Friday, March 29, 2024
Trang chủĐiểm tinĐồng minh của TQ trong vấn đề Biển Đông?

Đồng minh của TQ trong vấn đề Biển Đông?

Ngày 13/4, Ngoại trưởng Fiji Inoke Kubuabola đã có chuyến thăm Bắc Kinh và gặp người đồng cấp Vương Nghị. Tân Hoa xã ngay lập tức giật một cái tít đáng chú ý “Fiji ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông”.

Theo đó, tại cuộc họp báo chung, hai bên kêu gọi các bên liên quan trực tiếp giữ cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ, các quyền và lợi ích hàng hải thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị theo các thỏa thuận song phương và phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông. Toàn văn tuyên bố báo chí mà Tân Hoa xã đăng tải cũng khẳng định, các cơ quan tài phán và trọng tài quốc tế cần tôn trọng tuyên bố của các nước về những ngoại lệ không bắt buộc theo Điều 298 Công ước Luật biển 1982. Hai bên nhấn mạnh quyền của các quốc gia độc lập và các bên ký kết Công ước Luật biển 1982 trong việc tự do lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp phải được tôn trọng và phải có sự đồng ý của các bên tranh chấp trước khi đưa ra giải quyết bởi một bên thứ ba. Có thể hiểu điều này ám chỉ đến việc Trung Quốc đang đưa ra lý do “phù hợp” cho lập trường không tham gia, không chịu sự ràng buộc vào phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.

Thoạt nghe, Tuyên bố báo chí này cho thấy Trung Quốc thể hiện là quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và Fiji ủng hộ lập trường này của Trung Quốc. Phải chăng, Trung Quốc mới kiếm được đồng minh hiếm hoi trong vấn đề Biển Đông? Thực tế không phải vậy. Chúng ta cần có cách nhìn khách quan, đa chiều để hiểu rõ bản chất của vấn đề này.

Nằm giữa Thái Bình Dương, Fiji là một quốc gia nhỏ bé có thu nhập trung bình với nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Tuy trong một vài năm trở lại đây, du lịch và xuất khẩu đường đem lại lợi nhuận cho quốc đảo này, nhưng tình trạng thâm hụt ngân sách, tham nhũng vẫn là mối lo ngại của chính phủ và người dân Fiji. Fiji thường xuyên nhận được trợ cấp từ một số nước lớn, trong đó có Trung Quốc. Từ năm 2007, 75% viện trợ phát triển cho Fiji đến từ Trung Quốc. Tháng 11/2014, trong chuyến thăm chính thức của Tập Cận Bình đến Fiji, hai bên đã nâng cấp quan hệ song phương lên tầm Đối tác chiến lược. Đầu năm 2016, Trung Quốc đã đi tiên phong trong việc chi 100.000USD viện trợ khẩn cấp để giúp Fiji khắc phục hậu quả của trận bão nhiệt đới Winston khiến cho 29 người Fiji thiệt mạng. Với những “củ cà rốt” đó, Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng đối với Fiji, từ kinh tế đến cả đời sống chính trị, xã hội. Bằng con bài này, Bắc Kinh hy vọng sẽ lôi kéo được Fiji đứng về phía mình trong các vấn đề về an ninh, chính trị ở khu vực, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã không đạt được mục đích. Ngay sau khi Tân Hoa xã đưa tin, chính phủ Fiji đã nhanh chóng phát biểu phản bác và cải chính nội dung cuộc họp báo. Theo đó, Bộ Thông tin Fiji tuyên bố nước này không ủng hộ lập trường của Trung Quốc, đồng thời khẳng định chính sách không liên kết của mình. Thay vào đó, Fiji ủng hộ sự tuân thủ luật pháp quốc tế, kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Như vậy, những từ ngữ trong bản Tuyên bố báo chí mà Trung Quốc đưa ra hoàn toàn là bịa đặt, nói không thành có. Trung Quốc áp đặt luận điệu chủ quan của mình vào một văn kiện song phương mang tính công khai quốc tế, những tưởng sẽ tìm được tiếng nói ủng hộ. Có lẽ Vương Nghị và chủ bút của Tân Hoa xã cũng không ngờ rằng tình hình lại đi ngược lại so với mong đợi. Tuyên bố của Fiji giống như một gáo nước lạnh dội vào mặt Bắc Kinh khiến cho hình ảnh một nước lớn Trung Quốc “có trách nhiệm”, “đáng tin cậy” bị đổ vỡ. Không những vậy, sự việc trên cũng cho thấy Trung Quốc rõ ràng đã đuối lý về những yêu sách và lập luận trong vấn đề Biển Đông nên phải viện đến chiêu bài bịa đặt này. Tuy Fiji không có lợi ích trực tiếp trong các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng là một nước độc lập, tỉnh táo, Fiji không vì miếng mồi kinh tế mà ủng hộ những gì trái với luật pháp quốc tế như Trung Quốc đang làm.

