Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngÂm mưu của TQ từ những chuyến du lịch phi pháp ở...

Âm mưu của TQ từ những chuyến du lịch phi pháp ở Hoàng Sa

Cùng với các hoạt động cải tạo phi pháp các đảo, đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, gần đây, Trung Quốc liên tục đưa ra tuyên bố tổ chức các chuyến du lịch phi pháp tới các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, cụ thể:

(Báo Quân giải phóng Trung Quốc ngày 7 tháng 4 thông báo tổ chức du lịch miễn phí phi pháp tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam)

Báo Giải phóng quân (Trung Quốc) ngày 13/4 cho biết, các thành viên “đoàn du lịch Hoàng Sa của truyền thông quân đội Trung Quốc” cùng 3 công dân Trung Quốc đã tới tham quan trái phép đảo Phú Lâm của Việt Nam bằng tàu tiếp tế của quân đội. Sau khi rời đảo Phú Lâm, đoàn này sẽ tiếp tục đến đảo Quang Hòa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp).

Trang mạng Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 12/4 đăng bài “Tuyến đường du lịch tới Hoàng Sa, bạn có muốn tới?”, trong đó đăng một số hình ảnh giới thiệu về phong cảnh và hoạt động du lịch trên một số đảo, đá do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp của Việt Nam, cho biết hiện nay, Chính phủ Trung Quốc chỉ công nhận một tuyến đường du lịch duy nhất tới quần đảo Hoàng Sa bằng tàu du lịch. Tuy nhiên, Trung Quốc đang hoàn tất việc mở tuyến đường hàng không từ Hải Nam tới quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn ngang nhiên cho rằng “quần đảo Hoàng Sa là một trong bốn quần đảo lớn của Trung Quốc, chỉ có người Trung Quốc mới có thể tới vùng đất này”. Tính đến nay, có khoảng 10.000 người Trung Quốc tới du lịch Hoàng Sa.

(Một trong số những ảnh Bộ Quốc phòng Trung Quốc giới thiệu)

Trang mạng Sohu.com cho biết, Trung Quốc ngày 13/3 đã đưa tàu du lịch “Ngôi sao Vịnh Bắc Bộ” nặng 10.000 tấn vào vận hành du lịch trái phép tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tàu “Ngôi sao Vịnh Bắc Bộ” sẽ chở khách du lịch từ Tam Á, Hải Nam đến tham quan đảo Ốc Hoa thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm (quần đảo Hoàng Sa) với tần suất khoảng 4 – 5 lần/tháng. Tàu “Ngôi sao Vịnh Bắc Bộ” sẽ thay thế tàu “Công chúa Gia Hương” do công ty cổ phần hàng hải Eo biển Hải Nam quản lý, cũng khai thác tuyến du lịch nói trên. Giới chức tỉnh Hải Nam cho biết tàu trên có sức chứa khoảng 300 người với nhiều trang thiết bị hiện đại.

(Tàu “Ngôi sao Vịnh Bắc Bộ”)

Trong một diễn biến liên quan, Cục Hải sự Trung Quốc hôm 7/4 thông báo Trung Quốc tổ chức (trái phép) giải đua thuyền buồm quốc tế Ty Nam “SiNan Regatta Cup” từ 9 – 16/4 tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Các thuyền buồm tham gia sẽ khởi hành từ vịnh Á Long, thành phố Tam Á đến đảo Ốc Hoa thuộc nhóm Lưỡi Liềm trong quần đảo Hoàng Sa. Đây là lần thứ tư chính quyền tỉnh Hải Nam tổ chức giải đua trái phép này ra khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. “SiNan Regatta Cup” là cuộc đua thuyền buồm quy mô lớn trên tuyến hàng hải khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Mục đích những hành động phi pháp trên của Trung Quốc là nhằm phục vụ các ý đồ chính trị: Thứ nhất, Trung Quốc muốn tìm cách độc chiếm Biển Đông. Đài RFI của Pháp cho rằng Trung Quốc đang dùng mọi phương tiện để thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông khi thường xuyên đưa du khách tới Hoàng Sa, Trung Quốc muốn củng cố đòi hỏi chủ quyền và khẳng định quản lý tuyệt đối toàn bộ vùng này. Thứ hai, Trung Quốc muốn củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp ở Hoàng Sa. Bằng các hành động trên, Trung Quốc đang muốn chứng minh rằng Trung Quốc“đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục và hòa bình”. Trước đó, Trung Quốc (6/2010) thông qua “Cương yếu quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010 – 2020”, trong đó xác định Khu tổ hợp chức năng biển do tỉnh Hải Nam, Trung Quốc quản lý bao gồm cả Hoàng Sa. Thứ ba, tuyên truyền việc Trung Quốc có “chủ quyền” không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Thứ tư, trong bối cảnh bất công trong xã hội Trung Quốc gia tăng, phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và ly khai ngày càng manh động, nhất là vụ “Hồ sơ Panama” tiết lộ một loạt thông tin liên quan một số quan chức chính phủ hàng đầu và thân nhân có nhiều tài sản ở nước ngoài… Trung Quốc muốn thông qua các hoạt động du lịch trái phép tới Hoàng Sa để đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc và “lòng yêu nước” của người dânlên cao nhằm hướng lái dư luận trong nước trước một số vấn đề nhạy cảm của TQ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa. Việc Trung Quốc tổ chức du lịch ra quần đảo này, bất chấp sự quan ngại của phía Việt Nam và cộng đồng quốc tế là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Những hành động này đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương, vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN – Trung Quốc, làm phức tạp, căng thẳng tình hình ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết bác bỏ và phản đối mạnh mẽ hành động trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động tương tự; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế; có hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt – Trung, cũng như duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới