Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngPhe Cộng hòa sóng gió trước đà tiến của Donald Trump

Phe Cộng hòa sóng gió trước đà tiến của Donald Trump

Khi Donald Trump đang “một mình một ngựa” về đích trong cuộc bầu ứng cử viên nội bộ, đảng Cộng hòa chịu nhiều sóng gió.

Cựu ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa năm 2012 Mitt Romney(phải) tuyên bố sẽ tẩy chay chiến thắng của ông Donald Trump(trái). Ảnh: AP

Với việc hai đối thủ Ted Cruz và John Kasick rút lui khỏi cuộc bầu cử nội bộ đảng Cộng hòa để chọn ứng cử viên tổng thống, tỉ phú Donald Trump giờ đây đang “một mình một ngựa” hướng đến đại hội của đảng Cộng hòa. Quyết định bỏ cuộc của hai đối thủ đã giúp ông Trump gần như chắc chắn giành được vị trí đại diện đảng này tranh cử vào Nhà Trắng. Đây là thất bại thảm hại nhất của một đảng chính trị Mỹ trong lịch sử hiện đại, trang bình luận Vox nhận định.

Một đại hội đảng bị tẩy chay

Cựu ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa năm 2012 Mitt Romney cho biết ông sẽ vắng mặt tại đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa vào tháng 7 sắp tới, tờ Boston Globe cho biết. Ông Romney từng gọi Donald Trump là một kẻ “giả tạo và gian lận” trong một bài diễn văn hồi tháng 3-2016.

Cựu ứng cử viên nói với tờ Boston Globe rằng ông sẽ không bầu cho Trump và sẽ không xuất hiện tại lễ đăng quang của Trump trong đại hội của đảng Cộng hòa tại Cleveland. Ông từng chế giễu Trump không đưa ra tờ khai thuế và cảnh báo rằng tỉ phú này sẽ đem lại nguy hiểm cho nước Mỹ. Khi ông Trump đang đạt được đà chiến thắng, ông Romney đã quyết định cáo lui khỏi giới truyền thông.

Hai tổng thống đảng Cộng hòa duy nhất còn sống là George H.W. Bush và George W. Bush thông báo họ cũng sẽ không dự đại hội của đảng Cộng hòa vào đợt này. Một người nổi tiếng khác cũng có ý định tương tự là thượng nghị sĩ John McCain, cựu ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa năm 2008 hiện đang có vận động bầu cử mạnh mẽ tại Arizona.

Ứng cử viên đảng Cộng hòa năm 1996 Bob Dole được cho là người duy nhất đáp lại lời mời tham dự đại hội tại Cleveland lần này. Trong quá khứ, gia tộc Bush cũng từng bỏ qua một đại hội năm 2012 khi ông Romney được ứng cử chức tổng thống. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông McCain vẫn đến dự và có một bài diễn văn sôi nổi ca ngợi ứng cử viên của đảng Cộng hòa.

Việc Romney tẩy chay Trump trước công chúng gợi nhắc đến cha ông George Romney, người vào năm 1964 từng thúc giục đảng Cộng hòa loại bỏ “những kẻ cực đoan”. Tuy nhiên, nỗ lực của cha ông Romney vẫn thất bại. Barry Goldwater sau đó trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa và điều này khiến ông George rất tức giận.

Ông này sau đó đã viết thư cho Goldwater để bày tỏ sự phản đối của mình. “Khi càng ngày càng nhiều những phần tử cực đoan dòm ngó đến vị trí lãnh đạo đảng Cộng hòa, chúng ta không thể giành lại sự tôn trọng của dân tộc và dẫn đến sự tái sinh cần thiết về tinh thần, đạo đức và chính trị” – ông George Romney từng viết. Ông Mitt Romney cũng nhắc đến cha mình trong một cuộc phỏng vấn gần đây với báo Boston Globe: “Ông ấy đã không chấp nhận chiến thắng của Goldwater. Và tôi cũng như cha mình, tôi không ủng hộ Donald Trump. Tôi sẽ không bầu cho ông ấy”.

Các cựu ứng viên vị trí đại diện tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa khác như Jeb Bush, Lindsey Graham cũng tuyên bố sẽ không ủng hộ vị tỉ phú New York vào tháng 11 tới.

Một chủ tịch Hạ viện “bất lực”

Vào ngày 5-5, trong cuộc phỏng vấn với CNN, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan thành thật chia sẻ chưa thể ủng hộ ông Trump: “Tôi hy vọng được ủng hộ ứng viên của đảng. Và tôi mong muốn thực hiện điều đó. Nhưng ở thời điểm hiện tại, phải thú thực rằng tôi vẫn chưa sẵn sàng. Nhưng tôi nghĩ điều cần thiết là chúng tôi cần phải đoàn kết đảng và tôi nghĩ phần lớn gánh nặng của việc hợp nhất các bên trong đảng thuộc về ứng viên tiềm năng”.

Phát ngôn của ông Ryan gây bất ngờ cho nội bộ đảng Cộng hòa nhưng nhất quán với các tuyên bố trước đây của ông. Trong quá khứ, chính trị gia này đã nhiều lần phản đối những tuyên bố quá khích về di dân Hồi giáo, Latin, xúc phạm phụ nữ,… trong quá trình vận động tranh cử của ông Trump.

Tuy vậy, với tư cách là chủ tịch Hạ viện, ông Ryan phải chịu áp lực rất lớn từ nội bộ đảng. Khi trao đổi với Politico, đại biểu khác của đảng Cộng hòa Lynn Westmoreland nói: “Tôi thật sự không hiểu được Paul đang suy nghĩ gì”. Tương tự, đại biểu Dennis Ross cũng cho biết: “Hãy tin tôi, tôi không thuộc bầu đoàn của Trump nhưng tôi sẽ ủng hộ Trump và không đồng tình với ý kiến của Paul”.

Phía trên chỉ là đại diện cho một nhóm không nhỏ các đại biểu ủng hộ Trump, người mà như Renee Ellmers, nữ đại biểu của đảng Cộng hòa, “đang đối thoại với người dân Mỹ mà chúng ta, đặc biệt là những người Cộng hòa, đã bỏ qua trong suốt nhiều năm”. Ngược lại, nhóm khác thể hiện sự ủng hộ quan điểm của Ryan như Barbara Comstock, Charlie Dent. Sự bất đồng quan điểm này đã đẩy đảng Cộng hòa nói chung và bản thân Paul Ryan nói riêng vào tình thế lưỡng nan khi phải vừa đảm bảo lợi thế của đảng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới vừa phải đảm bảo giữ vững những giá trị của đảng.


Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan bị các đồng minh gây sức ép, buộc phải đối thoại với Donald Trump.  Ảnh: GETTY

Trước áp lực trên, một ngày sau khi có cuộc phỏng vấn với CNN, đại diện của Trump và Ryan thông báo hai chính trị gia sẽ có cuộc gặp mặt vào ngày 12-5 tới. Thông cáo cho biết: “Vì cả hai cùng nói cần sự đoàn kết đảng, cuộc gặp mặt sẽ được thiết kế để thảo luận về những nguyên tắc và ý tưởng của đảng Cộng hòa có thể nhận được sự ủng hộ của người dân vào tháng 11”.

Đây được xem như một động thái tích cực cả hai để cùng thống nhất những điểm bất đồng quan điểm và tìm ra giải pháp khả thi nhất trong tình hình hiện tại. Tuy nhiên, vị chính trị gia – tỉ phú Trump cho rằng: “Tôi đã đồng ý gặp nhưng không chắc cuộc gặp gỡ sẽ thành công”.

Một thất bại lịch sử

Trang mạng Vox bình luận đảng Cộng hòa đã thất bại trong việc thực hiện khả năng cơ bản của một đảng chính trị là lựa chọn ra một ứng cử viên đúng theo mong muốn và ý chí của mình, và đủ khả năng để cạnh tranh cho vị trí tổng thống Mỹ. Thay vào đó, đảng này đang đề cử một người “vừa kiêu ngạo vừa thù địch với mọi tư tưởng cốt lõi của bảo thủ” của đảng Cộng hòa.

Từ đầu quá trình vận động tranh cử cho đến nay, khi cuộc đua nội đảng sắp ngã ngũ, ông Donald Trump vẫn chưa đưa ra một hình dung cụ thể nào về các chính sách mà ông sẽ thực hiện nếu chiến thắng. Phe bảo thủ của nước Mỹ đang “đặt cược” cuộc tranh cử tổng thống vào một ứng cử viên vừa không thể hiện được tư tưởng của đảng Cộng hòa, vừa đảm bảo chắc chắn sẽ thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, tờ Vox nhận định.

Đây không phải là lần đầu tiên một đảng chính trị tại Mỹ thất bại trong việc tìm kiếm ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế tổng thống. Cựu ứng cử viên của đảng Cộng hòa Barry Goldwaters (năm 1964) và của đảng Dân chủ George McGovern (năm 1972) đều đã từng thất bại thảm hại trong các cuộc tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, các thất bại đó đều có sự tác động của hoàn cảnh chính trị.

Ngoài ra, những ứng cử viên này đều là nghị sĩ Mỹ và những tư tưởng của họ đều được cân nhắc và tiếp thu bởi đảng của họ sau khi thất bại. Khó có thể hình dung ra việc đảng Cộng hòa sử dụng lại bất kỳ ý tưởng nào mà ông Trump đưa ra trong cuộc tranh cử năm 2016. Sự thất bại trong cuộc tranh cử năm nay sẽ không chỉ gói gọn trong năm 2016, mà sẽ còn ảnh hưởng đến bộ mặt của đảng Cộng hòa và tác động đến nhiều cuộc đua khác từ giờ về sau.

Sự dửng dưng trước đà tiến của ông Trump càng làm rõ sự thất bại thảm hại của đảng Cộng hòa trong năm 2016. Mặc dù nhiều lãnh đạo của đảng này đã bày tỏ mối lo ngại về chiến thắng của ông Trump những tháng qua, họ cũng không đưa ra được bất kỳ một ứng cử viên nào khá hơn và có sức thuyết phục hơn. Sự im lặng và thiếu khả năng dẫn dắt này của các lãnh đạo đảng Cộng hòa đã khiến các cử tri của họ “lạc lối” và lựa chọn ông Trump thành ứng viên sáng giá nhất của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới