Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDoanh nghiệp Nhật muốn đầu tư: VN hãy dùng quyền lựa chọn

Doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư: VN hãy dùng quyền lựa chọn

63,9% doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư, mở rộng kinh doanh ở VN. Tỷ lệ cao nhất trong số 19 quốc gia, khu vực Nhật đang đầu tư.

Tỉ lệ trên đã vượt mặt Indonexia, đẩy nước này lui xuống vị trí thứ ba (chiếm 51,9%).  Philippines xếp ở vị trí thứ hai (đạt 55,1%). Trong khi đó, tỷ lệ nhà đầu tư Nhật Bản ở Trung Quốc cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh chỉ đạt 38,1%, thấp hơn tỷ lệ doanh nghiệp Nhật hoạt động ở Thái Lan (49%) và Malaysia (44,6%)…

Kết quả trên được ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, công bố ngày 23/1.

Ông Hirotaka còn cho biết, dù tỉ lệ doanh nghiệp Nhật làm ăn có lãi trong năm 2015 giảm 3,5 điểm (chiếm 58,8%), số doanh nghiệp thua lỗ tăng 1,3 điểm (chiếm 26,2%) nhưng xu hướng chung vẫn lựa chọn VN là điểm đầu tư quan trọng để mở rộng đầu tư, kinh doanh.

Lý do chính được ông Hirotaka cho biết, là vì đa số doanh nghiệp nước này (85%) vẫn có doanh thu tăng. Quan trọng hơn, họ vẫn nhận thấy những tiềm năng và cơ hội tăng trưởng cao khi đầu tư ở VN.

Riêng trong khối doanh nghiệp phi chế tạo, có 65% đánh giá khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao hoạt động kinh doanh ở VN.

Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM khẳng định, không thể phủ nhận những lợi thế sẵn có của VN, nhất là chi phí nhân công rẻ. Đặc biệt chi phí trong ngành công nghiệp chế tạo chưa bằng một nửa so với Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.

Bên cạnh đó, gần 70% doanh nghiệp Nhật cũng kỳ vọng vào những chính sách, thuế quan khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.

Tuy vậy, cũng có tới 60% doanh nghiệp Nhật vẫn phải than phiền về hệ thống pháp luật của VN còn chưa thống nhtt, thiếu minh bạch, cơ chế, thủ tục rườm rà, phức tạp.

Ông Hirotaka cũng bày tỏ băn khoăn trước năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ VN. Theo đó, ông kiến nghị Chính phủ tạo những cơ chế, chính sách thuận lợi tạo đà cho các doanh nghiệp này phát triển; tự nâng cao năng lực, nhằm có thể trở thành nhà cung cấp cho nhà sản xuất đầu tư, lắp ráp tại Việt Nam.

Bởi lẽ theo ông Hirotaka, khảo sát của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho thấy chi phí lớn nhất trong sản xuất hiện nay của họ ở Việt Nam là chi phí cho nguyên vật liệu chiếm đến 57,7%, trong khi chi phí nhân công là lợi thế ở Việt Nam chỉ chiếm 19% và các chi phí khác chiếm 23,3%.

Vì thế, theo ông Hirotaka, trong ba năm vừa qua dù nguồn vốn Nhật đầu tư vào VN có sụt giảm nhưng luôn giữ thế ổn định.

Cụ thể, ông cho biết trong năm qua đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam đứng vị trí thứ 3 về số vốn đầu tư FDI, đạt 1,842 tỉ đô la Mỹ, chỉ thấp hơn vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Hàn Quốc (đạt 6,727 tỉ đô la Mỹ) và Malaysia (đạt 2,478 tỉ đô la Mỹ).

Hiện đầu tư của Nhật vào Việt Nam chủ yếu vào các ngành như chế tạo, phân phối bán lẻ, công nghệ thông tin (IT), tư vấn… Tuy nhiên tỷ lệ khối chế tạo năm qua tiếp tục giảm so với năm trước. Tỷ lệ ngành phân phối bán lẻ, IT, tư vấn tăng nhẹ so với năm trước. Ngoài ra, số dự án đầu tư cho ngành khách sạn, ăn uống tăng do ảnh hưởng của việc nới lỏng quy chế đầu tư nước ngoài đối với ngành này từ năm 2015. Một điểm đáng chú ý theo ông Hirotaka đó là đầu tư của Nhật Bản có chiều hướng gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Quyền lựa chọn của VN

Có thể thấy, thời gian vừa qua không chỉ có nguồn vốn từ Nhật mà ngay cả Mỹ và nhiều nước khác cũng tăng tốc đầu tư mạnh vào Việt Nam.

Nhìn nhận vấn đề này, rõ ràng đã mang lại những cơ hội lớn từ nguồn lực, vốn đầu tư, việc làm, cơ hội chuyển giao công nghệ… nhưng làm thế nào để Việt Nam tận dụng được cơ hội này?

Đó là lý do khiến các nhà chuyên môn lo ngại. Chính sách mở toang cửa thu hút nhưng lại không có một sự chuẩn bị nào để đón khách. Sau bao nhiêu năm thu hút FDI nhưng tới nay công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn không có gì. DN trong nước vẫn không lớn được; thị trường bán lẻ bị nước ngoài thâu tóm; DN nhà nước vẫn được bao che… thì cuối cùng vẫn là đào mỏ đem bán, cạn kiệt tài nguyên, kinh tế dậm chân tại chỗ.

“Khi bắt được nhịp, theo kịp công nghệ hiện đại sẽ thành đối tác nhưng khi không đáp ứng được sẽ phải nhường sân, chịu sự thôn tính, lệ thuộc”, TS Bùi Ngọc Sơn lo ngại.

“Nếu không thay đổi Mỹ, Nhật hay bất cứ nước nào đầu tư vào cũng chỉ để bán hàng, mua sức lao động, tài nguyên. Việt Nam cuối cùng vẫn trắng tay”, ông Sơn nói tiếp.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thanh Thu – ĐHKT-TP.HCM cho rằng, “hơn, thiệt là tùy vào lựa chọn của Việt Nam”.

Vì vậy bà Thu cho rằng, vấn đề của Việt Nam bây giờ là phải có chính sách sàng lọc, phân loại dự án. Dự án nào được ưu tiên, ưu tiên tới đâu, không phải ưu tiên tất cả, ưu tiên tới hụt hơi dẫn tới bị phụ thuộc vào nước ngoài.

“Phải dứt khoát nói không với dự án không đạt tiêu chuẩn về môi trường, công nghệ”, bà Thu thẳng thắn.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, “cơ hội đến rồi sẽ đi”. Do đó, Việt Nam cũng phải tỉnh táo mà lựa chọn đối tác, cần thiết phải mở rộng hợp tác, giảm sự phụ thuộc vào duy nhất một nền kinh tế.

Vị chuyên gia này kết luận: “Vấn đề của Việt Nam là có đủ năng lực, trình độ, đủ tâm, đủ tầm để cân nhắc lựa chọn hay không? Có nắm bắt được những ưu thế và khắc phục những nhược điểm hay không?

Còn khi nắm bắt được cơ hội rồi liệu nội lực trong nước có thay đổi, có đáp ứng được không. Nếu không thay đổi sẽ không thể tận dụng được thời cơ”, ông nói.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới