vũ trang trên diện rộng tại Biển Đông.

[1] Trung Quốc tái cấu trúc quân đội theo tham vọng của Chủ tịch Tập về một “lực lượng quân đội hùng mạnh”(China restructrures military as Xi eyes “Strong Army”), xem tại<http://www.english.rfi.fr/china-restructures-military-xi-eyes-strong-army>, [cập nhật ngày 02/01/2016]

[2] Trích Toàn văn Sách trắng về Chiến lược Quân sự Trung Quốc trên trang báo điện tử Tân Hoa Xã ngày 26/5/2015, <http://www.news.xinhuanet.com/english/china/2015-05/26/c_134271001.htm>

[3] “Năm điều Hoa Kỳ cần biết về lực lượng quân đội mới của Trung Hoa” (5 things America needs know about China’s new military) http://www.nationalinterest.org/blog/the-buzz/5-things-america-needs-know-about-chinas-new-military-12987

[4]Theo Sách trắng mới, quân đội Trung Quốc nắm giữ trọng trách toàn cầu (In new white paper, China’s military embraces global mission), xem tại <http://www.thediplomat.com/2015/05/in-new-white-paper-chinas-military-embraces-global-mission>, [cập nhật ngày 28/5/2015]

[5] Xem chú thích 2

[6] Xem chú thích. 1

[7] “Châu Á cần biết: Quân đội Trung Quốc đang ngày một hùng mạnh và nguy hiểm hơn” (Take notice Asia: China’s military is getting leaner and more lethal), xem tại <http://www.thediplomat.com/2015/12/take-notice-asia-chinas-military-is-getting-leaner-and-more-lethal>, [cập nhật ngày 01/12/2015]

[8] Có thể kể đến trường hợp ông Wang Qishan được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Trung ương Giám sát Kỷ luật đã gây tác động mạnh mẽ đến chiến dịch bài trừ tham nhũng ở nước này, theo bài báo “Theo Sách trắng mới, quân đội Trung Quốc nắm giữ trọng trách toàn cầu” (In new white paper, China’s military embraces global mission) trên trang The Diplomat ngày 28/5/2015, xem chú thích. 2

[9] Xem chú thích 7

[10]“Phản biện bài báo Ai mới là kẻ xâm lược lớn nhất ở Biển Đông?” (Who Is the Biggest Aggressor in the South China Sea? (A Rejoinder) xem tại <http://thediplomat.com/2015/06/who-is-the-biggest-aggressor-in-the-south-china-sea-a-rejoinder/>, cập nhật ngày 21/6/2015

[11]“Trung Quốc tập trận quân sự trên Biển Đông” (China conducts military drills in South China Sea), xem tại <http://news.xinhuanet.com/english/2015-11/20/c_134838015.htm>, [cập nhật ngày 20/11/2015]

[12] “Tàu sân bay mới góp phần hoàn thiện hệ thống quốc phòng quốc gia” (New aircraft carrier leads to complete national defense system), xem tại <http://www.globaltimes.cn/content/961393.shtml>, [cập nhật ngày 31/12/2015]

RELATED ARTICLES

Tin mới