Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChính quyền sở tại “không thiêng'

Chính quyền sở tại “không thiêng’

Nhiều vụ việc ngang tai, trái mắt cứ diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở ngay trên đường phố cũng như tận hang cùng, ngõ hẻm mà không thể giải quyết được.

Mỗi khi có “chiến dịch” lớn được phát động thì mọi việc tạm thời lắng xuống dăm ba hôm rồi đâu lại vào đấy. Xét cho cùng, âu cũng bởi các quan sở tại là “Bụt chùa nhà” nên “không thiêng” và khó xử lý những vi phạm trên địa bàn mình quản lý.

Người đi bộ từ lâu đã phải đi xuống lòng đường bởi vỉa hè đã bị các hộ dân chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán và dựng xe máy, xe đạp. Nhiều “chợ cóc”, “chợ xanh” vô tư mọc lên gây ách tắc giao thông. Nhà mặt phố có thể đua ra lều bạt, mái hiên di động để làm chỗ bán hàng. Nhiều ngôi nhà xây dựng không phép, thậm chí lấn chiếm thêm cả đất công… Tất cả những việc làm vi phạm ấy đều phơi bày ngay trước mắt các nhà quản lý. Dân kêu ca, quan trên cũng thấy khó chịu và chỉ thị cho cấp dưới xử lý. Ấy vậy nhưng mỗi đợt ra quân, sự lộn xộn được hạn chế phần nào nhưng rồi chẳng khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”, vài hôm sau lại vẫn như cũ.

Tìm hiểu kỹ nguyên nhân thì thấy rằng, các cán bộ phường, xã chủ yếu là người địa phương, thậm chí cùng cư trú ở một tổ dân phố. Cái tình làng nghĩa xóm khiến cho mối quan hệ thân tình, nể nang lấn át cả kỷ cương, phép nước. Thấy người hàng xóm lấn chiếm vỉa hè mở quán bán hàng, vị cán bộ phường, xã không nỡ ra tay dẹp bỏ, đành nhắm mắt làm ngơ. Rồi để “hai bên cùng có lợi”, người bán hàng lấn chiếm vỉa hè, ngõ phố chấp nhận nộp phạt hành chính vài ba trăm nghìn đồng/tháng, thế là vô tư hành nghề. Lại có người không nộp phạt có biên lai mà cứ định kỳ dúi cho mấy anh an ninh, trật tự một khoản tiền mà các anh chấp nhận để tồn tại.

Thế là ở phố phường nào cũng thấy những chiếc xe tải nhẹ loại 500kg chở mấy anh công an khu vực và mấy anh dân phòng tuần tra, lượn lờ suốt ngày nhưng chuyện lấn chiếm vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông vẫn cứ diễn ra. Người đi bộ chưa biết đến bao giờ mới có vỉa hè để sử dụng đúng với mục đích của nó.

Chuyện xây dựng không phép cũng vậy. Chỉ cần có hiện tượng vận chuyển vật liệu xây dựng ở tận ngách cùng ngõ hẹp nào thì các anh quản lý trật tự xây dựng của phường đã biết và lần theo dấu vết, tìm đến được ngay. Song việc xây thì cứ xây, bởi sau mấy lần lập biên bản và nộp phạt nhẹ nhàng hoặc làm luật chu đáo, thì công trình lại được hoàn tất. Thế là người dân cũng cứ nhìn nhau mà làm, chịu chi ra một khoản tiền lót tay hoặc nộp phạt thì cứ việc xây dựng cơi nới đàng hoàng. Chỉ đến khi báo chí “khui” ra những công trình xây không phép hoặc vi phạm lấn chiếm đất đai hay tranh chấp thì mới vỡ lở ra nguyên nhân do quan sở tại chỉ phạt rồi cho tồn tại.

Nhiều công trình xây dựng như biệt thự, lâu đài bị dư luận xôn xao bàn tán, chính quyền sở tại cũng vào cuộc xử lý nhưng rồi sau đó lại rơi vào quên lãng. Mới đây nhất ở Hà Nội có 2 vụ nổi tiếng là “lâu đài gà vàng” của ông “Thanh sắt” tại Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy và ngôi nhà 7 tầng của ông Phó giám đốc sở giao thông Hà Nội tại ngõ 8 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm vi phạm mà vẫn tồn tại. Cấp trên thì đổ lỗi cho cấp dưới lơ là quản lý. Cấp dưới thì đổ cho cấp trên tùy tiện cấp phép hoặc quan liêu, không sâu sát cơ sở nên thường xuyên rơi vào “tình thế đã rồi”. Đến tòa nhà 8B Lê Trực vi phạm nghiêm trọng, được cả nước biết đến mà nửa năm nay, chưa có hồi kết là sẽ xử lý triệt để thế nào.

Lại còn những đối tượng vi phạm nhưng nhà chức trách không thể xử phạt, cứ lặng lẽ bỏ qua vì đối tượng vi phạm có “dây mơ, rễ má” với các vị quan chức. Gần gũi nhất là anh em, họ hàng; xa một tý thì là bạn bè thân thiết. Thế là gây khó cho lực lượng chức năng khi xử lý. Thôi thì phải đành lấy lòng cấp trên, sợ “dứt dây động rừng”, lại dễ mất việc. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Người khác thấy người vi phạm không bị ngăn chặn, xử phạt gì thì cũng “té nước theo mưa” mà làm theo. Bởi họ sẵn sàng đưa ra lý lẽ rằng, người kia làm được sao tôi lại không? Cuối cùng, người thực thi công vụ lại thỏa thuận với người vi phạm bằng cách nhận một khoản tiền “bồi dưỡng” để nhắm mắt làm ngơ.

Ven hồ Tây có tình trạng câu và đánh lưới bắt trộm cá từ nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ ngăn chặn được. Mặc dù có hai chiếc xuồng máy chạy vòng quanh hồ suốt ngày đêm canh giữ cá nhưng chỉ dám chạy xa bờ 50-100m. Bởi 2 chiếc xuồng máy đó chạy gần bờ để xua đuổi người câu trộm thì sẽ bị ném đá hoặc bắn súng cao su. Có người chuyên câu và đánh lưới trộm tiết lộ rằng, thỉnh thoảng họ dúi vào tay “bồi dưỡng” cho mấy chú bảo vệ hồ dăm chục, một trăm là xong.

Với thực trạng trên thì chưa biết đến bao giờ mới lập lại được trật tự đô thị. Bởi cái “tình” đã lấn át cái “lý”, bởi quan sở tại “không thiêng”, không dám hành xử theo quyền hạn và chức trách mình đang có; lại còn có nguồn thu nhập riêng đút túi thì chẳng dễ gì ra tay.

RELATED ARTICLES

Tin mới