Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam học thói xấu của TQ: Điều không thể khác

Việt Nam học thói xấu của TQ: Điều không thể khác

Do quá giống nhau nên hành vi của người VN không thể khác được hành vi của người TQ

Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn – Viện kinh tế Việt Nam cần phải tách bạch hai vấn đề, một là đi sau TQ và hai là đi theo TQ. Ông định nghĩa, đi sau nghĩa là theo sau về mặt thời gian, còn đi theo là học theo mô hình, đường lối phát triển hay hệ quản trị… Đó là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Phân tích cụ thể từng vấn đề, ông Đoàn khẳng định, VN đi sau TQ là rất rõ ràng.

Bắt đầu từ mốc thời gian phát triển, vào năm 1945, VN thực hiện cuộc cách mạng Tháng 8 và xác lập thể chế VN dân chủ cộng hòa. Thời điểm này cũng có thể coi là thời điểm xác lập những tiền đề chính trị tiên quyết cho một giai đoạn phát triển.

Trong khi đó, tại TQ, năm 1949 cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Như vậy, xét về mốc thời gian có thể thấy sự phát triển của VN và TQ là khá tương đồng cả về thời điểm lịch sử cụ thể và cả trào lưu phát triển.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước bắt đầu cùng dắt tay nhau thực hiện sự phát triển của mình, trong đó có VN và TQ. Thời điểm này xuất hiện hai xu hướng phát triển kinh tế hoàn toàn khác biệt nhau. VN và TQ là hai nước định hướng phát triển theo nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, trong khi đa phần các nước còn lại như Châu Mỹ La Tinh, Châu Á, một số nước ở Châu Phi lựa chọn theo con đường kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa với các mức độ khác nhau.

Như vậy, đây là điểm tương đồng đầu tiên trong định hướng phát triển giữa VN và TQ.

“Mặc dù còn nhiều yếu tố xã hội, lịch sử khác nhau nhưng cả hai quốc gia đều lựa chọn một hướng đi giống nhau, tại một thời điểm tương đương nhau”, ông Đoàn nói.

Đánh giá về kết quả thực hiện, PGS.TS Lê Cao Đoàn thẳng thắn cho biết, cả hai nước đều đã chưa thành công trong phát triển.

Cụ thể ở đây ông cho biết, cả hai nước chưa xác lập được những tiền đề cho nền kinh tế phát triển, chưa xác lập được những tiền đề như tỷ lệ đầu tư so với thu nhập quốc dân, xuất hiện ngành công nghiệp chế biến với tốc độ tăng trưởng cao có những chuyển biến mạnh mẽ trong cơ chế xã hội… những yếu tố nền tảng cho nền kinh tế cất cánh.

Theo ông, chưa vượt qua được giai đoạn này thì chưa thể bước tới giai đoạn trưởng thành với những đặc trưng cơ bản là tỷ lệ đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, năng suất lao động cao cùng với tốc độ hội nhập với thị trường quốc tế…

Thu nhập đầu người của TQ khi đó tính trên đầu người chỉ đạt trung bình khoảng 100-150 USD/đầu người, chưa đạt được tới ngưỡng của các nước phát triển. Trong khi đó, tiêu chuẩn của các nước phát triển thu nhập bình quân trên đầu người phải đạt trung bình khoảng 1000 USD/người, khi đó nền kinh tế chạm tới ngưỡng phát triển vì thành tích tăng tưởng đã được tích lũy lại. Quan trọng nhất là đã có những nền móng quan trọng được xác lập trong quá trình thị trường hóa và công nghiệp hóa. Hai quá trình này tạo ra sự thành công về mặt phát triển. Trong giai đoạn này cả TQ và VN đều không đạt được.

Đến năm 1976 – 1978, TQ bắt đầu thực hiện cải cách phát triển kinh tế theo định hướng thị trường. Theo quan điểm “mèo trắng, mèo đen”, tức là không phân biệt thể chế chính trị tư bản hay XHCN miễn là đều tạo ra sự giàu có và thịnh vượng. Bắt đầu từ thời điểm này TQ chuyển dần sang cơ chế thị trường. Cùng với đó, TQ đẩy mạnh thực hiện chủ trương mở cửa và hội nhập nền kinh tế.

Ngay trong giai đoạn này, TQ đã giải quyết được hai vấn đề. Thứ nhất là làm mờ nhạt dần mô thức kinh tế Xô Viết để chuyển dần sang mô thức kinh tế thị trường và thị trường hóa nền kinh tế đó. Thứ hai, song song với đó TQ đã thực hiện được một cuộc cách mạng trong lực lượng sản xuất (VN gọi là công nghiệp hóa, còn TQ gọi là hiện đại hóa). Tức là, thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi kết cấu nền kinh tế, thay đổi cách thức tạo ra sự thịnh vượng

Ở VN, Đại hội 4 diễn ra vào năm 1976 quyết định xây dựng CNXH. Biểu hiện cụ thể là cải tạo xã hội chủ nghĩa các nền kinh tế và đặt nền kinh tế hoàn toàn vào mô thức xô Viết. Thời điểm này đã xuất hiện sự khác biệt giữa VN và TQ. Trong khi TQ cải cách thì VN lại đi theo mô thức Xô Viết trên toàn nền kinh tế.

Mô hình này đã không giải quyết được vấn đề phát triển kinh tế của VN. Ngay lập tức nền kinh tế VN đã lâm vào trạng thái trì trệ, khủng khoảng, tăng trưởng thấp đi đáng kể, nền kinh tế lâm cảnh thiếu hụt, sản xuất không đủ ăn, phần lớn ngân sách để trang trải và chi tiêu, tích lũy chủ yếu dựa vào viện trợ từ nước ngoài. Do đó, nền kinh tế dần lâm cảnh suy thoái, thiếu ăn, nạn đói xuất hiện.

Sau đó, nền kinh tế VN bắt đầu có những chuyển đổi, VN phải đặt ra vấn đề cải cách quản lý, hay còn gọi là cải cách quản lý cơ chế kinh tế. Trong nông nghiệp thì thực hiện cơ chế khoán vụ. Thực chất đây là những cải cách mang tính thị trường, tức là tăng hiệu quả sản xuất, tăng lợi ích của người lao động. Lúc đó, nền sản xuất bắt đầu được khôi phục và từng bước có hiệu quả. Tuy nhiên, VN lại quay lại siết chặt trong nông nghiệp dẫn tới tình trạng khê đọng sản phẩm, không khuyến khích được sản xuất. Cải cách chưa thành.

Đến năm 1986, Đại hội 6 diễn ra, VN bắt đầu có xu hướng chuyển theo cơ chế thị trường thực chất chính là hướng đi của TQ. Như vậy, xét về mặt thời gian, VN đã đi sau TQ tới gần một thập kỷ.

Không thể làm khác TQ

Về vấn đề đi theo Trung Quốc, ông Đoàn nhận định, xét về cả mặt lý luận và thực tiễn thì nền kinh tế TQ và VN dù được định hướng chuyển đổi theo nền kinh tế thị trường nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc của hệ tư tưởng XHCN. Như vậy về mặt lý thuyết VN đi sau TQ là rõ ràng nhưng nếu trả lời câu hỏi VN có đi theo hay không thì vị chuyên gia cho rằng “cả hai nền kinh tế này tự nó giống nhau chứ không phải đi theo”.

Về tư duy đổi mới, theo ông, cải cách cả hai nước cũng đều đi theo hướng cơ chế thị trường tư bản theo một xu thế tất yếu của một nền kinh tế hiện đại theo nguyên tắc ngang giá và sinh lợi. Như vậy, VN không theo TQ mà tự bản thân xu hướng phát triển đã điều chỉnh cả hai nước.

Về việc đi theo đồng thời học theo cả cái xấu, học cả những mặt trái là thế nào, vị chuyên gia phân tích, xu hướng phát triển kinh tế thế giới hiện đang bị điểu khiển bởi hai sự kiện là: Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Đây chính là hai khối kinh tế định dạng lên thể chế, những quy tắc và trò chơi của nền kinh tế hiện đại. Vì thế, VN đã lần đầu tiên tham gia vào TPP, tức là đã bắt đầu tham gia vào quy tắc phát triển mới.

Như vậy, ông cho biết, trước khi trả lời câu hỏi ai theo ai thì phải hiểu rằng cả hai nền kinh tế VN và TQ đều có bản chất tương đồng nhau, giống nhau về tính hỗn hợp giữa mô hình kinh tế chung là CNXH và kinh tế thị trường.

Do quá giống nhau nên hành vi của người VN không thể khác được hành vi của người TQ mà chỉ là mức độ khác nhau và sức khỏe nền kinh tế mạnh yếu khác nhau mà thôi.

Ông lấy ví dụ, TQ họ rất mạnh trong huy động vốn của người nước ngoài vì họ lớn, tỉ lệ dân số định cư ở nước ngoài đông. 

Thứ hai, họ có tiềm năng để biến đồng NDT thành đồng tiền quốc tế hóa vì TQ là nền kinh tế lớn.

Đó là hai vấn đề mà VN không thể theo được TQ và có muốn theo cũng không thể theo được do nền kinh tế VN quá yếu.

Kết luận lại, vị chuyên gia nói rõ, “Vấn đề không ở đi theo hay đi sau mà do hai nền kinh tế quá giống nhau, giống nhau về cái xấu và cái hạn chế vì thế người ta luôn có cảm giác VN đang đi theo đuôi TQ. Trên thực tế để học được TQ không dễ mà VN cũng không thể học theo TQ được”, ông nói.

Theo ông, cái khó nhất của VN hiện nay là công cuộc cải cách chưa triệt để, do đó, nền VN càng ngày càng phụ thuộc rất lớn vào TQ. Mà theo ông, luật lệ của cuộc chơi bao giờ cũng do nước lớn định hình, vì thế, nếu VN phụ thuộc quá lớn vào TQ sớm muộn sẽ bị nước này chi phối.

Ông nêu dẫn chứng từ các lĩnh vực XNK, thương mại, VN chủ yếu nhập siêu từ TQ. Về dòng vốn đầu tư của TQ hiện cũng đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Tiếp nữa là về tư liệu sản xuất ở nhiều lĩnh vực VN gần như phụ thuộc hoàn toàn vào TQ.

“Đây không phải là lỗi từ phía TQ mà do VN quá yếu kém, công nghiệp hỗ trợ không phát triển, ngân sách khó khăn, vì thế, VN không thể mua nguyên liệu của nước khác với chất lượng cao hơn với giá đắt hơn.

Tôi lấy ví dụ, nếu nhập nguyên liệu, thiết bị, vật tư cho ngành đường sắt của Ấn Độ thì giá sẽ đắt gấp đôi của TQ. Bên cạnh đó, thủ tục, giấy tờ, hợp đồng mua bán khó khăn, nên dù biết chất lượng không tốt nhưng vì rẻ hơn, dễ hơn nên VN vẫn phải nhập của TQ.

Xét trên lĩnh vực này, dù TQ không áp đặt, VN cũng không thể thoát khỏi TQ được”, ông nói.

Vì vậy, theo ông, bản thân nền kinh tế VN nếu muốn thoát khỏi TQ không còn cách nào khác phải cải cách, đổi mới, làm cho nền kinh tế phát triển lên, giàu có hơn, mạnh mẽ hơn dựa trên cơ sở của một nền kinh tế thị trường với một cơ thể khỏe mạnh.

Từ phụ thuộc về kinh tế vị chuyên gia cho biết sẽ dẫn tới những phụ thuộc về quan hệ, chính trị. Trong quan hệ phát triển, VN đang thua hẳn một bậc về trình độ, năng lực mà nguyên nhân theo ông cũng là do yếu kém nên phải chịu lép vế, phải chịu sự chi phối bởi các chính sách điều hành ,quản lý khi làm ăn với họ và như vậy, VN chắc chắn sẽ ngày càng bị phụ thuộc sâu hơn vào TQ.

Vì khi TQ càng lớn mạnh, sức nóng của nước này sẽ lớn hơn. Và nếu khi giao thương với một nền kinh tế mạnh như vậy mà VN không khai thác được các lợi thế của mình thì VN sẽ thua. Ngược lại, ông cho biết, nếu VN tận dụng được lợi thế, VN sẽ thắng. Hay nói cách khác, VN có thể bán dưa hấu cho TQ để mua về được táo, đào. Đó là quan hệ giao thương qua lại đôi bên cùng có lợi, là rất bình thường.

“Tóm lại, VN phải nhanh chóng đưa nền kinh tế tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ hơn, nâng cao năng suất lao động cao. Hiện nay, trong 30 năm đổi mới mà thu nhập của VN mới trên 2.000 USD/người/năm, VN tụt hậu quá lớn. Trong khi đó, cùng thời gian này Hàn Quốc họ đã giải quyết được hết các vấn đề tồn đọng, nền kinh tế của họ đã được đẩy lên vượt bậc với thu nhập trên 1000 USD/người/năm.

Vấn đề ở đây là cách làm của VN, nếu VN làm gian dối, làm ẩu, muốn kiếm lợi theo con đường đi tắt thì đó là do VN. VN đừng bao giờ lo sẽ bị lép vế trước các nước mà chỉ lo không đủ năng lực, trình độ để cạnh tranh với các nước”, ông nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới