Thursday, April 25, 2024
Trang chủThâm cung bí sửTiết lộ 2 lần Liên Xô muốn gia nhập NATO nhưng bị...

Tiết lộ 2 lần Liên Xô muốn gia nhập NATO nhưng bị từ chối

Trong lịch sử, Liên Xô từng có hai lần muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng đều bất thành bởi nhiều lý do.

Ngày 31/3/1954, Chính phủ Liên Xô đã gửi thư cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đề nghị được tham gia tổ chức này. Đây là điều mà các nhà lãnh đạo StalinKhrushev đã tính toán rất kỹ trong nước cờ chiến lược của mình.

Trước đó, ngày 25/8/1952, lãnh đạo Liên Xô Stalin tiếp đại sứ Pháp Louis Joxe. Nhà ngoại giao này đã giải thích cho Stalin quan điểm của Pháp coi NATO là một liên minh hòa bình, không đi ngược lại Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Nghe đến đó, Stalin liền cười, hỏi đùa Bộ trưởng ngoại giao Andrey Vyshinsky: “Nếu mà như thế thì Liên Xô có nên tham gia vào tổ chức này không nhỉ?”.

Ẩn ý sau câu nói đùa của Stalin là một nước cờ ngoại giao đã được tính toán.

Ngay từ năm 1949, tại Nghị viện Anh, các nghị viên Cộng sản và Công đảng đã hỏi nhau không hiểu có nên mời Liên Xô tham gia Liên minh quân sự mới hay không.

Ngay sau đó, Ngoại trưởng Liên Xô Vishinsky đã gửi đến London lời đề nghị, thảo luận ý định của Liên Xô xin gia nhập Liên minh phòng thủ Tây Âu – Tổ chức tiền thân của NATO, được thành lập tháng 3/1948. Phương Tây khi đó đã từ chối.

Hay tin, Stalin đã gọi Liên minh này là tổ chức “phá rối Liên hợp quốc”, khi các nước thành viên LHQ (gồm Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Pháp) bỗng nhiên thành lập khối quân sự riêng.

Đề án Gromykyo

Sau khi Stalin mất (3/1953), Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Khrushev quyết định đi nước cờ mới, nhằm gia nhập Liên minh quân sự NATO, vốn lập ra để ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản và Liên Xô.

Ngày 10/3/1954, Thứ trưởng thứ nhất BNG Andrey Gromyko gửi cho Ngoại trưởng Vyacheslav Molotov tờ trình của Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô.

Trong đó, nội dung tờ trình này tỏ rõ thiện chí hòa bình trước cáo buộc Liên Xô đang âm mưu thành lập một hệ thống an ninh chống lại khối Bắc Đại Tây Dương của phương Tây. Liên Xô đã sẵn sàng gia nhập NATO.


Thứ trưởng ngoại giao Liên Xô Andrey Gromyko. Ảnh: Softmixer.com

Thứ trưởng ngoại giao Liên Xô Andrey Gromyko. Ảnh: Softmixer.com

Kiến nghị này của Liên Xô là một đòn ngoại giao luôn “nắm chắc phần thắng”. Thứ trưởng Gromyko đã phân tích điều này trong tờ trình của mình.

Nếu phương Tây từ chối, Liên Xô có thể coi đó như là một hành động cô lập ngoại giao và có thể xúc tiến thành lập một tổ chức an ninh tập thể mới.

Còn nếu được đồng ý, và không ngoại trừ điều này có thể xảy ra, khi Liên Xô đã nằm trong NATO, thì mục đích của Liên minh này sẽ phải thay đổi, không còn có thể nhắm trực tiếp vào Liên Xô và các nước XHCN khác được nữa.

Trong tờ trình đề án đã được sửa chữa, Gromyko viết:

“Bộ Ngoại giao cho rằng việc gia nhập khối Bắc Đại Tây dương là cần thiết.

Kiến nghị (của Liên Xô) sẽ đặt các nhà sáng lập NATO vào một tình thế khó xử, khi mà họ luôn khẳng định Liên minh chỉ có tính chất phòng thủ, và không có xu hướng chống Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân”.

Trong đề án, Gromyko viết trong trường hợp Liên Xô được gia nhập NATO, nước này sẽ yêu cầu bổ sung thêm nội dung các nước NATO không được phép can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

Nội dung này, rõ ràng là, có ám chỉ đến sự xuất hiện của các căn cứ quân sự Mỹ ở châu Âu.

Tuy nhiên, trong văn phong, phía Liên Xô chỉ nói chung chung, nếu không thì Anh, Pháp, Mỹ có thể dựa vào đó mà tuyên bố rằng Liên Xô làm thế với mục đích tuyên truyền, khi đưa ra các điều kiện “không thể chấp nhận được”.

Ngoài việc kiến nghị gia nhập NATO, Liên Xô đi tiếp một nước cờ khác: đề nghị ký kết Hiệp ước an ninh tập thể ở châu Âu với Mỹ.

Tuy nhiên, ngày 7/5/1954, Mỹ, Pháp, Anh đã từ chối, viện cớ đề nghị đó là không thực tế. Liên Xô lại tiếp tục đề nghị không được tái vũ trang Tây Đức, giải phóng Áo khỏi sự chiếm đóng của quân Đồng minh, không được lập căn cứ quân sự ở Viễn Đông, ký thỏa thuận về giải trừ quân bị.

Các văn kiện trao đi đổi lại giữa Liên Xô và NATO vẫn được tiếp tục.

Ba nước cùng kiến nghị

Thật thú vị khi biết rằng ngoài Liên Xô, hai nước Cộng hòa trong thành phần Liên Xô là Ukraine và Belorussia cũng đồng thời gửi đến lãnh đạo NATO đơn xin gia nhập tổ chức này.

Vì sao hai nước Cộng hòa của Liên Xô lại có quyền gửi kiến nghị gia nhập NATO với tư cách quốc gia?

Đó là bởi sau Thế chiến thứ Hai, Stalin đã lường trước được việc có thể Liên Xô sẽ “thân cô thế cô” tại LHQ nên đã có đề nghị tổ chức này kết nạp thêm các nước Cộng hòa của LX, viện dẫn trường hợp Anh và các lãnh thổ hải ngoại đều là thành viên của tổ chức này.

Trước đó năm 1944, khi đang còn chiến tranh, Stalin đã có quyết định cho 15 nước Cộng hòa “tách” ra trong một thời gian với các cơ cấu nhà nước độc lập.

Tuy nhiên cuối cùng, chỉ có Ukraine và Belorussia trong số 15 “nước cộng hòa độc lập” được LHQ chấp nhận kết nạp làm thành viên. Điều này đồng nghĩa với việc Liên Xô có thêm ghế (và lá phiếu) trong LHQ.

Lần này, trong chiến dịch “xâm nhập” NATO, Liên Xô lại tiếp tục đi thêm nước cờ khi gia nhập Liên hợp quốc. Nếu Ukraine và Belorussia vào được NATO, điều đó cũng có nghĩa Liên Xô sẽ có thêm tiếng nói trong tổ chức này, nếu Liên Xô được kết nạp.

Ngày 31/3/1954, Liên Xô, Ukraine và Belorussia, với tư cách 3 quốc gia độc lập, đồng thời gửi kiến nghị được kết nạp vào NATO.

Câu trả lời như chúng ta đã được biết, đó là NATO từ chối.

Giọt nước tràn ly, khối Hiệp ước Warszawa ra đời

Cũng thời gian này, Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách lôi kéo các nước châu Âu vào dưới “trướng” NATO và mở rộng biên giới tổ chức này sang phía Đông.

Từ tháng 9/1954, Anh thảo luận với Pháp vấn đề kết nạp Tây Đức vào Liên minh phương Tây (viết tắt là UO, được thành lập năm 1948 bởi Pháp, Bỉ, Luxembourg, Hà Lan và Anh). Và tiếp đó là lộ trình kết nạp nước này vào NATO.

Tháng 9-10/1954 tại London và Paris đã diễn ra các cuộc họp của thành viên UO, thảo luận các điều kiện kết nạp Tây Đức và Italia vào Liên minh và điều kiện kết nạp Tây Đức vào NATO.

Theo Hiệp ước Paris, sau khi Tây Đức và Italia trở thành thành viên, Liên minh phương Tây (UO) sẽ được đổi tên thành Liên minh Tây Âu (UEO), bổ sung thêm thẩm quyền kiểm soát lực lượng vũ trang của Tây Đức.

Không những áp sát biên giới Đông Đức, NATO còn vi phạm các thỏa thuận trước đó về không tái vũ trang cho Tây Đức.

Đối với Liên Xô, hành động đó là giọt nước cuối cùng làm tràn ly.

Ngày 14/5/1955, Liên Xô cùng bảy quốc gia XHCN Đông Âu là Albania, Ba Lan, Romania, Hungary, Đông Đức, Tiệp Khắc và Bulgaria đã ký hiệp ước thành lập khối Hiệp ước Warszawa, đóng trụ sở chính ở thủ đô của Ba Lan.


Bích chương tuyên truyền khối Hiệp ước Varsava. Ảnh: Softmixer.com

Bích chương tuyên truyền khối Hiệp ước Varsava. Ảnh: Softmixer.com

Nỗ lực cuối cùng

Đầu năm 1983, Liên Xô muốn “mềm hóa” chính sách đối ngoại và vấn đề gia nhập NATO lại được đặt ra. Đích thân Tổng bí thư Yuri Andropov đã nêu vấn đề này ra tại cuộc họp Bộ chính trị. Nhưng sự “xích lại” này đã không đạt được mong muốn bởi sự kiện dưới đây.

Ngày 1/9/1983, chiếc máy bay Boeing -747 số hiệu 55719 của Hãng Hàng không Hàn Quốc Korean Airlines theo lộ trình Anchorage-Seoul bị máy bay tiêm kích Liên Xô SU-15TM bắn rơi xuống biển khi xâm phạm không phận Liên Xô.

Mãi sau này, người ta mới tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy dường như đó là một vở kịch của Mỹ.

Điều kỳ lạ là chỉ vài tiếng sau khi xảy ra vụ việc, truyền thông Mỹ ngay lập tức ồ ạt vào cuộc, tố cáo Liên Xô vô nhân đạo đã “bắn rơi máy bay dân dụng chở gần 300 hành khách”.

Tổng thống Mỹ Reagan lên tiếng gọi Liên Xô là “đế chế của quỷ”, đồng thời kêu gọi một cuộc “thập tự chinh” chống lại Liên Xô. Cuộc chiến tranh lạnh đã lên đến đỉnh điểm.


Báo chí Mỹ đồng loạt lên tiếng tố cáo Liên Xô đã bắn rơi máy bay dân dụng Hàn Quốc. Ảnh: Softmixer.com

Báo chí Mỹ đồng loạt lên tiếng tố cáo Liên Xô đã bắn rơi máy bay dân dụng Hàn Quốc. Ảnh: Softmixer.com

Sự cố gắng lần thứ hai của Liên Xô “đột nhập” vào khối NATO có thể quên đi nhanh chóng, bởi thời điểm đó thế giới đã nằm trên bờ vực của chiến tranh hạt nhân.

Ngày 2/11/1983, Mỹ và NATO tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn có tên “Able Archer 83” với tình huống giả định là một cuộc tấn công hạt nhân. Quân đội Liên Xô khi đó được đặt trong tình trạng báo động với sự sẵn sàng tham chiến của vũ khí hạt nhân.

Cố gắng cuối cùng của Liên Xô để có mặt trong khối NATO đã kết thúc như thế đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới