Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ né được cái bề mặt, nhưng chẳng tránh nổi cái cốt...

TQ né được cái bề mặt, nhưng chẳng tránh nổi cái cốt lõi

Trong bài viết đăng trên Bloomberg, chuyên gia Michael Schuman cho rằng Trung Quốc tuy có thể tránh một cuộc khủng hoảng toàn diện, nhưng không thể mãi tránh nổi những “cơn đau”.

Ảnh: Reuters

“Tất cả các mảnh ghép đã hợp nhất để tạo nên bức tranh hoàn chỉnh về một cuộc khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc” – ông Schuman bi quan nhận định ngay từ đầu bài viết.

Chuyên gia đã có hàng chục năm nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc này chỉ ra rằng, hiện nay, đồng NDT đang suy yếu, và nếu cứ để như hiện nay sẽ còn mất giá hơn. Dòng vốn ra đã đạt mức kỉ lục. Dự trữ ngoại tệ thì chạm đáy.

Thị trường chứng khoán Thượng Hải lao dốc không phanh đã quét sạch hoàn toàn những gì thu được từ đợt bull run năm 2015. Nghiêm trọng hơn, tầng lớp lãnh đạo vốn được đánh giá cao về khả năng điều tiết lanh lợi giờ cũng lắc đầu ngán ngẩm không biết mình phải làm gì.

Ông Schuman nhận định, sự kết hợp của những yếu tố nói trên thừa sức hạ gục bất kì một nền kinh tế đang lên nào. Chúng có khả năng đánh sập hệ thống ngân hàng, khiến tăng trưởng “bốc hơi”, và thậm chí dẫn đến phá sản trên quy mô toàn quốc.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn tránh được một cuộc khủng hoảng toàn diện, như cơn ác mộng mà Wall Street (2008) và bộ ba nền kinh tế châu Á Thái Lan-Indonesia-Hàn Quốc (1997) từng phải cay đắng trải qua.


Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã khiến nhiều nước châu Á điêu đứng. Ảnh: GoHighBrow.com

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã khiến nhiều nước châu Á điêu đứng. Ảnh: GoHighBrow.com

Theo chuyên gia Schuman, vẫn tồn tại khả năng chính phủ Bắc Kinh sẽ có những biện pháp chèo lái sao cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không “chìm xuồng” hoàn toàn.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, kể cả khi kinh tế Trung Quốc tránh được một cuộc khủng hoảng toàn diện trên giấy tờ, thì điều đó cũng không có nghĩa là nước này có thể thoát được những “cơn đau” mà một cuộc khủng hoảng như vậy đem lại.

“Dù chính phủ Trung Quốc có áp dụng đòn bẩy nào đi chăng nữa, thì nước này cũng không thể mãi tránh được hậu quả do những vấn đề mang tính gốc rễ trong nền kinh tế đem lại” – ông Schuman nhận định.

Lịch sử không ủng hộ Trung Quốc

Theo chuyên gia Schuman, thứ nhất, lịch sử rõ ràng không đứng về phía Bắc Kinh.

Sau khi phân tích tất cả những cuộc khủng hoảng của các thị trường đang lên trong 30 năm qua, hãng nghiên cứu Capital Economics (CE) đi đến kết luận, “không một quốc gia nào với tỉ lệ private debt/GDP tăng 30% chỉ trong một thập kỉ mà không gặp vấn đề”.

Theo CE, kể cả trong trường hợp khả quan nhất, các quốc gia “trèo cao” này cũng phải hứng chịu một cú “ngã đau” với nhiều năm tăng trưởng giảm sút trầm trọng.

Và với tỉ lệ private debt/GDP tăng tới 80% lên thành 200% trong thập kỉ qua, Trung Quốc gần như chắc chắn không thể tránh khỏi một cú ngã đau như vậy, hay thậm chí còn trầm trọng hơn.

Theo ông Schuman, khả năng “quả bom” nợ Trung Quốc nổ tung đang ngày một gia tăng, bởi chính phủ nước này thay vì tìm cách gỡ bom lại đang… cho thêm TNT.

Lo sợ những hệ quả chính trị từ một nền kinh tế tăng trưởng chậm, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã và đang cho vay thả phanh, khiến tăng trưởng tín dụng ngày một leo thang.

Trong khi đó, cú hích cho nền kinh tế mà Bắc Kinh trông đợi lại vẫn chưa có vẻ gì sẽ xuất hiện, một dấu hiệu cho thấy những khoản vay này đang được sử dụng một cách thiếu hiệu quả.

Điều này lại càng gia thêm gánh nặng nợ, khiến cú ngã đã được dự báo trước thậm chí còn đau đớn hơn nữa cho Trung Quốc.

Ngoài ra, chuyên gia Schuman cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ gần như chắc chắn phải cắn răng giảm mạnh quy mô nền công nghiệp nước này. Các công ty Trung Quốc đang làm ra quá nhiều sắt thép, than, xi-măng, và nhiều nguyên liệu khác, và hậu quả đang dần được cảm nhận rõ nét.

Cuối tháng 1 vừa qua, Quốc vụ Viện Trung Quốc tuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến độ giảm mạnh quy mô ngành công nghiệp sản xuất thép, như một biện pháp để cải tổ nền công nghiệp. Nhưng theo ông Schuman, cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Viện Nghiên cứu và Tổ chức Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (CMIPRI) ước tính, các đợt cắt giảm sắp tới sẽ khiến khoảng 400.000 công nhân thép mất việc. Và không chỉ riêng thép, các ngành công nghiệp sản xuất khác cũng sẽ chịu chung cảnh ngộ.


400.000 công nhân gang thép Trung Quốc đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Ảnh: AFP/Getty Images

400.000 công nhân gang thép Trung Quốc đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Ảnh: AFP/Getty Images

Tất cả những vấn đề nói trên không sớm thì muộn cũng sẽ được phản ánh trên bản cân đối kế toán của các ngân hàng.

Bắc Kinh vẫn tuyên bố những vấn đề hiện nay chỉ gây ảnh hưởng nhỏ tới sự ổn định của hệ thống ngân hàng, với mức cho vay không hiệu quả chỉ chiếm 1,6% tổng vay. Trong khi đó, các thống kê phi chính phủ đều chỉ ra tỉ lệ cho vay không hiệu quả trong khoảng từ 9 đến 20%.

Theo ông Schuman, điều này không có nghĩa các ngân hàng Trung Quốc sẽ sụp đổ như Lehman khi xưa, bởi nhà nước gần như chắc chắn sẽ ra tay giải cứu. Nhưng cũng giống như trong bài toán giảm thiểu cơ cấu công nghiệp nói trên, cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Theo ước tính, cái giả phải trả để cứu vớt hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể lên đến 7,7 nghìn tỉ USD, tức 3/4 GDP Trung Quốc trong năm 2014.

Những con số này thoạt nhìn có vẻ không tưởng, nhưng trong lịch sử đã có những tiền lệ như vậy. Indonesia từng phải bỏ ra một khoản trị giá 57% GDP nước này để cứu hệ thống ngân hàng, và con số đó trong trường hợp của Hàn Quốc là 31%.

Nếu áp dụng tỉ lệ của Hàn Quốc, quốc gia áp dụng mô hình phát triển dựa trên đầu tư có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc, thì Bắc Kinh sẽ phải bỏ ra 3 nghìn tỉ USD để tái thiết hệ thống ngân hàng nước này.

Theo ông Schuman, có lẽ giới chức Trung Quốc đang hi vọng rằng, nếu kinh tế nước này giữ được mức tăng trưởng không giảm quá sâu như hiện nay, thì các vấn đề nói trên sẽ tự khắc được giải quyết.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng việc trì hoãn đưa ra những quyết định khó khăn sẽ chỉ ảnh hưởng tiêu cực hơn đối với tăng trưởng trong tương lai, và khiến cái giá phải trả lớn hơn.

“Dùng thuật ngữ nào để mô tả các vấn đề của Trung Quốc không quan trọng, bởi rốt cuộc thì một cuộc khủng hoảng dù có được nhắc đến bằng cái tên nào đi chăng nữa, thì hậu quả vẫn hết sức tồi tệ” – ông kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới