Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngĐưa tên lửa ra Hoàng Sa: Một sự khởi đầu nguy hiểm...

Đưa tên lửa ra Hoàng Sa: Một sự khởi đầu nguy hiểm của TQ

Việc Trung Quốc bố trí trái phép hệ thống tên lửa HQ-9 tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được đánh giá “chỉ là sự khởi đầu” để Bắc Kinh thực hiện mưu đồ đầy nguy hiểm.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 được Trung Quốc bố trí ở Chiến khu Tây của nước này. (Ảnh: Huanqiu)

Bước đầu thực hiện ý đồ “đuổi Mỹ khỏi Tây Thái Bình Dương”

Hãng tin Fox News (Mỹ) ngày 17/2 đưa tin Trung Quốc triển khai trái phép 8 hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Australia) cho biết đây không phải là lần đầu Bắc Kinh bố trí phi pháp các loại khí tài quân sự hiện đại ở khu vực biển Đông, làm leo thang căng thẳng.

Chuyên gia phân tích Sam Roggeveen của Viện này cho biết, ngay từ tháng 11/2015, quân đội Trung Quốc đã đưa trái phép các máy bay chiến đấu J-11 ra đảo Phú Lâm. Lục quân và hải quân Trung Quốc cũng đồn trú trái phép trên đảo này.

Theo ông Roggeveen, Trung Quốc từng xây dựng trận địa phóng “vĩnh cửu” dành cho hệ thống HQ-9. Đó là kiểu công trình bằng bê tông rất lớn và dễ bị vệ tinh phát hiện.

“Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy cơ sở hạ tầng như vậy tồn tại trên đảo Phú Lâm, nhưng ngay khi Trung Quốc tiến hành xây dựng thì phương Tây sẽ phát hiện ra ngay.

Trung Quốc rõ ràng có ý đồ tăng cường sức mạnh quân sự trên đảo Phú Lâm, vì vậy không thể loại trừ khả năng cơ sở, thiết bị tương tự sẽ xuất hiện trong tương lai,” ông cho hay.

Học giả người Australia đánh giá, từ khi Trung Quốc bố trí phi pháp J-11 ở đảo Phú Lâm, các chuyên gia đã chỉ ra các máy bay quân sự này phải đối diện với vấn đề xử lý ăn mòn do khí hậu đại dương. Hệ thống HQ-9 cũng gặp phải vấn đề tương tự.

Do đó, Sam Roggeveen tin rằng hành động triển khai tên lửa của Bắc Kinh lần này mang tính tạm thời, nhưng là một động thái nguy hiểm.

Tạp chí National Interest của Mỹ hôm 17/2 cũng nhận định, việc Trung Quốc đưa HQ-9 ra quần đảo Hoàng Sa “chỉ là sự khởi đầu”.

Tờ này dự đoán hành động tiếp theo của Trung Quốc sẽ là tăng cường kiểm soát, khống chế các đảo, đá trong khu vực và tiến gần hơn tới mục tiêu “đuổi Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương”.

Đây là một phần trong chiến lược “chống tiếp cận và chống thâm nhập khu vực” (A2/AD) mà Trung Quốc theo đuổi để hiện thực hóa mục tiêu bành trướng trong khu vực.


Trung Quốc bị cho là đã bố trí phi pháp máy bay chiến đấu J-11 trên đảo Phú Lâm của Việt Nam hồi tháng 11/2015. (Ảnh minh họa: 81.cn)

Trung Quốc bị cho là đã bố trí phi pháp máy bay chiến đấu J-11 trên đảo Phú Lâm của Việt Nam hồi tháng 11/2015. (Ảnh minh họa: 81.cn)

Một nữ chuyên gia quân sự giấu tên ở Vũ Hán, Trung Quốc nói với tờ Thời báo Hoàn Cầu của nước này: “Hệ thống tên lửa HQ-9 nên được bố trí trên đảo như một biện pháp đối phó với sự khiêu khích của phương Tây.”

Theo tờ The Guardian, giả sử hệ thống HQ-9 được Trung Quốc đưa vào vận hành (trái phép-PV) thì nó sẽ “bao phủ toàn bộ đảo Phú Lâm và cả quần đảo Hoàng Sa, cũng như tuyến đường phía Nam tới đảo Hải Nam”, tạo thành mối đe dọa an ninh với cả khu vực.

Tờ báo của Anh nhận định, không nhiều khả năng quân đội Trung Quốc sẽ tìm cách tiếp cận và giao chiến với máy bay Mỹ trong thời bình, nhưng hệ thống phòng không của Bắc Kinh có thể khiến Mỹ phải hết sức cẩn trọng với “rủi ro” khi hành động ở biển Đông.

Tuy vậy, Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tuần tra gìn giữ tự do hàng hải, hàng không ở bất kỳ vùng biển nào được luật pháp quốc tế cho phép.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định: “Chúng tôi sẽ duy trì trật tự và gìn giữ tự do hàng hải trên biển Đông. Điều đó sẽ không thay đổi”.

Một quan chức khác nhấn mạnh Mỹ “có đủ năng lực để đối phó với tên lửa Trung Quốc”.

Động thái trả đũa hung hăng của Trung Quốc

Tờ Wall Street Journal (Mỹ) bình luận, vụ đưa tên lửa ra Hoàng Sa“là một trong những động thái quân sự hung hăng nhất của Trung Quốc trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung về máy bay quân sự, tàu chiến hải quân cũng như những lời cảnh cáo ngày càng công khai”.

Hành động lần này của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ được tổ chức tại Sunnylands, California, Mỹ mà vấn đề biển Đông là một trong những trọng tâm.

Trong tuyên bố chung của Hội nghị, vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải được xác định là mối quan tâm hàng đầu của cả Mỹ và ASEAN, đặc biệt đối với khu vực Biển Đông, nơi cả Mỹ và ASEAN đều có lợi ích cốt lõi.

Phát biểu tại các phiên thảo luận của Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp vừa qua tại Biển Đông.

Thủ tướng nhấn mạnh đặc biệt là những hành động làm thay đổi nguyên trạng, tăng cường quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực.

Còn theo Sydney Morning Herald, động thái của Trung Quốc “không cần phải nghi ngờ gì” chính là phản ứng đối với việc tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur tuần tra quần đảo Hoàng Sa tại khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc chủ quyền của Việt Nam, hôm 30/1.

RELATED ARTICLES

Tin mới