Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông tuần thứ 5 (28/01 - 05/02/2016)

Bản tin Biển Đông tuần thứ 5 (28/01 – 05/02/2016)

Tình hình Biển Đông trong tuần (28/01 – 05/02/2016) tiếp tục có những căng thẳng mới do một loạt các hoạt động của các bên tranh chấp, đặc biệt là việc Người đứng đầu sắp mãn nhiệm của Đài Loan – ông Mã Anh Cửu đã tiến hành chuyến thăm ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu

Đồng thời, các nước lớn cũng có nhiều động thái can dự mạnh mẽ hơn tại khu vực, cụ thể như sau:

1) Người đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu bay ra thăm đảo Ba Bình – Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị về vấn đề Biển Đông

Trong một động thái làm gia tăng căng thẳng đối với điểm nóng tranh chấp Trường Sa, hãng Thông tấn REUTERS ngày 28/1 cho biết, người đứng đầu Đài Loan, ông Mã Anh Cửu đã có chuyến đi ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền lãnh thổ của mình đối với Ba Bình. Động thái của phía Đài Loan đã khiến Việt Nam, Mỹ và các nước liên quan hết sức thất vọng khi mà Đài Loan, cùng với Trung Quốc ngày càng có nhiều hành vi thiếu tính xây dựng, tác động tiêu cực đến tranh chấp chủ quyền đối với Trường Sa, làm cho các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp tại Biển Đông ngày càng trở nên xa vời.

Trong khi đó, phía Trung Quốc có vẻ như được mở cờ trong bụng, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc ngay lập tức đã bày tỏ sự ủng hộ bằng việc tuyên bố Trung Quốc và Đài Loan có nghĩa vụ chung trong việc bảo vệ chủ quyền của người Trung Quốc tại vùng biển này.

Không chỉ Đài Loan, Trung Quốc cũng “góp phần” biến những nỗ lực và thiện chí của ông Kerry nhằm cùng tìm kiếm giải pháp ở Biển Đông thành muối bỏ bể. Chỉ trước đó 1 ngày, Ngoại trưởng Kerry trong chuyến công du Châu Á đã tới Trung Quốc và có cuộc hội đàm “mang tính xây dựng”, “thẳng thắn” dài hơn 4 giờ với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, cho đến khi hai bên đưa ra quan điểm hoàn toàn chống đối nhau tại cuộc họp báo chung. Bỏ ngoài tai những lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu Trung Quốc dừng việc cải tạo mở rộng đảo và xây dựng đường băng tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông gây quan ngại cho các nước láng giềng nhỏ hơn và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm các nền tảng chung giữa các nước cùng có tuyên bố chủ quyền và tránh gia tăng căng thẳng, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp tục điệp khúc “các đảo tại Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc từ lâu đời”, “Việc Trung Quốc xây dựng các công trình phòng vệ không có quan hệ gì đối với quân sự hóa”. Ông Vương Nghị phủ nhận Trung Quốc không làm gì ngoài việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình và lớn tiếng phản bác quan niệm của Mỹ và các nước khác. Ông ta cương quyết rằng Trung Quốc đã thể hiện cam kết không tham gia vào cái gọi là quân sự hóa, sẽ tôn trọng cam kết đó do đó khó chấp nhận được luận điệu cho rằng Trung Quốc chỉ có nói nhưng không làm.

2) Sự kiện tàu Hải quân Hoa Kỳ đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn

Ngày 30/01, nhiều báo như REUTERS, UPI, WSJ, ABC News, CNN, AP, New York Times, Washington Post, Strait Timesđã đồng loạt đưa tin về việc tàu Hải quân Hoa Kỳ đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc và Đài Loan cũng có yêu sách chủ quyền. Các bên liên quan đã có phản ứng đối nghịch liên quan đến sự kiện này.

Phía Mỹ cho rằng đây là hoạt động qua lại vô hại thực hiện theo các quy định của Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc và việc Hoa Kỳ thực hiện quyền tự do hàng hải của mình là nhằm tái khẳng định lại tuyên bố của Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter về việc Hoa Kỳ sẽ cho máy bay, tàu thuyền hoạt động ở tất cả những nơi luật pháp quốc tế cho phép để thực hiện quyền tự tự do hàng hải, nhưng tuyệt đối không thách thức tuyên bố chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào đối với đảo Tri Tôn mà chỉ nhằm vào những đòi hỏi quá đáng đối với vùng nước xung quanh đảo.

Chủ tịch Tiểu ban về Hải quân Ủy ban Quân lực Hạ viện Randy Forbes cũng ra tuyên bố bày tỏ hài lòng với việc Hoa Kỳ đã thực hiện các quyền của mình một cách thường xuyên và hành động này đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về các cam kết của Hoa Kỳ đối với châu Á và luật pháp; kêu gọi chính quyền tiếp tục thực hiện các chiến dịch tự do hang hải và các quốc gia hàng hải cần cùng Hoa Kỳ chia sẻ, thực thi quyền tự do hàng hải.

