Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐàm luận4 kịch bản cho Biển Đông (Kỳ 2)

4 kịch bản cho Biển Đông (Kỳ 2)

Lịch sử đầy rãy các sự kiện cho thấy Trung Quốc không muốn Việt Nam hoàn thành sự nghiệp giải phóng và giành độc lập thống nhất đất nước.

 

 

Chiến sĩ Việt Nam bắt giữ tù binh ngày 28/2/1979 tại Cao Bằng

Kỳ 2 -Cuộc chạy đua của Việt Nam bị bỏ quên

Lịch sử đầy rãy các sự kiện cho thấy Trung Quốc không muốn Việt Nam hoàn thành sự nghiệp giải phóng và giành độc lập thống nhất đất nước.

Từ tuyên bố chung Thượng Hải Mỹ – Trung 1972, Trung Quốc chuyển sang thù địch công khai. Tiếp đó là chiến tranh Campuchia do Trung Quốc dựng lên, rồi chiến tranh trực tiếp xâm lược biên giới phía Bắc của Việt Nam 1979-1989, các hành động lấn chiếm biên giới đất liền và trên biển đảo…

Đau đớn là tư duy ý thức hệ đã dẫn đến Hội nghị Thành Đô – mở đầu thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai (Nguyễn Cơ Thạch), mang tên gọi là “4 tốt và 16 chữ”. Toàn bộ sự thật này cho thấy lãnh đạo Đảng CSVN cho đến hôm nay đã bỏ qua mất cuộc chạy đua sống mái, chết người giữa Việt Nam và Trung Quốc mà đất nước lâm vào ngay từ sau ngày 30-04-1975.

Đấy là một cuộc đọ sức toàn diện chưa từng có với Trung Quốc trong thời bình mà Việt Nam bắt buộc phải chấp nhận. Nói một cách trần trụi thì: Đây là một cuộc rượt đuổi nhau giữa thú săn mồi và con mồi. NếuViệt Nam không nhanh hơn, sẽ có nghĩa là bị ăn thịt: cam chịu nô lệ về chính trị và chết trong lụt ngập và xác xơ về kinh tế.

40 năm qua, kể từ sau 30-04-1975, Trung Quốc không bỏ phí lấy một giờ, không bỏ lỡ bất kể một dịp lấn tới nào để xâm phạm Việt Nam về mọi mặt trong cuộc chạy đua này. Thực tế 40 năm qua xác nhận Việt Nam đang thua toàn diện trong cuộc đua này: Sự lũng đoạn quá sâu, sự lệ thuộc quá lớn, biết bao nguồn lực và cơ hội bị tước đoạt, kinh tế và chế độ chính trị của đất nước bị khống chế, lãnh thổ quốc gia bị lấn chiếm, lòng dân phân tán. Nội bộ Đảng bị quyền lực mềm Trung Quốc phân hóa và khuất phục, an ninh quốc phòng bị uy hiếp tới mức rất nguy hiểm, con đường phát triển của đất nước bị kiềm chế.

Nhìn về nhiều phương diện có thể nói: Trên toàn thế giới này, chủ nghĩa thực dân mới Đại Hán 40 năm qua thành công nhất và toàn diện nhất ở Việt Nam, trên thực tế Việt Nam về nhiều mặt đã thành một “chư hầu kiểu mới” của Trung Quốc, đang là con mồi yếu nhất của Trung Quốc.

Thông cáo chung Việt – Trung 08-04-2015 và những diễn biến tiếp theo cho thấy Trung Quốc đang quyết lấn tới xu thế này.

Thật không thể hiểu nổi: Việt Nam đã từng đánh thắng cả 3 đối thủ lớn trong chiến tranh là Pháp, Mỹ, Trung Quốc, hiện nay là một quốc gia không nói là nhỏ, có một vị thế quốc tế quan trọng, nhưng trong 40 năm đầu tiên thời độc lập thống nhất lại bị Trung Quốc dần dà lũng đoạn và khuất phục đến mức như vậy.

Xin lưu ý cho: trong khoảng 3 thập kỷ vừa qua, GDP tính theo đầu người của Trung Quốc tăng hơn 30 lần, Việt Nam tăng khoảng 12 lần. Cách đây 30 năm, GDP tính theo đầu người của Trung Quốc gấp 2 lần của Việt Nam, hiện nay gấp 3,5 lần! Nhiều thập kỷ nay toàn bộ xuất siêu hàng năm của Việt Nam không đủ bù cho nhập siêu từ Trung Quốc. Càng phát triển như hiện nay Việt Nam càng bị Trung Quốc túm mọi mặt và lệ thuộc sâu thêm! Nhưng đất nước độc lập thống nhất 40 năm qua dưới dự lãnh đạo của ĐCSVN hôm nay, ngoài việc đánh mất hoặc tự hủy hoại các lợi thế của mình, tự đem tròng đeo vào cổ, cho đến giờ phút này vẫn chưa ý thức được cuộc đua mất còn này để bắt đầu!

40 năm rồi chưa nhận ra thì hôm nay phải nhận ra! 70 năm lãng phí xương máu của dân tộc cho “chủ nghĩa” là vẫn chưa đủ tỉnh bài học về Trung Quốc hay sao? Đã đến lúc Việt Nam vàlãnh đạo Đảng phải tự thay đổi chính mình để kết thúc cái trò “săn rượt – bị săn rượt”. Đã đến lúc Việt Nam phải vươn lên thành một láng giềng có tự trọng và được Trung Quốc tôn trọng, để chính Trung Quốc cũng phải xác định và đối xử với Việt Nam là một đối tác chiến lược.

. Về Mỹ

Lợi ích chiến lược toàn cầu của Mỹ đòi hỏi phải cùng với cả thế giới thúc đẩy xu thế hòa bình, dân chủ và phát triển trong khung khổ trật tự quốc tế hiện hành mà cộng đồng các quốc gia trên thế giới đã xây dựng lên được từ sau chiến tranh thế giới II đến nay. Mặt khác, các nước phát triển nói chung và phần lớn các nước còn lại trong cộng đồng quốc tế đều cần Mỹ như lực lượng trụ cột của trật tự quốc tế hiện hành.

Tuy nhiên, Mỹ cũng đang ngày càng “nhỏ” hơn so với vai trò và ảnh hưởng nó đang có (ví dụ cuối thế kỷ 20, GDP của Mỹ chiếm khoảng trên 30% GDP thế giới, hiện nay chỉ còn 23%, có thể sẽ bị Trung Quốc vượt qua vào thế kỷ 21…), bởi vì thế giới ngày càng “lớn” hơn và phức tạp hơn. Trong khi đó xuất hiện ngày càng nhiều cái “nóng” mới – nổi bật là vấn đề nhà nước thánh chiến Hồi giáo IS, vấn đề Trung Quốc, vấn đề Nga. Tình hình cũng buộc Mỹ phải có những thay đổi chiến lược – riêng đối phó với Trung Quốc là chiến lược trục xoay châu Á – Thái Bình Dương và thiết lập TPP.

Chính sách của Mỹ kể từ thời Nixon đến nay nhất quán và chủ yếu muốn lôi kéo Trung Quốc cùng tham gia vào trật tự quốc tế hiện hành với tính chất là một cường quốc có trách nhiệm, nhưng đã thất bại.

Trong thực tế Trung Quốc đã tận dụng được mọi lợi thế của nước đông dân nhất thế giới (đặc biệt là lợi thế của kinh tế quy mô – economics of scales) khai thác tối đa quá trình toàn cầu hóa trong 3 thập kỷ vừa qua, tận dụng sa lầy của Mỹ trong chiến tranh Iraq và Afghanistan, để hôm nay trở thành thách thức chủ yếu của Mỹ, đặc biệt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trong đó trước hết là Biển Đông. Thực tế này cho phép Trung Quốc phát huy tối đa sức mạnh áp đảo tại chỗ để uy hiếp trực tiếp các đồng minh của Mỹ trong khu vực và con đường thương mại hàng hải Malacca huyết mạch của thế giới. Tình hình buộc Mỹ phải tăng cường sự có mặt tại khu vực này (mặc dù giữa lúc Mỹ phải cắt giảm chi tiêu), đồng thời tăng cường các mối quan hệ chiến lược với các đồng minh và các đối tác tại đây.

Sự thách thức của Trung Quốc mang tầm vóc chiến lược toàn cầu và lâu dài, đòi hỏi Mỹ và các đồng minh – ở đây trước hết là Nhật, rồi đến Hàn Quốc, Đài Loan – phải có chiến lược đối phó lâu dài. Nổi bật là sự kiện Nhật sửa đổi hiến pháp nhằm thực hiện quyền tự vệ tập thể. Việc Nhật chủ động tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng nằm trong ý nghĩa này.

Có thể dự báo khá chắc chắn là hầu như khó xảy ra chiến tranh trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc hoặc chiến tranh thế giới thứ III – ngoại trừ trường hợp bất khả kháng (case of force majeure), đơn giản vì nguy cơ hủy diệt nhau và sự phụ thuộc lẫn nhau đều quá lớn.

Do đó mọi tranh chấp chủ yếu và trước hết sẽ được giải quyết bằng các hình thái của chiến tranh lạnh, hoặc bằng chiến tranh nóng trên các trận địa là các nước bên thứ ba.

Diễn tiến trong nửa sau thế kỷ 20 còn cho thấy chiến tranh lạnh kết thúc bằng sự tự sụp đổ của một bên – cụ thể ở đây là Liên Xô – do thất bại trong ganh đua toàn diện với đối phương. Dựa vào thực tế này và căn cứ vào những gì đang diễn ra trong lòng 2 quốc gia Trung Quốc và Nga, có thể dự đoán chiến tranh lạnh trong thế kỷ 21 này có thể sẽ kéo dài nhiều thập kỷ, và có lẽ cũng sẽ có một diễn biến tương tự: Đến một lúc nào đó cả Nga và Trung Quốc phải tự thay đổi – nghĩa là trong tầm nhìn dài hạn.

Thực tế nêu trên cho phép nhận định: Bước phát triển trong quan hệ Mỹ – Việt qua Tuyên bố chung 07-07-2015 là một quyết định chiến lược của Mỹ, do sự gặp nhau giữa một bên là lợi ích chiến lược toàn cầu của Mỹ và một bên là lợi ích chiến lược của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của Việt Nam.

Vậy tình hình Biển Đông sẽ xảy ra theo những kịch bản nào? Trong cuốn sách của Henry Kissinger về Trung Quốc, ở chương cuối ông ta có nhận định rằng, cuộc chiến tranh Trung-Mỹ là không thể tránh khỏi.

Vì sao Kissinger, một chính khách có tầm nhìn chiến lược và là người am hiểu cực kỳ sâu sắc về Trung Quốc đã nói như vậy? Chính là Kissinger đã nhìn ra tham vọng khôn cùng của người Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ. Và Kissinger đã nhìn ra tham vọng khôn cùng của người Trung Quốc muốn xây dựng trên thế giới này một chủ nghĩa Đại Hán. Và nước Mỹ thì không muốn trật tự thế giới bị đảo lộn bởi Trung Quốc. Để giải quyết mâu thuẫn này, hay nói cách khác là để ngăn Trung Quốc thực hiện tham vọng này thì không thể nói miệng hay dùng những con đường ngoại giao mà phải bằng súng đạn. Mao Trạch Đông đã từng tuyên bố: “Chính quyền đẻ ra trên nòng súng”, thì nước Mỹ cũng đã hành xử bấy lâu nay theo kiểu trật tự thế giới được duy trì là từ họng súng.

Suốt mấy chục năm qua, Mỹ là nước mang quân đi đánh nhau ở nhiều nước nhất thế giới. Mỹ cũng là quốc gia tiến hành các kiểu hoạt động từ kinh tế, chính trị, văn hóa, và bạo lực, để lật độ chính thể mà Mỹ không ưa. Đến một thời điểm nào đó, mâu thuẫn Mỹ-Trung sẽ xảy ra khi mà Mỹ không còn chịu nổi những “ông hoàng đế” trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc hành xử theo kiểu vừa phong kiến, vừa giương cao chiêu bài chủ nghĩa cộng sản; nhưng lại có lối hành xử theo kiểu xã hội đen bất chấp luật pháp. Nếu cuộc chiến tranh Mỹ – Trung xảy ra thì đâu sẽ là địa bàn chính, chắc chắn đó không phải là châu Âu, càng không phải là châu Mỹ, không phải là khu vực Tây Á, Đông Bắc Á, mà chính là khu vực Nam Á và khu vực Đông Nam Á, chiến trường lần này chính là ở Biển Đông; hay nói một cách cụ thể hơn, đầu tiên đó là khu vực quần đảo Trường Sa.

( Xem tiếp kỳ sau)

RELATED ARTICLES

Tin mới