Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngTQ trốn tránh sự thật

TQ trốn tránh sự thật

“Trung Quốc thích bắt nạt các nước khác khi cảm thấy họ là một quốc gia mạnh hơn, nhưng lại nhún nhường khi cảm thấy mình đang là kẻ yếu thế”

Sáng 16-3, kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa 12 Trung Quốc đã bế mạc sau 11 ngày làm việc (từ 5-3). Trước đó (chiều 14-3), kỳ họp thứ tư của Chính hiệp khóa 12 đã bế mạc, cũng sau 11 ngày làm việc (từ 3-3).

Tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc Quốc hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phát triển 5 trong 1, bao gồm phát triển sáng tạo, phát triển kết nối, phát triển xanh, phát triển mở cửa và phát triển cùng hưởng. 

Đồng thời củng cố và phát triển quan hệ nước lớn. Các đại biểu tham dự hai hội này đã tập trung thảo luận nhiều về Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ 13, mang đặc điểm riêng của Trung Quốc – 30 năm tăng trưởng cao đã qua đi, hiện chuyển sang giai đoạn tăng trưởng ở mức trung cao.

Đây là sự thay đổi về kết cấu kinh tế, cũng như động lực tăng trưởng mới tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

“Nhà lãnh đạo cuối cùng”

Mặc dù đã sửa chữa ngay (đến sáng 14-3, hầu hết các trang web, bao gồm cả Tân Hoa xã, đã gỡ bài viết bị coi là xúc phạm xuống), nhưng lỗi sai hiếm có của Tân Hoa xã đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm khi cơ quan này gọi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là “nhà lãnh đạo cuối cùng” của Trung Quốc trong bài viết đăng hôm 13-3.

Tờ Minh Báo coi việc để lọt thông tin liên quan đến Chủ tịch nước Trung Quốc dẫn tới sai sót nghiêm trọng về chính trị như vậy là “không thể có”.

Cùng ngày 13-3, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Khoa học Công nghệ Điện tử Trung Quốc Hùng Quần Lực cho biết, hệ thống radar của máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không KJ-500 đã được sản xuất tại nước này. Và việc này sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường kiểm soát vùng trời Biển Đông.

Trong khi đó, tờ The Straits Times vừa dẫn lời chuyên gia Susan Finder cho rằng, mục đích thành lập Trung tâm Tư pháp Hàng hải quốc tế của Trung Quốc có thể nhằm mục đích chuyển địa điểm giải quyết các tranh chấp hàng hải ở London (Anh) và nhiều trung tâm khác ở châu Âu về Bắc Kinh.

Và Trung Quốc sẽ sử dụng trung tâm này để củng cố yêu sách phi pháp ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Hãng CNN coi việc thành lập trung tâm kể trên là một phần trong phản ứng của Trung Quốc trước việc thiếu sự ảnh hưởng tại các tổ chức quốc tế. Chuyên gia Sebastian Maslow khẳng định, trung tâm này được lập ra để củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.

Chuyên gia Richard Javad Heydarian nhận định, ý tưởng thành lập trung tâm kể trên là thủ đoạn mới của Bắc Kinh. Còn chuyên gia Ian Storey coi việc thành lập Trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế mà Bắc Kinh định làm là nhằm tránh né các tòa án có tên tuổi trên thế giới, cũng như của các nước khác.

Tuy luôn tuyên bố “đứng ngoài cuộc chơi”, nhưng Bắc Kinh theo dõi sát sao và lo ngại về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (PCA) có thể công bố trong vài tháng tới xung quanh vụ kiện “đường lưỡi bò” mà Philippines đang theo đuổi.

Chuyên gia Euan Graham cho rằng, Bắc Kinh dường như muốn làm thay các định chế như PCA và điều này không thể chấp nhận được. Ngoại trưởng Vương Nghị từng khẳng định (8-3), Bắc Kinh sẽ không chấp nhận phán quyết của PCA.

trung quoc tron tranh su that
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Hành động tập thể để chống quân sự hóa

Ngày 14-3, tờ The Sun Daily dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein cho biết, Kuala Lumpur đang tìm cách hợp tác với các nước trong khu vực để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Và sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Australia để thảo luận về các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Ngày 15-3, Đài TNHK dẫn tuyên bố của Tư lệnh Không quân Hoàng gia Australia Leo Davies cho rằng, Canberra cần coi việc Washington tăng cường hiện diện quân sự là một “diễn biến tự nhiên”, trong bối cảnh Australia và Mỹ phải đương đầu với căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông.

Ông Leo Davies cũng cho biết, Australia đã thảo luận với các nước trong khu vực để bảo đảm duy trì các cuộc diễn tập tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trước đó, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull từng nhắc lại lời kêu gọi của Mỹ: Trung Quốc cần kiềm chế quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo ông Steven Mosher, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số, đồng thời là cựu quan chức hải quân Mỹ, không thể phủ nhận sự nghiêm trọng của những gì đang diễn ra trên Biển Đông và Mỹ cần tăng cường hoạt động để ngăn chặn Trung Quốc đạt được mục tiêu độc chiếm vùng biển này. Và thay vì điều tàu chiến tới khu vực, thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, Mỹ nên quy tụ các đồng minh để tạo ra một đội tàu đa quốc gia.

Và nếu việc này sớm được thực hiện, có thể đưa Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán. Ông Steven Mosher còn cho rằng, Washington cần tránh việc đưa những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc kiểm soát Biển Đông thành xung đột Mỹ – Trung.

“Trung Quốc thích bắt nạt các nước khác khi cảm thấy họ là một quốc gia mạnh hơn, nhưng lại nhún nhường khi cảm thấy mình đang là kẻ yếu thế”, ông Steven Mosher khuyến cáo.

trung quoc tron tranh su that
Máy bay KJ-500

Hãng Reuters vừa dẫn lời Cục trưởng Cục hải dương Trung Quốc, ông Vương Hồng cho biết, Bắc Kinh đã thành lập Trung tâm cảnh báo sóng thần ở Biển Đông. Và đây là động thái được cho nhằm củng cố mưu đồ độc bá Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành, bất chấp sự phản đối của dư luận trong và ngoài khu vực.

Tuy nhiên ông Vương Hồng không cho biết chi tiết về trung tâm này được đặt ở đâu. Dư luận đang quan tâm tới việc Trung Quốc trồng hàng trăm nghìn cây (phi lao, dừa, phong ba và một số loài hoa) ở các thực thể Bắc Kinh chiếm đóng trái phép tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Được biết, hoạt động trồng cây được tổ chức từ ngày 10-3 và lực lượng tham gia gồm quân đội, cảnh sát và cư dân đồn trú tại các thực thể kể trên. Trong năm 2015, Trung Quốc đã trồng hơn 300.000 cây giống tại các thực thể này.

Mỹ né Trung Quốc

Ngày 11-3, tờ The Washington Times đăng bài “Thách thức của Trung Quốc đối với quyền lực của Mỹ tại châu Á sẽ là phép thử cho Tổng thống kế nhiệm”, trong đó lên án yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý, cùng các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.

Đồng thời khuyến cáo, hơn 70 năm qua, Trung Quốc luôn thách thức trật tự thế giới do Mỹ thiết lập và chiến thuật mà Bắc Kinh đang thực hiện ở Biển Đông là dấu hiệu rõ ràng nhất cho nhận định kể trên – Trung Quốc muốn phá vỡ luật pháp quốc tế khi công khai xây dựng 7 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Vẫn theo tờ The Washington Times, chính sách thụ động tại Biển Đông của Washington đối với các hoạt động gây hấn của Trung Quốc hiện nay là nguy hiểm, đe dọa tới lợi ích sống còn của Mỹ ở khu vực này, cũng như thất bại của chiến lược “xoay trục”.

Do đó, Tổng thống kế nhiệm cần tăng cường hợp tác quân sự đối với các đối tác và đồng minh tại Biển Đông để đảm bảo lợi ích sống còn của Mỹ.

Theo nhận định của giới chuyên môn, tốc độ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc chưa bao giờ diễn ra nhanh như hiện nay. Và Bắc Kinh cũng đang gửi đi thông điệp: Trung Quốc sẽ cạnh tranh với Mỹ với tư cách cường quốc thế giới.

Việc xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài tại Djibouti, châu Phi (khởi công từ tháng 2) được coi là bước đi đầu tiên của thông điệp kể trên. Bắc Kinh coi căn cứ Djibouti là nơi cung cấp hậu cần tốt hơn, bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình Trung Quốc tại khu vực vịnh Aden… và nơi đây gần căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ tại châu Phi, cũng thuộc Djibouti.

Theo thống kê, trong một thập niên qua Trung Quốc đã tăng gấp đôi doanh số bán vũ khí, trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga.

Nhiều chuyên gia quốc phòng đã cảnh báo, Bắc Kinh đang cố gắng thiết lập chiến lược “chống truy cập và từ chối khu vực” nhằm áp đặt một số khu vực phòng không nhỏ ở những vùng trời xung quanh Trung Quốc và buộc những quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ phải giữ một khoảng cách an toàn về mặt quân sự.

Tờ South China Morning Post từng đưa tin, “quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông”.

Theo Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia), các cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc triển khai ở Biển Đông sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát khu vực tốt hơn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Và Biển Đông sẽ là một trong những điểm nóng trong quan hệ Trung – Mỹ thời gian tới.

Đồng thời cảnh báo, dường như Trung Quốc đang giành được lợi thế trong chiến dịch tuyên truyền “mọi người đều đang quân sự hóa Biển Đông”. Ông Carl Thayer cho rằng, mặc dù Trung – Mỹ có tới 100 cơ chế hợp tác về các lĩnh vực quốc tế, nhưng tình hình ở Biển Đông đang có lý do trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất.

Ngày 16-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã bày tỏ sự quan ngại về việc Argentina bắn chìm tàu cá của nước này khi họ đánh cá trái phép trong vùng biển của Argentina. Trước đó (14-3), lực lượng cảnh sát biển Argentina đã bắn chìm tàu cá của Trung Quốc đang đánh bắt trái phép ngoài khơi Puerto Madryn, tỉnh Chubut.

Khi tàu tuần tra của cảnh sát biển Argentina ra lệnh cảnh báo bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, nhưng tàu Trung Quốc đã bỏ chạy, phớt lờ yêu cầu của họ, thậm chí muốn va chạm với tàu Argentina trên đường bỏ trốn, buộc cảnh sát biển nước này phải bắn vào thân tàu.

Theo nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Trung Quốc có đội đánh bắt xa bờ lớn nhất thế giới, với số lượng tàu tăng nhanh trong những năm gần đây (hơn 2.460 chiếc), chủ yếu hoạt động ở khu vực Tây Phi.

RELATED ARTICLES

Tin mới