Theo bình luận của các báo lớn, đây là hành động mới nhất trong chuỗi hành động của Hoa Kỳ nhằm thách thức những nỗ lực gần đây của Trung Quốc trong việc gia tăng các đòi hỏi chủ quyền và hàng hải trong khu vực, tiếp sau chuyến tuần tra quanh đảo nhân tạo tại đá Xu-bi trong quần đảo Trường Sa tháng 10/2015. Tờ Ashahi Shimbun của Nhật Bản còn cho biết tàu này đã được thực hiện các hoạt động trong vùng biển nói trên trong ngày 29/1 theo giờ địa phương. Động thái này của Hải quân Mỹ nhằm mục đích kiềm chế các nỗ lực vươn ra đại dương bằng sức mạnh của Trung Quốc.

Trong ba nước có tuyên bố chủ quyền, chỉ có Trung Quốc phản đối dựa trên cách diễn giải của riêng mình, vừa “phẫn nộ” vừa “cố tình tỏ ra mơ hồ” (“Trung Quốc phản đối hoạt động thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông”, the Diplomat ngày 02/02); trong khi đó Đài Loan và Việt Nam đều không phản đối.Tuy nhiên, Trung Quốc lại để tàu này thực hiện chuyến tuần tra kéo dài 03 tiếng theo hình thức “qua lại vô hại” mà không đưa ra bất kỳ phản ứng cụ thể nào khi đó. Chỉ sau khi sự kiện xảy ra, trong cuộc họp báo thường xuyên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 01/02, Người phát ngôn Lục Khảng đã lập tức đưa ra phản đối đối với hành động của Mỹ, ngang nhiên cho rằng nước này đã viện cớ tự do hàng hải để làm tổn hại “chủ quyền, an ninh, quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc”, cuộc tuần tra được tiến hành mà không báo trước cho bất kỳ quốc gia nào. Cụ thể, ông này lớn tiếng tuyên bố tàu khu trục gắn tên lửa US Curtis Wilbur đã vi phạm luật pháp của Trung Quốc (cụ thể là Luật năm 1992 và năm 1996, xem thêm tại <http://news.usni.org/2016/01/31/china-upset-over-unprofessional-u-s-south-china-sea-freedom-of-navigation-operation>) khi đi vào lãnh hải quần đảo Hoàng Sa mà chưa được phép. Bên cạnh đó, ông ta còn chỉ trích “kế hoạch tự do hàng hải” hay “hoạt động tự do hàng hải” mà Mỹ đã ra sức truyền bá bấy lâu nay là không tuân theo luật pháp quốc tế được công nhận, bất chấp an ninh chủ quyền, quyền và lợi ích hàng hải của các nước trong khu vực, làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh khu vực. Ông Lục Khảng kịch liệt lên án hành động “nguy hiểm và vô trách nhiệm”, buộc tội Mỹ đang thực hiện âm mưu bá quyền trên biển dưới danh nghĩa “tự do hàng hải”, đi ngược lại lập trường của các nước trong cộng đồng quốc tế nói chung và các nước đang phát triển nói riêng. Đối với Trung Quốc, những động thái quân sự và gây căng thẳng của Mỹ chính là lý do đầu tiên và trước hết cho tình hình quân sự hóa ở Biển Đông. Cùng ngày, Tân Hoa Xã cũng trích dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh yêu cầu Mỹ phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc thì mới có thể tăng cường lòng tin giữa hai nước và góp phần vào hoà bình, ổn định trong khu vực.

Bài viết “Bình luận: Ai mới là kẻ thách thức trật tự thế giới?” trên trang điện tử của Tân Hoa Xã ngày 01/02 đã thể hiện thái độ vô cùng gay gắt, chỉ trích Hoa Kỳ đã vô cớ chĩa mũi dùi vào Trung Quốc, coi Trung Quốc là bên đã đe dọa đến “tự do hàng hải” ở Biển Đông và có những động thái “thách thức trật tự quốc tế”, để qua đó lèo lái cho dư luận thấy rằng động thái gần đây nhất của Mỹ điều tàu đến vùng thuộc chủ quyền của Trung Quốc khi chưa được đồng ý mới là hành động vi phạm chủ quyền của quốc gia khác, đơn phương tiến hành các hoạt động và đó mới là “thách thức trật tự quốc tế”.

Thừa mơ hồ, thiếu xác thực, lần này Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại lặp đi lặp lại luận điệu từ vụ việc tàu US Lassen hồi tháng 10, rằng hành động của Hoa Kỳ “đã đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc” mà không đưa ra một giải thích nào, cùng với đó thậm chí đôi khi còn tự phong yêu sách phi lý của mình là “giới hạn cảnh báo quân sự” – một thứ danh xưng vô nghĩa chưa bao giờ được luật quốc tế công nhận, theo bài viết “Tàu khu trục Hoa Kỳ trở lại để khẳng định quyền tự do hàng hải ở quần đảo Paracel (Trường Sa)” mới đây trên tờ The Diplomat.

Không chỉ dừng lại việc cáo buộc vô căn cứ này, trang Tân Hoa Xã ngày 30/01 đăng tải bài viết “Trung Quốc cảnh báo Hoa Kỳ không làm xói mòn lòng tin” để tiếp tục “củng cố” cho những tuyên bố chính thức mơ hồ nhưng cũng rất cứng rắn của phía các nhà chức trách Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân chỉ trích cuộc tuần tra và các hành động tương tự của Hoa Kỳ là những hành động thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm đối với sự an toàn của quân đội cả hai bên, có thể dẫn đến những hậu quả cực kỳ nguy hiểm. Dù chẳng tìm thấy một cơ sở hay bằng chứng nào song ông Dương Vũ Quân vẫn một mực quả quyết phía Mỹ hoàn toàn nhận thức được vấn đề mà vẫn cố tình đưa tàu chiến vào lãnh hải của Trung Quốc khi không được phép, và quy lại là Hoa Kỳ “rõ ràng cố ý khiêu khích”. Như “bắt được vàng”, Trung Quốc không ngần ngạibộc lộ ý đồ sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề, khi ông Dương nói các hành động khiêu khích của Hoa Kỳ sẽ trở thành lý do cho quân đội Trung Quốc chuẩn bị mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc lãnh thổ và an ninh. Theo IHS Jane’s ngày 28/1, Hải quân Trung Quốc có thể sẽ điều một tàu sân bay có khả năng vận hành trong khoảng thời gian dài ở Biển Đông để đối phó với những hoạt động tự do hàng hải của Mỹ. Để phản pháo đôi chút việc một số nước lên án Trung Quốc luôn có kiểu lời nói không đi đôi với việc làm, giới báo chí truyền thông đầu năm đã được Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhỏ giọt một vài thông tin về việc tàu sân bay trong nước đầu tiên, và tàu sân bay thứ hai của PLAN đang được xây dựng sau khi chiếc Liaoning đã đi vào hoạt động từ ngày 25/9/2012. Bài viết “Tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc” trên báo The Diplomat ngày 18/01 khẳng định, dù các nguồn thông tin còn chưa đảm bảo chính xác và đầy đủ song có thể đưa ra kết luận sớm là Trung Quốc sẽ không ngừng thúc đẩy tham vọng tàu sân bay của mình, bởi hơn cả một biểu tượng cho sức mạnh vượt trội của quốc gia, chương trình tàu sân bay Trung Quốc là một bộ phần không thể tách rời của chiến dịch tổng thể của PLAN nhằm đáp ứng sự phát triển và nguyện vọng của Trung Quốc là thể hiện vai trò an ninh toàn cầu tích cực hơn, như gần đây đã thể hiện ở khu vực Ấn Độ Dương, bao gồm châu Phi và vùng Trung Đông và PLAN sẽ không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để hoàn thiện hoạt động xây dựng và vận hành chương trình này. Tuy nhiên, báo National Interest ngày 02/02 khẳng định việc Trung Quốc tăng cường mở rộng khả năng quân sự nhằm hạn chế tối đa Hoa Kỳ đi vào khu vực lại trở thành nguy cơ đe dọa các nước láng giềng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, bởi sự ngày càng quyết đoán trong hành động của Trung Quốc đã và đang gây quan ngại lớn cho các nước này, rằng liệu Trung Quốc có sử dụng sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế đang phát triển với tốc độ vô cùng nhanh chóng để bảo vệ cho lợi ích quốc gia của mình bất chấp những quy chuẩn quốc tế, điển hình là hành động xây dựng các đảo nhân tạo và mở rộng yêu sách biển thách thức “tự do hàng hải” – mà cơ sở của nó chính là các quy tắc quốc tế.

Kiên quyết bảo vệ quyền lợi ở khu vực, Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cho hay hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra trên Biển Đông. Ngày 03/02, trên báo Washington Post dẫn nguồn tin AP có nói Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ cùng với đồng minh Philippines tiến hành tuần tra, cả trên biển lẫn trên không, không bằng cách đưa tàu và máy bay đến các khu vực Trung Quốc yêu sách để bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng. Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg khẳng định khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra bởi hai nước đều có lợi ích sát sườn trong vấn đề bảo vệ tự do hàng hải nên cần thiết có sự hợp tác, song ông cũng nhấn mạnh rằng sẽ không có tuyên bố nào được đưa ra trước về các cuộc tuần tra chung bởi tự do hàng hải là quyền lợi hiển nhiên có được do luật quốc tế quy định.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới