Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngTrung Quốc có nên rút khỏi Công ước Luật Biển?

Trung Quốc có nên rút khỏi Công ước Luật Biển?

Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) được ký kết vào năm 1982 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 1994. Cho đến nay, đã có 167 quốc gia là thành viên của UNCLOS. Tầm vóc của UNCLOS chỉ đứng sau Hiến chương Liên hợp quốc, và được coi là “Hiến pháp về biển và đại dương” trên toàn thế giới.

UNCLOS bắt đầu chính thức có hiệu lực với Trung Quốc vào ngày 7/6/1996. Với vị thế là một cường quốc khu vực, cũng như là một cường quốc đang vươn mình trở thành siêu cường, thấy được tầm quan trọng của biển và đại dương, Trung Quốc đã rất chú trọng tới tầm quan trọng của các định chế biển và đại dương. Trung Quốc là một trong những quốc gia đã rất tích cực tham gia quá trình đàm phán để đi đến ký kết UNCLOS, và hiện nay, Trung Quốc đã có rất nhiều đại diện trong các tổ chức quan trọng liên quan đến biển và đại dương của Liên hợp quốc.

Trung Quốc có nhiều tranh chấp biển với các nước láng giềng, trong đó có tranh chấp trên Biển Đông với Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Brunei. Ngoài ra, Trung Quốc còn có tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.

Năm 2013, Philippines đã quyết định mang tranh chấp với Trung Quốc ra giải quyết trước một Hội đồng trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. Trung Quốc đã từ chối không tham gia vụ kiện, và cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận và không chịu sự ràng buộc bởi phán quyết của Tòa trọng tài này.

Các quan chức và học giả Trung Quốc, được sự phụ họa từ một số học giả phương Tây thân Trung Quốc, đã luôn khẳng định rằng Tòa trọng tài này sẽ không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này cho dù quy định trong UNCLOS và Phụ lục VII đều khẳng định, việc có thẩm quyền hay không phải do Tòa trọng tài quyết định.

Ngày 29/10/2015, Tòa trọng tài đã ra phán quyết đầu tiên, trong đó khẳng định Tòa có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này. Phán quyết đã dập tắt những luận điệu của phía Trung Quốc về vấn đề thẩm quyền.

Thất vọng và cay cú trước thất bại của mình, gần đây, nhiều quan chức và học giả Trung Quốc đang “đe dọa” là sẽ rút khỏi UNCLOS. Điển hình trong số đó là bài viết của Pan Guoping – Giáo sư Trường Luật quốc tế, Phó Tổng thư ký Viện Luật Trung Quốc-ASEAN với Đại học Khoa học chính trị và Luật Tây Nam, và gần đây là bài viết của Stefan Talmon – một học giả danh tiếng về luật quốc tế của đại học Bonn. Stefan Talmon cũng là chủ biên cho một cuốn sách với tựa đề “Vụ kiện trọng tài về Biển Đông – Cái nhìn từ Trung Quốc” xuất bản năm 2014. Trong cuốn này, tác giả cũng khẳng định là Tòa trọng tài sẽ không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này, nhưng cuối cùng phán quyết của Tòa đã theo hướng ngược lại.

Vậy, liệu Trung Quốc sẽ rút khỏi UNCLOS? và Tại sao?

Trung Quốc sẽ phải cân nhắc rất nhiều trước khi tuyên bố rút khỏi UNCLOS, bởi vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, cho dù Trung Quốc có rút khỏi UNCLOS thì Trung Quốc vẫn không thoát khỏi nghĩa vụ tôn trọng và thực thi phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Theo quy định tại Điều 317 UNCLOS thì cho dù Trung Quốc có rút khỏi UNCLOS thì phán quyết của Tòa trọng tài được thụ lý, thực hiện và ra phán quyết lúc Trung Quốc đang là thành viên thì nghĩa vụ tuân thủ phán quyết này không thể chối bỏ.

ĐIỀU 317. Việc từ bỏ

Một quốc gia thành viên có thể từ bỏ Công ước, qua thông báo viết gửi lên cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, và nói rõ những lý do của việc từ bỏ. Dù quốc gia thành viên này không nêu rõ lý do đó, thì việc từ bỏ vẫn không vì thế mà vô hiệu lực. Việc từ bỏ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày nhận được thông báo, trừ khi trong thông báo có trù định một thời hạn chậm hơn.

Việc từ bỏ cũng không làm cho một quốc gia tránh khỏi các nghĩa vụ về mặt tài chính và hợp đồng mà họ phải đảm nhận, khi mà quốc gia này còn là thành viên của Công ước, và việc từ bỏ cũng không ảnh hưởng đến các quyền, nghĩa vụ hay các địa vị pháp lý của quốc gia này bắt nguồn từ việc áp dụng Công ước, trước khi Công ước không còn hiệu lực đối với quốc gia đó.

Việc từ bỏ không hề ảnh hưởng chút nào tới bổn phận của mọi quốc gia thành viên phải làm tròn mọi nghĩa vụ đã nêu trong Công ước, mà quốc gia này phải tuân thủ theo pháp luật quốc tế độc lập với Công ước.”

Thứ hai, nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS cũng không giúp cho Trung Quốc tránh khỏi việc sẽ bị các quốc gia láng giềng khác khởi kiện tương tự việc Philippines đã làm. Điều 317 UNCLOS quy định, trong trường hợp Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, cần có một tuyên bố chính thức bằng văn bản gửi lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc, và UNCLOS sẽ chấm dứt hiệu lực với Trung Quốc sau một năm kể từ thời điểm nhận được bản thông báo đó. Tuy nhiên, trong thời gian một năm đó, không có gì đảm bảo cho việc Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Nhật Bản sẽ mang tranh chấp biển với Trung Quốc ra trước một Tòa trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS, và đương nhiên, các phán quyết của Tòa trọng tài sẽ có đầy đủ hiệu lực pháp lý vì được thụ lý trong thời gian Trung Quốc vẫn đang là thành viên của UNCLOS.

Thứ ba, như đã trình bày ở phần trên, vì thấy trước các lợi ích từ biển và đại dương, cho nên Trung Quốc đã rất tích cực tham gia vào các định chế quốc tế biển và đại dương. Nhiều công ty và tập đoàn thuộc chính phủ Trung Quốc đã đầu tư rất lớn cho việc nghiên cứu, thăm dò và khai thác tại đáy biển và đại dương. Hội nghiên cứu và phát triển tài nguyên khoáng sản Trung Quốc là một ví dụ cụ thể. Hội này vừa mới hoàn tất việc ký kết 3 hợp đồng cho việc thăm dò tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển với Cơ quan quyền lực đáy đại dương.

Cho nên, nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, thì hoặc là các tập đoàn của Trung Quốc phải dừng các dự án này lại, hoặc là các tập đoàn này sẽ thực hiện bằng cách liên doanh với một tập đoàn nào đó thuộc một quốc gia thành viên của UNCLOS, điều đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều cho mục đích hoạt động của các dự án này đối với Trung Quốc.

Trung Quốc hiện nay đã có đại diện trong các tổ chức quan trọng về biển và đại dương trên thế giới, qua đó, Trung Quốc có thể tham gia định hình luật quốc tế để có lợi cho Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang có đại diện tại ITLOS (Tòa trọng tài quốc tế về Luật biển) và ISA (Cơ quan quyền lực đáy đại dương). Nếu Trung Quốc rút ra khỏi UNCLOS, đương nhiên các đại diện này sẽ không thể được tiếp tục. Trung Quốc cũng khó có thể nhận được sự chấp thuận để thực hiện việc thăm dò và khai thác đáy đại dương từ các cơ quan của Liên hợp quốc. Và khỏi phải nói, ta cũng hình dung được những thiệt hại mà Trung Quốc sẽ phải gánh chịu.

Thứ tư, theo Điều 76 UNCLOS, một quốc gia ven biển sẽ có thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý và tối đa là 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Các quốc gia ven biển nếu muốn được công nhận thềm lục địa mở rộng đến tối đa sẽ phải nộp báo cáo các căn cứ về địa lý, kỹ thuật đến Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc. Chính vì lẽ đó, Việt Nam và Malaysia đã nộp bản Báo cáo chung về ranh giới thềm lục địa cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc năm 2009, và Trung Quốc đã gửi Công hàm phản đối, trong Công hàm phản đối đó có kèm theo bản đồ có hình đường lưỡi bò, làm dấy lên những cuộc tranh luận về cái gọi là yêu sách nhưng vô cùng mập mờ, bí hiểm này.

Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc là cơ quan có thẩm quyền quyết định về ranh giới mở rộng của thềm lục địa của các quốc gia. Trung Quốc cũng đã gửi một báo cáo của họ về ranh giới thềm lục địa của họ trên biển Hoa Đông lên Ủy ban này năm 2012. Nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, thì có khả năng các căn cứ địa lý, kỹ thuật để xác định thềm lục địa của Trung Quốc theo Điều 76 UNCLOS sẽ không được xem xét. Và vị trí của Trung Quốc trong tranh chấp thềm lục địa mở rộng này, sẽ bị suy yếu rất nhiều so với Nhật Bản. Cho nên, thiệt hại của Trung Quốc nếu không được công nhận về thềm lục địa mở rộng sẽ rất lớn.

Cuối cùng,cho dù các quan chức và học giả Trung Quốc luôn khẳng định “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình” và Trung Quốc luôn là một cường quốc có trách nhiệm và luôn tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh, uy tín và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Điều đó sẽ làm sụp đổ “giấc mộng Trung Hoa” của chính họ, khi muốn trở thành một siêu cường trên thế giới, nhưng lại rút ra khỏi một Công ước quan trọng bậc nhất trên thế giới như UNCLOS.

Chính vì vậy, dựa trên tất cả các phân tích trên đây, chúng ta có thể thấy rằng mặc dù Trung Quốc hoàn toàn có quyền rút ra khỏi UNCLOS, nhưng so sánh về lợi ích giữa việc duy trì và từ bỏ UNCLOS thì ta sẽ thấy, nếu Trung Quốc lựa chọn phương án này, hại sẽ nhiều hơn lợi. Cho nên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần cân nhắc kỹ quyết định này.

RELATED ARTICLES

Tin mới