Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ sẽ phá thế “không tranh chấp” của TQ

Mỹ sẽ phá thế “không tranh chấp” của TQ

Ngày 2/3, Reuters bình luận, Trung – Mỹ đang mạo hiểm leo thang kiểu “ăn miếng trả miếng” ở quần đảo Hoàng Sa và Washington đã bất ngờ thách thức yêu sách quá đáng của Bắc Kinh về “hiệu lực pháp lý của Hoàng Sa” theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), bằng việc tuần tra bên trong “khu vực 12 hải lý” đảo Tri Tôn.

Và Bắc Kinh liền viện cớ này để bố trí bất hợp pháp tên lửa phòng không HQ-9 và chiến đấu cơ J-11, JH-7 ra đảo Phú Lâm, khiến tình hình trong khu vực gia tăng căng thẳng.

Trước đó (1/3), khi bình luận trên trang cá nhân tờ The National Interest, học giả Ashley Townshend đến từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney cho rằng, việc Trung Quốc triển khai bất hợp pháp HQ-9, J-11, JH-7 ở đảo Phú Lâm còn mang một ý nghĩa chiến lược lớn hơn. Bởi từ cuối năm 2012, Trung Quốc đã liên tục cải tạo các công trình hạ tầng quân sự, hệ thống radar quân sự ở đảo Phú Lâm và năm ngoái Bắc Kinh còn cải tạo, nâng cấp và kéo dài đường băng quân sự tại đây.

Học giả Ashley Townshend cũng cảnh báo, vì từ nay đến cuối năm 2016, cả Mỹ và Philippines đều tập trung vào cuộc bầu cử Tổng thống, nên nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đưa vũ khí ra các đảo nhân tạo xây dựng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa.

Và đây là những động thái nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới các bên đang tranh chấp ở Biển Đông bởi nhiều nhà bình luận cho rằng, quân sự hóa Biển Đông không còn là xu hướng, mà đã diễn ra trên thực tế. Và Biển Đông chỉ là cửa ngõ để Trung Quốc vươn ra bên ngoài, hiện thực hóa giấc mơ siêu cường số 1 thế giới. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình không nói chơi khi ngỏ ý “chia đôi Thái Bình Dương” với Tổng thống Barack Obama tại Sunnylands 3 năm trước bởi giờ đây Trung Quốc có tiềm lực, có khả năng để làm điều này, trong khi Washington ngày càng “hụt hơi”.

Ngày 2/3, tờ The Dong-A Ilbo đưa tin, ông Barack Obama và ông Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh hạt nhân lần thứ 4 ở Washington DC trong 2 ngày 31/3 và 1/4.

Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Tyler Rogoway của Foxtrotalpha, chỉ cần nhìn bằng mắt thường, có thể thấy Trung Quốc đang tạo ra những vùng kiểm soát chồng lấn trên một khu vực rộng lớn ở Biển Đông. Bởi theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS), khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của Trung Quốc ở Biển Đông đang gia tăng. Vì với các loại vũ khí, khí tài hiện có, Bắc Kinh sẽ thực hiện được chiến lược A2/AD. Và những động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc đưa đường băng dài hơn 3.000m tại bãi đá Chữ Thập, đảo nhân tạo lớn nhất trong dự án xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, vào hoạt động.

Theo chuyên gia về chính sách quốc phòng Harry Kazianis đến từ Trung tâm Vì lợi ích quốc gia (Mỹ), việc đầu tiên Washington nên làm là thách thức ngay lập tức âm mưu hợp pháp hóa ADIZ ở Biển Đông mà Bắc Kinh đang chuẩn bị thực thi. Đồng thời tiến hành song song sứ mệnh tự do hàng hải (FONOP) để thể hiện rằng, Washington không thừa nhận những yêu sách của Trung Quốc cả trên không lẫn dưới biển ở vùng biển này.

Theo thông tin từ Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), tàu đổ bộ USS Ashland của nước này vừa thực hiện tuần tra định kỳ ở Biển Đông hôm 26/2 sau khi tham gia cuộc tập trận quân sự Hổ mang vàng 2016 ở Thái Lan.

Giáo sư Carl Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, khi Washington thực thi chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải, Trung Quốc sẽ có “những phản ứng mang tính hình thức” và điều đó sẽ không tạo ra môi trường rủi ro đối với các hoạt động của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động đối đầu cả trên không lẫn trên biển để xoa dịu những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong nước, cũng như thuyết phục các quốc gia ASEAN rằng, chính Mỹ mới là nguyên nhân gây căng thẳng tại Biển Đông.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu độc lập David Brown, việc Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm chỉ là bước đi mới trong âm mưu độc bá Biển Đông của Bắc Kinh. Nhưng theo Thiếu tướng quân đội Trung Quốc Doãn Trác, việc Mỹ thổi phồng “vấn đề Biển Đông” là nhằm phối hợp chiến lược tái cân bằng Châu Á – Thái Bình Dương của Washington, mưu toan mượn vấn đề an ninh xung quanh để làm chậm sự phát triển của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Doãn Trác, sự đối kháng quân sự Mỹ – Trung tại Biển Đông sẽ không leo thang.

Trong khi đó, Giáo sư James Curran tới từ Đại học Sydney cho rằng, Washington đang tìm kiếm, thậm chí yêu cầu Australia và các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực tiến hành tuần tra mạnh mẽ hơn ở Biển Đông. Tiến sĩ Malcolm Davis thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia nói với tờ The Australian Financial Review rằng, Canberra sẽ tham gia nhiều hơn vào Biển Đông, đặc biệt là thông qua các hoạt động tuần tra tự do hàng không, hàng hải bên cạnh Mỹ hoặc các đối tác khác trong khu vực.

Ngày 29/2, tờ The Straits Times bình luận, đang có những dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi trong lập trường của Canberra về vấn đề Biển Đông, bởi Australia muốn cân bằng giữa Mỹ với Trung Quốc trong các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng không, hàng hải ở vùng biển có tranh chấp. Canberra đang phải đối mặt với những kêu gọi và hối thúc từ Washington xung quanh việc triển khai hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông, xung quanh các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp.

RELATED ARTICLES

Tin mới