Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHọc giả Mỹ khuyên nhủ nước Nga: Sự chân thành áp đặt

Học giả Mỹ khuyên nhủ nước Nga: Sự chân thành áp đặt

Một sai lầm cố hữu của Mỹ: tìm cách áp đặt cách nhìn về một cơ cấu nhà nước được cho là lý tưởng, với Nga là không thể chấp nhận.

Mới đây, ngày 19/1, phóng viên báo “Lenta.ru” A.Naumov đã đến thăm trụ sở Viện Kennan tại Washington chuyên nghiên cứu về Nga và các nước trong không gian Hậu Xô Viết và đã có một cuộc trao đổi với Giám đốc Viện  M. Rojansky về quan hệ Nga- Mỹ và một số vấn đề khác.

 Xin giới thiệu cùng bạn đọc để tham khảo. Các ảnh và chú thích ảnh trong bài là của “ Lenta.ru”.

Xin được lưu ý, George Frost Kennan (1904-2005), nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu chính trị và sử gia Mỹ. Năm 1933, phiên dịch cho đại sứ Mỹ đầu tiên tại Liên Xô William Bullitt . Từ 1934 đến 1938, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Mỹ tại Liên Xô, từ năm 1945 đến 1946 – cố vấn Đại sứ quán. Từ tháng 5 đến tháng 9/1952 – Đại sứ Mỹ tại Liên Xô.

Viện Kennan được thành lập năm 1974 chuyên nghiên cứu các khía cạnh chính trị , xã hội và kinh tế Liên Xô. Viện này đã mở chi nhánh tại Matxcova ngay sau khi Liên Xô tan rã. Xin nói thêm, đây là một trong nhà tư vấn chính sách chủ chốt cho Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.

Còn sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn: 

“Lenta.ru”: Chúng ta hãy thử cùng hình dung tôi là Tổng thống Mỹ mới đắc cử và bắt đầu xây dựng chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Những gì tôi cần phải biết về nước Nga?

M.Rojansky: Trước hết là tôi xin chúc mừng bạn – không chỉ vì bạn đã chiến thắng, mà còn vì bạn đã tiếp cận việc xây dựng chương trình đối ngoại một cách rất có trách nhiệm. Đây là một quyết định rất đúng đắn, bởi vì khác với các tổng thống tiền nhiệm, có vẻ như bạn không có những định kiến trước về nước Nga và niềm tin quá cứng nhắc vào những hành động của mình.

Phần lớn các ứng cử viên (Tổng thống Mỹ) hiện nay đã đưa ra những cam kết liên quan đến chính sách đối với Nga– đó là một sai lầm tệ hại, bởi vì khi bạn trở thành tổng thống, bạn sẽ biết rất nhiều chi tiết mới về mối quan hệ song phương.

Ví dụ, J. Kennedy, trong thời gian tranh cử tổng thống trong những năm 60, từng tuyên bố rằng Mỹ đã thua Liên Xô trong cuộc chạy đua tên lửa. Sau này thì ông biết rằng không phải như vậy và thay đổi hoàn toàn chính sách của mình đối với Liên Xô.

“Lenta.ru”: Những thông tin về thực trạng vũ khí tên lửa Liên Xô chi được cung cấp nhờ các họat động tình báo– khi nói về những chi tiết chưa được biết tới trước đó, có phải ông muốn nói những thông tin bí mật mà chỉ tổng thống mới có quyền được biết? 

M.Rojansky: Ngoài những thông tin bí mật, người đứng đầu nhà nước còn nhận các báo cáo phân tích chi tiết và ông ta có thời gian để nghiên cứu chúng. Còn trong khi bạn đang  vận động tranh cử, bạn sẽ dành gần như toàn bộ thời gian để đề nghị giúp đỡ kinh phí hoặc kêu gọi cử tri bầu cho mình– đơn giản là không thể có thời gian để đi sâu vào các chi tiết.

Còn về nước Nga, nhà sáng lập Viện của chúng tôi là J. Kennan (như đã nói ở trên –ND)  vào năm 1946 đã từng viết là đất nước này luôn có các tiềm năng kể cả để hợp tác lẫn để đối đầu với Phương Tây. Chính vì thế mà luôn phải nhìn nhận nước Nga một cách rất nghiêm túc, và Kennan cũng đã nói về điều đó–đi kèm với các tuyên bố dứt khoát phải có những hành động cụ thể. Đối tác không hiệu quả nhất của Nga tại Phương Tây sẽ là những người nói nhiều nhưng làm ít.

Người Nga cho đó là biểu hiện của sự yếu kém. Ít các phát biểu hùng hồn đi và hành động nhiều hơn–đấy là một nguyên tắc rất quan trọng.

Còn một sai lầm cố hữu nữa của nước Mỹ: tìm cách áp đặt cách nhìn của mình về một cơ cấu nhà nước được cho là lý tưởng. Cách tiếp cận như vậy có thể hiệu quả với  những nước khiêm tốn hơn, những nước không lớn lắm, nhưng đối với những nước có trọng lượng– Nga hay là, ví dụ như, Trung Quốc– họ sẽ không chấp nhận những yêu sách như vậy. Chúng tôi cho rằng đấy là nguyên nhân cốt lõi của tất cả sự đối đầu, bởi vì trong 25 năm qua người Nga chưa một lần thấy nước Mỹ sẵn sàng chấp nhận đất nước của họ như trên thực tế họ có.

Nếu như trong năm 1996, người Nga muốn bầu một đảng viên cộng sản là Tổng thống – tại sao chúng tôi lại không thể cho phép họ làm điều đó? Chúng tôi cho đó là thách thức các lợi ích của chúng tôi, đấy là sự lựa chọn sai lầm của nước Nga và là một quyết định sai lầm của dân Nga! Có nghĩa là chúng tôi (Mỹ) quyết định là nước Nga cần phải trở thành một nước như thế nào! Nói chung, nước Mỹ cần một sự cân bằng giữa những hành động hiệu quả đáp trả các thách thức lợi ích Mỹ và sự tôn trọng chủ quyền của các nước khác. 

RELATED ARTICLES

Tin mới