Thursday, March 28, 2024
Trang chủNước Việt đẹpMuốn thành đại gia, phải được "ưu đãi ngầm, quan hệ thân...

Muốn thành đại gia, phải được “ưu đãi ngầm, quan hệ thân tín”…

Cảnh báo tình trạng “thương mại hóa quan hệ với nhà nước” với một số những ưu đãi ngầm, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng nó khiến các lợi ích kinh tế chỉ đạt được nhờ quan hệ “thân tín” với cơ quan công quyền, chứ không phải năng lực và nỗ lực của DN.

Đây là lời nói thẳng của ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái  tại hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển DN” do Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Thế giới, VCCI tổ chức. 

Những lời nói thẳng

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nêu thực tế có thể cần 20 năm nữa thu nhập bình quân đầu người Việt Nam mới bằng mức thu nhập bình quân của thế giới và cảnh báo tình trạng “thương mại hóa quan hệ với nhà nước” với một số những ưu đãi ngầm. Điều này, theo ông Đoàn, khiến các lợi ích kinh tế chỉ đạt được nhờ quan hệ “thân tín” với cơ quan công quyền, chứ không phải năng lực và nỗ lực của DN.  

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASME cho rằng: Mặc dù khu vực DNNVV đang thể hiện vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng gần đây chưa thoát khỏi khó khăn, có phần đuối sức trong xu thế cạnh tranh gay gắt và hội nhập. DNNVV hiện nay cần nhất một chính sách tốt trong môi trường bình đẳng, không lợi dụng các mối quan hệ để phát triển; không cần chính sách bắt buộc DNNVV phải trở thành DN lớn. Có như thế thì DNNVV mới phát triển.

“Chi phí chính thức cao, phi chính thức càng cao là một trong những nguyên nhân khiến DN không thể lớn được” – ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng chỉ thẳng ra như thế. Nhắc đến các chỉ số như thời gian thông quan, thời gian nộp thuế của VN còn cao hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói thế giới, ông Lộc cho rằng hoàn toàn có thể lấy những mô hình tốt của thế giới để thực hiện để VN có thủ tục hành chính, thời gian thực hiện các thủ tục như thông quan ngang bằng các nước để giúp DN.

Dưới góc độ một chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, áp lực lớn nhất của Việt Nam hiện nay là cải cách và phát triển thể chế. “Dường như chúng ta đang để tồn tại quá nhiều thể chế trùng lặp, ngáng chân nhau” – ông Phong bình luận. 

Ví dụ: Đề án đề cập đến những chương trình hành động, nên có những chương trình đánh giá các tiêu chí đánh giá của Việt Nam. Nhưng có những chương trình trùng lặp như: Ban chỉ đạo quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, Hội đồng quốc gia về nâng cao năng lực cạnh tranh…

Từ góc độ của mình, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra nhận định: Thách thức cơ bản của Việt Nam vẫn là năng suất của khu vực tư nhân cũng giảm theo thời gian. Việt Nam hiện nay vẫn khó phân biệt được năng suất của khu vực tư nhân và DNNN. Do đó, cần phải đảo ngược xu hướng này.…

Đâu là động lực cho đổi mới và sáng tạo?

Liệu chúng ta có tạo được một làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam hay không? Có thể tăng vượt trội số lượng DN trong một thời gian ngắn hay không? Đây là câu hỏi của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đặt ra tại Hội thảo. Trả lời cho câu hỏi này,  Chủ tịch VCCI, TS.Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Có, nếu có làn sóng cải cách thể chế!”. Theo ông Lộc, “thể chế nào, doanh nhân đó, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. DN phát triển tốt nếu có hệ thống thể chế tốt, là bệ đỡ cho sự phát triển của mình…”.

Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương: “ Nhiệm vụ hoàn thiện và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật cũng như các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả hoạt động của các loại hình DN, mà còn phát triển các yếu tố nguồn lực và thị trường, phân bổ nguồn lực minh bạch và do vậy, trực tiếp và gián tiếp nâng cao năng suất của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…”

Chủ tịch tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn thẳng thắn: “Nếu DN hội nhập bằng năng lực, sáng tạo, bằng sản phẩm, hàng hóa thì nhà nước phải hội nhập và cạnh tranh bằng cơ chế, chính sách và tinh thần hỗ trợ DN phát triển”. Doanh nhân này đề nghị nên cho phép cộng đồng DN được phản biện, giám sát và chấm điểm các cơ quan chính quyền và chính phủ để làm cơ sở đánh giá, cải thiện các chất lượng dịch vụ cũng như làm cơ sở cho việc bổ nhiệm cán bộ.

Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, chất lượng thể chế đóng vai trò cạnh tranh, đóng vai trò mấu chốt trong xã hội. “Chính phủ cần điều phối để đưa ra chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc: thúc đẩy khu vực tư nhân, tự do hóa, bình đẳng cho các DN; Phát triển nguồn vốn con người; Thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh…”- Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị.

Dưới góc độ một chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu. Ông cho rằng, giải pháp của mọi giải pháp là vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các ngành các cấp. Trong việc tạo ra và thúc đẩy sự khởi nghiệp của DN, chỉ có thể làm nhanh làm tốt nếu người đứng đầu ra tay. Cùng với đó là đổi mới và tăng cường chất lượng, hiệu lực của bộ máy làm việc với những nhân lực chuyên nghiệp…

Ông Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia dựa trên nền tảng kinh tế thị trường hội nhập kinh tế quốc tế, cần dựa trên 4 yếu tố: Nỗ lực của nhà nước; Áp lực của hội nhập quốc tế; Động lực của DN và Hiệp hội DN và cần phải huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển nền kinh tế.“Tôi vô cùng tâm đắc đã nhận được nhiều ý kiến nêu lên bên cạnh những vấn đề của Chính phủ. Nhà nước phải nâng lên thì bản thân các DN cũng phải nâng lên về vấn đề quản trị và sáng tạo phát triển DN. Chúng ta phải tạo cơ hội cho mọi DN cùng phát triển” – ông Huệ khẳng định./.

RELATED ARTICLES

Tin mới