Thực tế, Fiji không phải nước duy nhất ở khu vực Thái Bình Dương được Trung Quốc đưa vào tầm ngắm. Từ năm 2006, tại Diễn đàn Hợp tác và Phát triển kinh tế Trung Quốc – Các quốc đảo Thái Bình Dương lần thứ nhất, Trung Quốc đã tuyên bố viện trợ 3 tỷ Nhân dân tệ (tương đương với 376 triệu USD) cho 6 nước khu vực này. Cho đến nay, tổng số tiền viện trợ nước ngoài mà Trung Quốc chi cho các quốc gia này đã lên đến hơn 1,9 tỷ USD. Các công ty Trung Quốc cũng ngày càng lấn sân vào khu vực thông qua các hợp đồng viện trợ nước ngoài, các cơ hội đầu tư tại địa phương hay ký các hợp đồng thông qua các đối tác phát triển khác như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Theo nghiên cứu của Viện Lowy, các công ty đánh cá của Trung Quốc (cả hợp pháp và bất hợp pháp) đều đang hoạt động rất tích cực ở khu vực này.

Trong tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc đang bị các nước liên quan cũng như cộng đồng quốc tế phản bác mạnh mẽ. Bị cô lập, Trung Quốc quay sang tìm kiếm đồng minh từ những quốc gia nhỏ bé ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nước cờ này có vẻ như đã thất bại. Sau khi có thông tin cải chính từ Fiji vừa qua, tờ ABC News của Australia đăng bài bình luận cho rằng Trung Quốc đã tính toán sai về mức độ ủng hộ của các nước nhỏ ở Thái Bình Dương đối với các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh. Theo Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế của Viện Lowy, Trung Quốc đã sai lầm khi cho rằng việc có ảnh hưởng ngày càng tăng tại Thái Bình Dương nhờ vai trò là nhà tài trợ chính đồng nghĩa với việc sẽ giành được ủng hộ ngoại giao từ các nước như Fiji. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Điều này cho thấy Trung Quốc không phải cứ lắm tiền nhiều của là có thể lôi kéo được người khác hùa theo những hành động sai trái của mình.

Hơn nữa, cách thức truyền thống mà Trung Quốc sử dụng để tuyên truyền về cái gọi là “các nước chia sẻ và ủng hộ quan điểm” của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã lỗi thời. Mỗi khi có cuộc tiếp xúc, gặp gỡ cấp cao, Trung Quốc thường tuyên bố với quốc tế là các nước đối tác ủng hộ Trung Quốc thông qua việc cố tình giải thích sai lệch thỏa thuận hoặc tuyên bố mà hai bên đạt được. Nhiều khi vì lý do giữ thể diện cho Trung Quốc, các nước thông thường chỉ nêu lại song phương với Trung Quốc, không đưa ra công khai. Song do việc Trung Quốc duy trì quá lâu chiến thuật này, các nước đã có phản ứng khác và trường hợp của Fiji là một ví dụ điển hình. Là một nước lớn, Trung Quốc nên tôn trọng và phản ánh trung thực lời mình và khách mời, không nên chập quan điểm của mình vào người khác. Làm thế sẽ mất hình ảnh và uy tín cũng như sự tin cậy trong quan hệ quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới