Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngNhà Trắng đang "ngáng chân" quân đội Mỹ chống bành trướng Biển...

Nhà Trắng đang “ngáng chân” quân đội Mỹ chống bành trướng Biển Đông?

Nội các Obama không muốn gây xáo trộn trên Biển Đông, thậm chí còn tìm cách “bịt miệng” Harry Harris và các nhà lãnh đạo quân sự khác.

Navy Times ngày 6/4 đưa tin, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ – Đô đốc Harry Harris đang đấu tranh quyết liệt trong những phòng họp kín cho một cách tiếp cận cứng rắn hơn chống lại hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên những kêu gọi của ông đang vấp phải kháng cự từ Nhà Trắng.

Đô đốc Harry Harris đề xuất phương án tung máy bay, chiến hạm tuần tra và tiến hành các hoạt động quân sự trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp, xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông. Nỗ lực này nhằm ngăn chặn Trung Quốc xây dựng một “Vạn Lý Trường Thành” bằng cát ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Ông cũng đã lên tiếng liên tục trong một chiến dịch kéo dài vài tháng qua nhằm lôi cuốn sự chú ý của dư luận và truyền thông, xung quanh hoạt động quân sự hóa bất hợp pháp mà Trung Quốc tiến hành trên Biển Đông.

Nhưng nội các Tổng thống Obama chỉ còn lại 9 tháng của nhiệm kỳ, đang tìm cách để làm việc với Trung Quốc trong một loạt vấn đề khác, từ không phổ biến vũ khí hạt nhân đến một chương trình thương mại đầy tham vọng, do dó Biển Đông đang bị xem nhẹ.

Các chuyên gia nói rằng, nội các Obama không muốn gây xáo trộn trên Biển Đông, thậm chí còn tìm cách “bịt miệng” Harry Harris và các nhà lãnh đạo quân sự khác trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Obama và Tập Cận Bình hôm 31/3 và 1/4 vừa qua.

Jerry Hendrix, một cựu chỉ huy hải quân và là nhà phân tích chiến lược quốc phòng từ Trung tâm An ninh mới của Mỹ nhận xét: Lãnh đạo Nhà Trắng muốn rời văn phòng với phiền phức tối thiểu, hợp tác tối đa với Trung Quốc. Bởi vậy Nhà Trắng đã tìm cách kiềm chế tối đa các bình luận của Đô đốc Harry Harris cũng như các nhà lãnh đạo quân sự khác.

Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice đã áp đặt một trật tự chương trình nghị sự trong hội nghị tuần trước giữa Tập Cận Bình với Obama, trong đó giới hạn vấn đề Biển Đông. Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ hôm 18/3 đã có cuộc họp yêu cầu tránh đưa ra những bình luận về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây.

Động thái này nhằm làm nản lòng các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc bàn luận công khai về Biển Đông, trong khi các tướng lo ngại phản ứng này của Washington sẽ kích thích Trung Quốc leo thang lấn tới, còn đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực như Nhật Bản, Philippines và các nước khác cảm thấy bất an vì bị bắt nạt.

Bryan Clark, một phụ tá của cựu Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ mới nghỉ hưu, Đô đốc John Greenert, nói với Navy Times, Hội đồng An ninh Quốc gia thường mất kiểm soát về việc thống nhất thông điệp từ trên xuống dưới. Nhiều tiếng nói chỉ trích chính quyền Tổng thống Obama đã thất bại trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cũng có nhận định tương tự, Washington đang thiếu quyết đoán và thất bại trong việc ngăn chặn bành trướng, chủ nghĩa bá quyền ở Biển Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc không chỉ quân sự hóa bất hợp pháp Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), mà còn đang bắt đầu xây dựng đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát từ Manila tháng 4/2012.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, tướng Joe Dunford hôm 29/3 phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế: “Ở Biển Đông, hoạt động của Trung Quốc đang gây mất ổn định và có thể tạo ra mối đe dọa cho các tuyến đường thương mại”.

Ông thừa nhận, trong khi hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông mà Mỹ tiến hành đã khẳng định cam kết của Mỹ với đồng minh, nhưng vẫn không ngăn được Trung Quốc quân sự hóa.

Sean Liedman, một sĩ quan hải quân về hưu và hiện là thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ kêu gọi Mỹ cần có đường lối cứng rắn chống bành trướng ở Biển Đông.

Nếu Mỹ để Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng và quân sự hóa Scarborough sẽ không chỉ tạo ra thiệt hại không thể phục hồi cho môi trường Biển Đông, mà còn phá hủy luật pháp quốc tế và tạo ra thế mạnh không thể đảo ngược trong bất cứ kịch bản nào của một cuộc xung đột ở khu vực.

Hải quân Mỹ nên xem xét những hành động quân sự như vô hiệu hóa tàu nạo vét Trung Quốc để từng bước giảm các nỗ lực bồi đắp đảo nhân tạo. Không ngăn được bước chân bành trướng của Trung Quốc chỉ làm tăng nguy cơ đối đầu vũ trang.

RELATED ARTICLES

Tin mới