Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngÝ đồ của Trung Quốc khi đưa vào vận hành hải đăng...

Ý đồ của Trung Quốc khi đưa vào vận hành hải đăng ở Xu Bi

Ngày 06/4/2016, hãng tin Reuters của Anh đưa tin việc Trung Quốc chính thức vận hành hải đăng mà nước này lắp đặt trên đã Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa vốn được bồi đắp và cải tạo trái phép từ tháng 7/2014.

Theo Reuters “Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã tổ chức “lễ khánh thành”, đánh dấu việc đưa vào hoạt động ngọn hải đăng cao 55 mét trên đá Xu Bi được khởi công xây dựng tháng 10 năm ngoái”. Cũng theo Reuters, trước khi được bồi đắp, cải tạo, Xu Bi là bãi cạn nửa chìm nửa nổi và theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (Công ước Luật biển 1982), giới hạn 12 hải lý không thể được thiết lập cho các đảo nhân tạo được xây dựng trên các đá vốn trước đây là bãi cạn nửa chìm nửa nổi.

Hãng tin Tân hoa xã của Trung Quốc thì cho rằng thông qua việc cung cấp các dịch vụ hàng hải như hỗ trợ xác định vị trí, hướng dẫn tuyến hàng hải, thông tin về an toàn hàng hải cho tàu thuyền, ngọn hải đăng trên đá Xu Bi có thể “cải thiện việc quản lý hoạt động hàng hải và đối phó tình huống khẩn cấp”.

Vậy đâu là ý đồ thực chất của Trung Quốc trong vấn đề này, có thực sự là Trung Quốc quan tâm đến tự do và an toàn hàng hải trong khu vực Biển Đông?

Như chúng ta đã biết, mặc dù quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu là lãnh thổ của Việt Nam, song trải qua những biến động lịch sử trong khu vực, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành đối tượng tranh chấp lãnh thổ gay gắt giữa Việt Nam và Trung Quốc (đối với Hoàng Sa) cũng như giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei (đối với Trường Sa). Lịch sử thế giới vẫn còn chưa nguôi và tiếp tục lên án việc Trung Quốc dùng vũ lực năm 1956 và 1974 để chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam và lập lại việc này năm 1988 để chiếm đóng một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có đá Xu Bi.

Theo Sáng kiến minh bạch hàng hải ở Châu Á (AMTI), đá Xu Bi là một bãi cạn nửa nổi nửa chìm, có hình dạng một viên kim cương với chiều dài từ 5-6,9 km tính theo cách đo và được bao bọc bởi một vụng (lagoon) với chiều rộng lớn nhất là 3,5 km. Từ tháng 7/2014, Trung Quốc bắt đầu tiến hành hút cát để cải tạo bồi đắp đá Xu Bi và hiện diện tích bồi đắp đã lên tới gần 4 triệu m2. Tại đá Xu Bi, Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng đường bay dài trên 3000m, có khả năng tiếp nhận tất cả các loại máy bay cỡ lớn, cả quân sự lẫn dân sự. Không chỉ tiến hành bồi đắp, xây dựng ở Xu Bi, Trung Quốc tiến hành ồ ạt việc bồi đắp, xây dựng trên các cấu trúc khác mà nước này chiếm đóng trái phép ở Trường Sa cũng như ở Biển Đông với quy mô bất ngờ đối với cộng đồng quốc tế.

Không chỉ dừng lại đó, việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đưa vào vận hành, khai thác sân bay xây dựng trên các thực thể mà Trung Quốc bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép ở Trường Sa và Biển Đông; quyết liệt trong việc sử dụng sức mạnh cứng đối với ngư dân Việt Nam; tăng cường sự hiện diện của các lực lượng chấp pháp trên biển; phản ứng gay gắt và hung hăng trước việc Mỹ tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông… đã thực sự gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà cả ASEAN, EU, Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ… và nhiều nước khác đều lên tiếng quan ngại về tình hình ở Biển Đông, về việc hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông bị đe dọa và chỉ trích Trung Quốc là tác nhân gây ra câu chuyện này.

Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc đang bước vào giai đoạn then chốt, nhất là khi Tòa trọng tài được thành lập theo Công ước Luật biển 1982 khẳng định có thẩm quyền xét xử tranh chấp, cụ thể là tranh chấp liên quan đến quy chế pháp lý của một số cấu trúc ở quần đảo Trường Sa và Biển Đông. Điều này dẫn đến khả năng là Tòa trọng tài có thể ra phán quyết về việc một số cấu trúc trong quần đảo Trường Sa có thể là bãi cạn nửa nổi nửa chìm, hoặc đá. Điều này đồng nghĩa với việc vùng biển mà các cấu trúc này có thể tạo ra là rất hạn chế.

Nhằm đối phó với những bất lợi mà phán quyết của Tòa trọng tài có thể đưa ra, việc Trung Quốc gấp rút xây dựng và triển khai đèn biển tại một số thực thể ở Trường Sa có thể là bước chuẩn bị cho việc Trung Quốc công bố hệ thống đường cơ sở thẳng ở Trường Sa. Trung Quốc đang có ý đồ giải thích sai lệch Điều 7 của Công ước Luật biển 1982 về việc thiết lập đường cơ sở thẳng.

Theo Điều 7, khoản 4: “Các đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặ xuất phát từ các bãi cạn nửa chìm nửa nổi, trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được thừa nhận chung của cộng đồng quốc tế”.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc có mưu đồ sử dụng điều khoản trên để làm căn cứ cho việc làm của mình thì đây lại là một sai lầm nữa của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như trong việc giải thích và áp dụng Công ước Luật biển 1982.

Hẳn dư luận còn chưa quên việc ngày 15/5/1996, cùng với việc phê chuẩn Công ước Luật biển 1982, Trung Quốc đã công bố hệ thống đường cơ sở thẳng của mình, trong đó có cả đường cơ sở ở khu vực quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm giữ trái phép của Việt Nam. Trung Quốc xác định đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa bằng cách nối 28 điểm ngoài cùng của các cấu trúc nhô ra xa nhất của quần đảo Hoàng Sa. Nói cách khác, Trung Quốc đã cố tình sử dụng phương pháp xác định đường cơ sở của quốc gia quần đảo để xác định đường cơ sở cho Hoàng Sa.

Theo quy định tại Điều 46 của Công ước Luật biển 1982, chỉ có quốc gia quần đảo là quốc gia “hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có thể bao gồm một số hòn đảo khác nữa” mới được phép sử dụng phương pháp xác định đường cơ sở này. Hơn nữa, ngoài điều kiện nêu trên, đường cơ sở quần đảo cũng phải đáp ứng một số tiêu chí khác nữa như tỷ lệ giữa diện tích vùng nước được tạo ra bởi hệ thống đường cơ sở và diện tích vùng đất, kể cả vành đai san hô phải ở giữa tỷ lệ 1/1 và 9/1; chiều dài của các đường cơ sở này không được vượt quá 100 hải lý hoặc có thể tối đa 3% tổng số các đường cơ sở có thể có chiều dài lớn hơn, nhưng không quá 125 hải lý.

Đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc vạch ở Hoàng Sa đã bao gồm một vùng diện tích khoảng 17.400 km2 và theo quy định của Công ước thì diện tích đất tối thiểu để có thể tạo ra vùng biển có diện tích nêu trên trên là 1.933 km2, song thực tế, diện tích tối đa của Hoàng Sa, kể cá các đá và rạn san hộ xung quanh cũng chỉ vài trăm km2. Hơn nữa, trên thế giới, chỉ có một số quốc gia được thừa nhận là quốc gia quần đảo như Indonesia, Philippines… Trung Quốc không nằm trong số các quốc gia này.

Chính vì việc giải thích và vận dụng sai Công ước Luật biển 1982 trong việc xác định hệ thống đường cơ sở ở Hoàng Sa của Trung Quốc, trong Tài liệu về giới hạn biển số 117 do Bộ Ngoại giao Mỹ ấn hành ngày 9/6/1996, chính quyền Mỹ đã khẳng định Trung Quốc không được phép thiết lập đường cơ sở quần đảo cho Hoàng Sa. Việc tàu Mỹ Curtis Wilbur tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ngày 30/1/2016 quanh khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn là một bằng chứng rõ ràng về việc Mỹ vừa không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa cũng như đường cơ sở được xác định không phù hợp với Công ước Luật biển 1982 mà Trung Quốc đã tiến hành năm 1996.

Tóm lại, bằng việc rêu rao với cộng đồng quốc tế là ý định của Trung Quốc trong việc bồi đắp, cải tạo các thực thể ở Trường Sa chỉ nhằm sử dụng vào mục đích dân sự, hỗ trợ hoạt động hàng hải cho cộng đồng quốc tế, tăng cường an toàn hàng hải, song thực tế chính Trung Quốc, thông qua các hành động của mình ở Biển Đông đã gây ra quan ngại về việc mất an ninh, an toàn hàng hải, hàng không tại Biển Đông. Sâu xa hơn, việc Trung Quốc lắp đặt hệ thống hải đăng ở Trường Sa là nhằm mục tiêu hình thành hệ thống đường cơ sở ở Trường Sa mà Trung Quốc có thể tuyên bố trong tương lai gần khi kết quả vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc đã đến hồi kết thúc. Trung Quốc không thể che giấu mãi ý đồ của mình khi mà cộng đồng quốc tế đã nhìn rõ bản chất của sự việc cũng như cách thức hành xử của Trung Quốc trong quá khứ và hiện tại. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ để ngăn ngừa việc Trung Quốc “vận dụng” và “giải thích” sai lệch Công ước Luật biển 1982, phá vỡ tính toàn diện và giá trị phổ quát của Công ước. Hơn nữa, việc Trung Quốc thiết lập hệ thống đường cơ sở thẳng tại Trường Sa sẽ tiếp tục đẩy tình hình Biển Đông rơi vào trạng thái căng thẳng mới, nguy hiểm hơn, tác động đến an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới